• Zalo

Quay cuồng trong 'hệ sinh thái' đặc biệt ở V-League, bầu Đức có thật chỉ làm bóng đá cho vui?

Thể thaoThứ Tư, 17/07/2019 07:00:00 +07:00Google News

Bầu Đức tuyên bố HAGL cứ "đá tầm tầm", "đá cho vui", nhưng chiến lược và những động thái của đội bóng phố Núi trong 5 năm qua dường như cho thấy điều ngược lại.

1. Cuối tháng 10/2017, HAGL bổ nhiệm ông Chung Hae Seong làm GĐKT đội bóng, không lâu sau khi tuyển Việt Nam có được sự phục vụ của HLV Park Hang Seo. Ông Chung Hae Seong là bạn thân của thầy Park và từng là "cánh tay trái" của HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002, giải đấu mà tuyển Hàn Quốc lập kỳ tích khi lọt vào bán kết.

Bau Duc - top 3

 Bầu Đức vẫn đau đáu lo cho HAGL.

Thời điểm bầu Đức sang Hàn Quốc và mang về 2 ông thầy, có ý kiến đánh giá ông chủ của HAGL dành "của tốt" cho đội bóng phố Núi, "của thường" cho ĐTQG. Ông Chung Hae Seong từng dẫn dắt nhiều CLB Hàn Quốc và có thâm niên làm GĐKT. Tức về kỹ năng quản lý, đề ra chiến lược phát triển, Chung Hae Seong là một trong những tên tuổi hạng A.

Cập bến đội bóng của bầu Đức, GĐKT Chung Hae Seong tuyên bố HAGL hướng đến top 3, vô địch V-League và vươn ra biển lớn châu Á trong lộ trình phát triển.

Nếu xác định không phấn đấu cho thứ hạng cao và chỉ đá tầm tầm, bầu Đức cất công mang về HAGL những tên tuổi lớn để làm gì?

2. Năm năm tính từ mùa giải lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Hồng Duy được đôn lên chơi ở V-League, HAGL thay 4 HLV trưởng. Guillaume Graechen, Nguyễn Quốc Tuấn, Dương Minh Ninh và Lee Tae Hoon là những người được tin dùng. Không ai trụ quá 2 mùa giải. Ở V-League, HAGL đích thực là "cối xay" HLV.

Những ông thầy được sử dụng có lẽ cũng không cho thấy chiến lược phát triển nhất quán của HAGL. "Nhà sư phạm" Guillaume Graechen được giao phó nhiệm vụ giúp lứa U19 non nớt trụ lại ở V-League. Ông thầy người Pháp giỏi nghiệp vụ đào tạo, song kiến thức về bóng đá Việt Nam gần như bằng 0 cộng với việc thiếu kinh nghiệm huấn luyện khiến thầy Giôm phải ra đi sau khi HAGL thua nhiều trận bẽ mặt.

hagl-tap-luyen_-14-12-1852020

 HLV Dương Minh Ninh sau thời gian làm "lái trưởng" ở HAGL, giờ làm tiếp nhiệm vụ trợ lý cho HLV Lee Tae Hoon.

HLV Nguyễn Quốc Tuấn - người chịu trách nhiệm huấn luyện... thủ môn được giao ghế nóng ở Pleiku. Ông Tuấn giúp HAGL khởi sắc vài trận đấu trước khi HAGL đi đúng con đường cũ, bất ổn. HLV Dương Minh Ninh, người chuyên phụ trách công tác đào tạo trẻ được mang lên thay với kỳ vọng kết hợp lứa Công Phượng với những tài năng từ đội năng khiếu, khoá 3,... Hiệu quả không hơn. Ông Ninh phải ra đi sau khởi đầu kém cỏi ở đầu mùa giải.

GĐKT Lee Tae Hoon ngồi vào ghế nóng và được kỳ vọng tiếp nối làn sóng thành công của những người thầy Hàn Quốc ở Việt Nam. Như vậy, HAGL đã sử dụng 4 HLV từ 4 trường phái khác nhau, bổ nhiệm 2 GĐKT người Hàn Quốc, đều thuộc tuýp có tên tuổi, liên tục xáo trộn ban huấn luyện.

