• Zalo

Quảng cáo 'láo', đối thủ của Vinacafe Biên Hòa nói gì?

Kinh tếThứ Sáu, 22/03/2013 01:10:00 +07:00Google News

Đại diện 1 hãng cà phê hòa tan có thương hiệu tầm cỡ đã ví von "thí nghiệm chứng minh cà phê thật nó giống với công việc của người đi bán sừng tê giác".

Đại diện một hãng cà phê hòa tan có thương hiệu tầm cỡ nhất hiện nay đã ví von "thí nghiệm chứng minh cà phê thật nó giống với công việc của người đi bán sừng tê giác".

Thí nghiệm chứng minh cà phê thật của Vinacafe Biên Hòa đã gặp phải sự phản ứng từ chính những doanh nghiệp cà phê lớn trên thị trường về khía cạnh đạo đức và cơ sở khoa học.

"Quảng cáo cà phê thật giống người bán sừng tê giác"

Giám đốc đại diện của công ty này nhận xét, khi xem thí nghiệm này, thấy nó giống công việc của mấy bác đi bán sừng tê giác. Họ cũng có rất nhiều phương pháp để chứng minh sừng giả, sừng thật nhưng cuối cùng thì giả vẫn cứ là giả. Họ có đủ trò để qua mặt người mua.
 

Một slogan quảng cáo cà phê thật của Vinacafe có vẻ như có cơ sở khoa học 
Người mua đã bị lừa vì những lời rao bán, quảng cáo về thành phần, chất lượng, tính năng, công dụng.... nhưng khi phân tích chất thì các nhà khoa học đã chứng minh thành phần của nó rất giống với thành phần trong móng tay của người.

Tôi đã nghe các nhà bảo vệ động vật hoang dã khuyên: "Hãy giữ lấy tiền của bạn. Còn nếu bạn muốn ăn sừng tê giác thì bạn hãy cắn móng tay của mình còn tốt hơn".

Chúng tôi không bình luận về đối thủ cạnh tranh cũng như không bình luận về thị trường cà phê.

Tuy nhiên, những gì có thể cân đong, đo, đếm được thì phải tuân theo một chuẩn mực cụ thể. Ví dụ, Vinacafe Biên Hòa nói cà phê Việt Nam đang ở ngưỡng báo động đỏ, thì cần phải có cơ sở, nghiên cứu cụ thể. Cả nước có bao nhiêu vụ uống phải cà phê đó, có bao nhiêu người chết hay phải nhập viện thì mới có thể kết luận thế nào là báo động đỏ, nếu không đó chỉ là quan điểm cá nhân.

Hơn nữa, cũng phải xem, cái ngưỡng báo động đỏ là do ai đặt ra, ngưỡng nào được gọi là báo động đỏ?.

>> Xem quảng cáo Vinacafe qua các thời kỳ

Thêm nữa là, mùi vị, màu sắc, lựa chọn từng hạt là ngon nhất, tốt nhất nhằm chứng minh sản phẩm của mình là thật, là nhất… tất cả rất cảm tính, không có cơ sở. Thế nào là mùi sực nức, dày, hậu.. thế nào là hạt cà phê ngon nhất, tốt nhất.

Ngay cả người tiêu dùng thông thái cũng không thể cảm nhận được những cái cao siêu như thế. Đơn giản họ chỉ lựa chọn một sản phẩm phù hợp với gu thưởng thức của họ.

Nếu dựa vào mùi mà phân biệt cà phê thật giả thì không ổn. Chỉ cần hỏi các nhà kinh doanh cà phê rang xay lâu năm, kinh nghiệm sẽ thấy cà phê đang xay có pha thêm đậu nành là rất bình thường (thường chiếm 10%), có cả bắp, bơ để tạo ra vị đúng với gu của người Việt.

Nếu nhà sản xuất công bố rõ thành phần thì không thể coi đó là cà phê giả được. Đó là cách phối trộn, chứ không có cà phê 100% rang lên, không pha. Cà phê đó người Việt Nam không uống, vì nó chua... Người Việt Nam, họ muốn có một ly cà phê sánh, đặc, bốc mùi thơm, béo ngậy...

Cơ sở nào chứng minh 8 vùng đặc sản?

Cùng với thí nghiệm chứng minh cà phê thật, Vinacafe còn tung ra nhiều video clip quảng cáo để chứng minh cà phê của mình được lựa chọn từ những địa danh tốt nhất.

"Xin nói luôn, lần đầu tiên tôi nghe về 8 vùng cà phê đặc sản đó. Cho tới thời điểm này không có một cơ sở khoa học, hay một hội đồng thẩm định nào, thậm chí ngay cả dân nghiền uống cà phê cũng không biết hết 8 vùng đó là cà phê ngon nhất. Về mặt chỉ dẫn địa lý, nếu nói như vậy là không ổn.

Gọi cà phê người ta thường hay nhớ đến Buôn Mê Thuột nhưng lợi dụng Buôn Mê Thuột để đánh đồng sản phẩm các vùng là không được"- Vị đại diện khẳng định.

