Trong thời kỳ Xô Viết, quan hệ quốc tế của Kazakhstan phụ thuộc nhiều vào chính sách đối ngoại của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nursultan Nazarbaev, Kazakhstan thực hiện nhiều chính sách linh hoạt, hiệu quả, với tư cách quốc gia độc lập.
Theo đó, trong lĩnh vực đối nội, Kazakhstan ngăn chặn thành công các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ly khai, ủng hộ sự thống nhất quốc gia và sắc tộc. Trong lĩnh vực đối ngoại, gần 30 năm qua các bước đi ngoại giao của nhà lãnh đạo Nursultan Nazarbaev góp phần nâng cao vị thế của Kazakhstan trên trường quốc tế.
Phi hạt nhân hóa
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Kazakhstan được thừa kế một khối lượng lớn vũ khí hạt nhân. Nhưng Kazakhstan có lập trường khác với nhiều nước trong việc mong muốn sở hữu loại vũ khí này hay coi nó như “con át chủ bài” về quốc phòng, an ninh.
Để tránh nguy hiểm cho đất nước, chính quyền Tổng thống Nursultan Nazarbaev không do dự, nhanh chóng quyết định chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga, và cùng với Mỹ tiêu hủy hạ tầng cơ sở hạt nhân.
Theo đường lối đối ngoại hòa bình của nhà lãnh đạo Nazarbaev, lần đầu tiên Kazakhstan thực thi việc phi hạt nhân hóa. Kazakhstan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong những năm độc lập đầu tiên Tổng thống N. Nazarbaev đã ký kết Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhanh chóng trở thành nước không có vũ khí hạt nhân.
Quyết định phi hạt nhân hóa đã có ảnh hưởng tích cực đến việc tạo ra hình ảnh yêu chuộng hòa bình của nhân dân Kazakhstan, góp phần tránh được những phức tạp có thể và giành được niềm tin của cộng đồng quốc tế, mở rộng được các quan hệ đối ngoại.
Năm 1994, các nước lớn như Mỹ, Nga và Anh, sau đó là Trung Quốc và Pháp đã tuyên bố về nền an ninh của Kazakhstan được định hình bằng việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hơn nữa, Kazakhstan còn trở thành một trong những nước tích cực nhất đấu tranh cho hòa bình và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 2006, Kazakhstan và nhiều nước Trung Á ký kết Hiệp ước về khu vực sử dụng vũ khí hạt nhân ở Trung Á.
Ngoài ra, Kazakhstan cũng tích cực thúc đẩy xây dựng môi trường hòa bình trong khu vực và trên thế giới và đã có thể tập trung mọi nguồn lực vào mục đích phát triển kinh tế đất nước và mở đầu nền ngoại giao hòa bình đa phương, dưới phương châm “thêm bạn, bớt thù”.
Cân bằng lợi ích giữa các cường quốc
Trong thời gian cầm quyền của Tổng thống N. Nazarbaev, Kazakhstan tạo dựng mối quan hệ hợp tác linh hoạt và cân bằng với tất cả các đối tác trên thế giới, trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Với Nga, Kazakhstan có quan hệ liên minh quan trọng. Với Trung Quốc, đó là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng là đối tác hàng đầu của Kazakhstan, quan hệ đối tác song phương được tập trung vào an ninh khu vực, ổn định tại Afganistan, vào khu vực năng lượng, thương mại và đầu tư. Năm 2012, hai bên đã thành lập Ủy ban về hợp tác chiến lược.
EU là đối tác chính trị và kinh tế rất quan trọng của Kazakhstan, chiếm tới 42% ngoại thương của Kazakhstan.
Định hướng đa phương đã giúp Kazakhstan tránh được sự phụ thuộc vào các cường quốc lớn, thực hiện đường lối đối ngoại tự cường và đa phương hóa. Do đó trong điều kiện chạy đua ngày càng gia tăng giữa các nước Nga, Mỹ, EU và Trung Quốc, Kazakhstan vẫn giữ được thế cân bằng với các cường quốc.
Điều này cho phép Kazakhstan tận dụng được các thế mạnh, tránh được các mặt tiêu cực do môi trường toàn cầu hóa tạo ra, củng cố và gia tăng được các quyền lợi của mình.
Vai trò kết nối Á - Âu
Chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống N. Nazarbaev tạo điều kiện thuận lợi cho Kazakhstan, giúp nước này đóng vai trò then chốt ở Trung Á, cũng như kết nối châu Á và châu Âu.
Theo đó, Kazakhstan gia nhập nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Năm 2010, Kazakhstan trở thành Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Đường lối liên kết giữa châu Á và châu Âu đóng vai trò then chốt trong chiến lược đối ngoại của Kazakhstan, tạo điều kiện duy trì thế cân bằng giữa phương Đông và phương Tây, củng cố an ninh khu vực, tạo đà kích thích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Để hài hòa đường lối quốc tế, Tổng thống N. Nazarbaev luôn tìm ra những tư tưởng mới. Chẳng hạn như xây dựng cơ cấu mới G-GLOBAL (Nhóm toàn cầu), nền tảng lớn để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề hiện nay của hệ thống tài chính thế giới. Sự tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế đã thúc đẩy củng cố các vị thế của Kazakhstan trên trường quốc tế.
Ngoài ra, lãnh đạo Kazakhstan có sáng kiến triệu tập Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp lòng tin ở châu Á – Diễn đàn vì hòa bình và an ninh châu Á.
Chiến lược ngoại giao của Kazakhstan dưới thời Tổng thống N. Nazarbaev đang giúp cho nền kinh tế nước này phát triển nhanh.
Tháng 10/2012 “Viện Legata” (London) dựa trên 8 tiêu chí (sức mạnh kinh tế, môi trường, hiệu quả quản lý, hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, an ninh và luật pháp, tự do cá nhân, tư bản xã hội) đã xếp Kazakhstan vào hàng thứ 44 trong số 144 nước.
Đó là vị trí cao nhất trong các nước SNG và Trung Á. Kazakhstan là đất nước phát triển nhất ở Trung Á, thu nhập bình quân đầu người ở Kazakhstan cao gấp đôi các nước khác trong khu vực (Kyrgystan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan).
Uy tín của Kazakhstan được công nhận trên trường quốc tế. Bằng chứng cho uy tín này là việc Kazakhstan đã vượt qua nước Bỉ trong cuộc bầu chọn để đăng cai Triển lãm quốc tế EXPO-2017.
Trong 30 năm kể từ khi Liên Xô tan rã, đất nước Kazakhstan dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đầu tiên Nursultan Nazarbaev và hiện nay là đương kim Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev sớm trở thành một nước phát triển và ổn định nhất ở Trung Á.
Bình luận