Vào ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch có khả năng tích hợp lên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Biên tập viên Joshua Pollack của Nonproliferation Review nhận định, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng không hiệu quả, cũng như Mỹ và các quốc gia phương Tây cần có cách tiếp cận mới với cuộc khủng hoảng này.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 này của Triều Tiên là vụ thử có sức công phá cao nhất tính cho đến thời điểm này. Chấn động từ vụ thử được nhận thấy đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc và Nhật Bản, trước khi lan ra toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.
“Đây là vấn đề hệ trọng đối với cộng đồng quốc tế nhưng không hề bất ngờ. Bằng cách này hay cách khác họ đã chỉ ra chúng ta điều này sẽ đến. Bản thân thời điểm dù không rõ ràng, nhưng chúng ta đã quan sát và phụ thuộc chỉ duy nhất việc gây áp lực và đặt ra các biện pháp cấm vận để buộc Triều Tiên chấm dứt các chương trình gây tranh cãi”, ông Pollack nói.
Khi nói về thông điệp mà Triều Tiên cố gắng gửi đến thế giới với vụ thử hạt nhân này, biên tập viên Pollack nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang cố gắng nói rằng họ có khả năng thực hiện những vụ thử như thế này và sẽ thực hiện một cách nghiêm túc.
“Tôi không nghĩ một loạt các biện pháp cấm vận mới sẽ tạo ra được thay đổi đáng kể. Triều Tiên đã nói rõ họ phản ứng lại với áp lực bằng áp lực. Nếu Mỹ cùng đồng minh và rộng hơn là cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo ra áp lực tối đa theo như khái niệm của Mỹ, Triều Tiên sẽ đáp trả bằng việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân với cường độ tối đa”, ông Pollack cho hay.
Ông nói thêm, giai đoạn buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình gây tranh cãi đã chấm dứt, và bây giờ điều quan trọng hơn là thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng.
Video: Giây phút phát thanh viên số 1 truyền hình Triều Tiên thông báo thử thành công bom H
“Mỹ đang nhắm mục tiêu vào doanh nghiệp tại các nước thứ ba đang làm ăn với Triều Tiên, trong đó có Trung Quốc và một số quốc gia khác. Đó có lẽ là hướng đi mà Mỹ đang chọn lựa”, biên tập viên Pollack nói. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn cơ hội để một quốc gia đứng ra làm trung gian hòa giải và đó có thể là Trung Quốc.
Ông giải thích, “khi một loạt các sự kiện tương tự diễn ra 1 thập kỷ trước, Trung Quốc là nước tiên phong trong việc triệu tập các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ tại Bắc Kinh”. Sau đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga tham gia, hình thành nên đàm phán 6 bên.
Theo ông, “Trung Quốc là đất nước duy nhất có mối quan hệ với cả hai bên và có thể triệu tập cuộc đàm phán này, mặc dù hiện tại quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên không được tốt cho lắm”.
Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 3/9 với loại vũ khí được cho là bom khinh khí, lãnh đạo nhiều quốc gia đã có hành động lên án vụ việc này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhanh chóng liên lac với các đồng minh trong khu vực, trong khi đó Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhóm họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung.
Người đứng đầu Tổ chức cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Lassina Zerbo, đã chỉ ra rằng những biện phát trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng đã không có tác dụng rõ rệt.
Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS và khẳng định cả hai quốc gia này sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời giữ liên lạc và phối hợp chặt chẽ.
Bình luận