Trên khía cạnh chuyên môn, sự thay đổi liên tục là đặc trưng của đội bóng không chấp nhận chỗ đứng hiện tại. Nhiều CLB tại V-League có xu hướng giữ nguyên thành phần huấn luyện với tư tưởng "ăn chắc mặc bền", cậy nhờ chủ nghĩa kinh nghiệm của HLV để xoay sở như Sanna Khánh Hoà BVN, Nam Định, SLNA,...

Một đội bóng thay "tướng" liên tục là Thanh Hoá, dùng 5 HLV trong 4 mùa (Ljupko Petrovic, Marian Mihail, Thanh Tùng, Đức Thắng, Quang Bảo) thì không giấu diếm tham vọng đua vô địch. 

Than vs HAGL-18

HLV Lee Tae Hoon chưa có thời gian tạo dấu ấn ở HAGL. 

Khi HAGL thay đổi liên tục, sử dụng cả những chiến lược gia, GĐKT tên tuổi từ Hàn Quốc mà bầu Đức vẫn nói đội bóng... thua thì thôi, dường như có không ít mâu thuẫn.

Nếu HAGL chỉ đặt mục tiêu trụ hạng ở V-League, HLV Nguyễn Quốc Tuấn hay Dương Minh Ninh đủ sức làm được, minh chứng là vị trí thứ 10 - 12 trong 3 mùa giải liên tiếp, không cần mất công tìm kiếm những ông thầy tên tuổi.

3. Khi được hỏi về công tác tuyển chọn cầu thủ ngoại ở HAGL, HLV Lee Tae Hoon nói ông... không biết gì. Nhân sự được hoàn thành trước khi chiến lược gia Hàn Quốc góp mặt. 5 mùa đã qua, HAGL dùng 12 cầu thủ ngoại, hầu hết đều thất bại và hiệu quả không đáng kể.

van toan hagl than quang ninh 15

Văn Toàn bất lực trong thất bại đau đớn của HAGL trước Than Quảng Ninh.

HAGL từng là đội duy nhất ở V-League không dùng tiền đạo ngoại khi bầu Đức muốn Công Phượng, Văn Toàn có đất diễn, song qua nửa mùa bóng, đội bóng phố Núi phải về guồng quay cũ. Không phải HAGL không muốn cầu thủ ngoại giỏi, mà sân Pleiku không phải mảnh đất lành để "ngoại binh" thể hiện khả năng. 

Nhìn chung, HAGL của bầu Đức vẫn rất "máu", nhưng lại "lực bất tòng tâm" đúng như khẳng định của ông chủ đội bóng phố Núi. Bầu Đức bóng gió nói về một hệ sinh thái "5 đánh 1" tồn tại ở V-League, tức khả năng vô địch của HAGL hay các CLB nằm ngoài "hệ sinh thái" này gần như không có.

Quay cuồng giữa 'hệ sinh thái' đặc biệt ấy ở V-League, có lẽ bầu Đức muốn tập trung xây dựng HAGL ở một phương diện khác: phát triển hình ảnh (thông qua sức hút của kênh YouTube, lượng CĐV đông đảo), mở rộng hợp tác quốc tế và xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài mà Công Phượng, Xuân Trường là những cái tên tiên phong kể cả về giá trị thương mại lẫn giá trị hình ảnh. Trên những phương diện này, HAGL vẫn đang là số 1 V-League, vị thế không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, trong bóng đá hiện đại, thành tích vẫn đóng vai trò tối quan trọng, dẫu yếu tố thương mại từ lâu cũng được sử dụng như một thước đo độc lập để đánh giá mức độ phát triển của CLB.

Cứ phải thắng, có thành tích tốt thì mới dễ nói chuyện với các nhà tài trợ. Làm bóng đá, không nhiều người muốn trao gửi niềm tin, tiền bạc vào một CLB cái gì cũng có, riêng thành tích thì lại không.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn