Quảng Nam sáp nhập, hợp nhất hàng loạt sở
Ngày 20/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng ký ban hành kế hoạch về việc định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị khối chính quyền tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Quảng Nam dự kiến giảm tối thiểu 15% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị (không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập).
Quảng Nam sẽ tiếp tục duy trì 4 Sở, ngành (nhưng có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong) gồm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh.
Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất).
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động (chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế; chuyển chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo về Ban Dân tộc tỉnh.
Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; đồng thời, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam về Sở Kinh tế - Tài chính (sau khi hợp nhất).
Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh hiện nay và chức năng nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ chuyển sang.
Ngoài ra, Quảng Nam sẽ tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, đồng thời: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang. Tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương chuyển sang.
Tổ chức lại Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Tổ chức lại Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về công tác tôn giáo từ Sở Nội vụ, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Tổ chức lại Sở Công Thương: Do tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh: Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Tên gọi dự kiến: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. Chức năng nhiệm vụ: Thực hiện các chức năng nhiệm vụ của 02 Ban quản lý dự án hiện nay.
Tạm thời giữ ổn định (nhưng có sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong) và nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp trong thời gian đến: Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam; Trường Cao đẳng Quảng Nam; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam; Ban Quản lý vườn Quốc gia Sông Thanh; Trường Đại học Quảng Nam.
Lãnh đạo Đà Nẵng: Sau sáp nhập, tinh giảm là cuộc sống của cán bộ và gia đình
Ngày 20/12, tại buổi họp báo cuối năm, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang xây dựng các kế hoạch cụ thể về việc sáp nhập các sở, ngành.
Theo ông Cường, liên quan sắp xếp bộ máy hành chính, theo chủ trương chung của Trung ương, Đà Nẵng có 2 việc phải làm: Một là sắp xếp xã, phường và hai là sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Với sáp nhập xã, phường, tỷ lệ số lượng xã, phường ở Đà Nẵng không nhiều nên việc sắp xếp ở mức độ chỉ có điều chỉnh địa giới hành chính, tập trung ở quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê là chính.
Liên quan thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Bộ Chính trị thì tinh thần của Trung ương đã rõ. Quan điểm là Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, cơ sở nên cứ vậy mà làm.
“Ở dưới cũng phải nhìn lên trên, ít nhất các sở, ngành phải tương đồng với các bộ. Trên nhập bao nhiêu thì ở địa phương cũng vậy. Trung ương giảm 5 bộ, 2 cơ quan ngang bộ, chưa kể các tổng cục cũng được sắp xếp trở lại. Khoảng 500 cục, mấy chục tổng cục”, ông Cường nói và cho biết trên tinh thần đó, ngoài sắp xếp các sở, ngành, sáp nhập theo yêu cầu của Trung ương, Đà Nẵng sẽ tinh gọn tiếp các sở, ngành không nằm trong sáp nhập như Sở Y tế, Sở Nội vụ, Thanh tra, Văn phòng Ủy ban…
“Tinh thần giảm 15-20% đầu mối, phòng, ban. Những đơn vị sự nghiệp có chức năng trùng lắp khi sáp nhập cũng sẽ được tính toán. Chúng ta xác định đây là một cuộc cách mạng. Bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, đầu mối để xử lý công việc, tinh gọn để bộ máy bớt cồng kềnh thì sáp nhập cũng tạo nhiều vấn đề cần giải quyết. Đà Nẵng sẽ quyết liệt làm, hoàn thành trong quý 1/2024 về việc sắp xếp theo yêu cầu của Trung ương”, ông Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay thành phố đang xây dựng các kế hoạch cụ thể, giao các sở ngồi lại với nhau để bàn bạc, sắp xếp bộ máy sau khi sáp nhập như thế nào, với tinh thần rút gọn 15-20%. Các sở còn lại cũng rà soát, sắp xếp, tinh gọn lại và tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, các hội, đoàn thể theo chủ trương.
“Chúng ta đang làm khung, từ khung đó mới tính toán có lộ trình, có các chính sách mạnh để khuyến khích các cán bộ gần đến tuổi, còn ít tuổi hoặc những cán bộ cảm thấy mình không còn khả năng đáp ứng được nữa thì xin nghỉ. Rồi quá trình đó có những người nghỉ hưu, xin nghỉ sẽ tiếp tục tinh giảm thêm chứ không phải ngay một lúc là nói cắt bao nhiêu người vì đây là vấn đề liên quan đến con người, đến cuộc sống của từng cá nhân cán bộ và cả gia đình phía sau”, ông Cường cho biết thêm.
Sáng tạo1
Bổ ích
Độc đáo
Phẫn nộ
Xúc động
Bình luận