Theo ông, quảng cáo giới thiệu là cà phê được lựa chọn hạt cà phê ngon nhất thì cho tới nay chưa có một công nghệ nào có thể phân biệt và lựa chọn được những hạt cà phê ngon nhất. Cũng không có một cái máy nào có thể lựa được những hạt cà phê ngon nhất như thế cả.

Cách dùng từ của Vinacafe thể hiện không phù hợp với luật quảng cáo, theo luật quảng cáo khi dùng từ quảng cáo tuyệt đối "nhất, chỉ" với điều kiện phải có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền "mình là nhất; chỉ có mình…" thì mới được phép quảng cáo như vậy. Không hiểu Vinacafe có chứng nhận đó không?

Không hiểu, quảng cáo cà phê thật của Vinacafe với mục đích gì, nhưng Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa có dẫn chứng cà phê Việt Nam chưa đạt đến giá trị thực, cà phê chủ yếu xuất thô giá thấp, bấp bênh, nông dân chịu thiệt. Trong khi đó, cà phê của mình 100% chỉ làm từ cà phê, lại thu mua với giá cao, ổn định…

Vinacafe là công ty sản xuất ra cà phê bột, với một gói cà phê nhỏ như hiện nay Vinacafe bán ra thị trường cũng khoảng 2.000 đồng/gói, tương đương các hãng khác, không hiểu Vinacafe đang muốn nói lên điều gì?

Đổ cà phê vào nước không chìm là cà phê thật? Cơ sở khoa học nào ở thí nghiệm này?. (Ảnh TTO) 
Đánh tráo khái niệm là lừa người tiêu dùng

Theo vị giám đốc này, những cái quảng cáo sạch, thật, an toàn đôi khi đang bị lạm dụng. Nếu sạch, thật thì phải có một cơ sở nào chứng nhận mình là sạch, là thật chứ. Còn nếu chỉ nói suông thì ai kiểm chứng. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam lại bị ảnh hưởng từ quảng cáo rất nhiều, sản phẩm được quảng cáo nhiều thì đó là tốt.

Những từ ngữ như vậy, theo tôi nên có kiểm chứng, kết luận ví dụ như rau sạch,.. phải có cả một quy trình sản xuất, giới hạn kiểm nghiệm mới được dán nhãn mác rau sạch.

Tuy nhiên, đã là thị trường thì phải có sự cạnh tranh, họ có những chiêu để cạnh tranh, dưới một góc độ nào đó có thể không bằng lòng và nhìn rõ cách làm đó. Nhưng nếu cách làm đó, không phạm luật mà được thị trường đón nhận thì họ đã thành công.

Riêng về góc độ người tiêu dùng, họ cũng bị chi phối vì quảng cáo nhiều quá, người tiêu dùng nên thông thái hơn, xem xét kỹ sản phẩm trước khi dùng. Không nên để những từ ngữ thật, sạch, vì người tiêu dùng đánh lừa… Những cái đó phải có cơ sở khoa học.

Văn hóa quảng cáo nhìn từ nước ngoài

Trong nguyên tắc ứng xử văn hóa của các doanh nghiệp lớn, việc dìm hàng đối thủ nâng sản phẩm của mình thì thực tế từ trước tới nay vẫn có.

Nhưng, thường trêu nhau là chính và việc quảng cáo rất hài hước chứ không phải là tôi thật, tôi sạch, có ích còn ông là độc hại.

Giống như quảng cáo của Vinacafe, tôi chỉ nói: Không biết Vinacafe có một cái máy biết chọn cà phê hay không...

Quảng cáo chửi thẳng vào mặt nhau như sản phẩm của tôi tốt, sản phẩm của anh là không ra gì... cách đó các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước không bao giờ làm.

Ví dụ: Sự cạnh tranh của hai hãng máy tính lớn nhất, khi một hãng có bản đồ bị nhiễu quá, thì hãng kia cũng chỉ nói “Máy của anh trông gớm quá..”. Họ không nói thẳng rằng hãng đó chỉ bán máy mà không bán nội thất, cũng giống như cách quảng cáo bán cà phê mà lại bán nước đường pha hương.

Hoặc Toyota chẳng hạn, khi hàng loạt xe của hãng này gặp sự cố, phải thu hồi người ta đứng ra nhận lỗi, nhưng các hãng khác không một hãng nào lợi dụng những cái rủi ro của hãng khác để làm đòn bẩy cho mình.

Một ví dụ nữa để thấy, trong vụ tai nạn của công nương Diana, lợi dụng vụ tai nạn xe hơi này mà một đại lý của hãng xe hơi của Đức được đánh giá là an toàn nhất thế giới đã tung ra quảng cáo giới thiệu xe của mình an toàn. Lập tức đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ dư luận cũng như phản ứng từ các doanh nghiệp, sau đó đại lý này đã phải rút lại quảng cáo và có lời xin lỗi công khai.

Văn hóa ứng xử như vậy gần như được hình thành trên khắp thế giới, không một luật nào quy định, nhưng nó được ngầm hiểu là đạo đức trong kinh doanh.

Theo Nguyễn Vũ/Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn