Việc Vũ Cát Tường loại thí sinh Chiara khỏi Giọng hát Việt nhí vì "quá tài năng" đã khiến dư luận dậy sóng, và một lần nữa, những ồn ào quanh tiêu chí cũng như cách thức tìm kiếm các gương mặt tài năng của truyền hình thực tế lại được xới lên. Bởi trước đó, hàng loạt chương trình đã bất chấp scandal để thu hút sự chú ý, cũng như đưa những thí sinh thiếu thuyết phục lên vị trí quán quân, để rồi những quán quân đó bước ra khỏi cuộc thi mà không có sự đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.
Trước thực trạng này, VTC News thực hiện loạt bài "Đã đến lúc khai tử một số show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc", bao gồm những bài bình luận, những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, với mong muốn góp tiếng nói trong việc chấn chỉnh, xây dựng những show truyền hình có tác động tích cực hơn đến đời sống âm nhạc.
American Idol ra đời vào năm 2002 dựa trên phiên bản một cuộc thi của Anh tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền hình thực tế. Và khi phiên bản của cuộc thi ban đầu được phát sóng trên HTV7 sau đó là VT3 cũng đã tạo nên một diện mạo mới cho các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt Nam.
Thành công của chương trình nhanh chóng mở đường cho vô số các gameshow khác được mua bản quyền từ nước ngoài, làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình Việt, từ quốc gia tới địa phương.
Tính tới thời điểm này, khó có thể đếm hết những show truyền hình thực tế đang có mặt Việt Nam. Nó phủ sóng trên mọi lĩnh vực, từ ca hát, du lịch, ẩm thực, hẹn hò, tấu hài,...Có đủ các show dành cho mọi đối tượng từ vũ công, người mẫu, nhà thiết kế, diễn viên, diễn viên hài, đầu bếp, doanh nhân...và dành cho mọi lứa tuổi, từ thiếu nhi tới người lớn.
Trong số các show truyền hình thực tế đang có mặt tại Việt Nam hiện nay, ca hát chiếm đa số. Bởi lẽ, đó là lĩnh vực dễ thu hút sự chú ý của công chúng, dễ tuyển thí sinh và cũng dễ chọn giám khảo.
Nhiều người phải thừa nhận rằng, các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của showbiz Việt. Nó đã giới thiệu với công chúng hàng loạt các ca sĩ tài năng như Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, (Vietnam Idol), Hương Tràm, Trúc Nhân, Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn (The Voice)...
Không những thế, nó còn làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận khán giả của những người nuôi mộng làm ca sĩ. Nếu như trước đây, họ phải ra sản phẩm âm nhạc, đi hát và từng bước giới thiệu mình với công chúng thì hiện nay, họ chỉ cần tham gia vào các show truyền hình thực tế đình đám.
Tuy nhiên, trải qua giai đoạn đầu tiên có nhiều đóng góp tích cực các gameshow ở Việt Nam hiện nay, theo đánh giá của nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi "không còn vì nghệ thuật nữa mà vì kinh doanh. Khi đó, tất cả các lựa chọn cũng sẽ bị tác động. Một sân chơi như thế, không bao giờ lành mạnh và công bằng".
Thanh Bùi từng chia sẻ trên truyền thông: "Các chương trình truyền hình khi vừa mới xuất hiện là một sân chơi rất tốt để các em có thể thể hiện đam mê và năng khiếu âm nhạc. Nhưng hiện tại, tôi không còn niềm tin những chương trình đó mang đến những điều tích cực cho xã hội".
Gameshow không còn vì nghệ thuật nữa mà vì kinh doanh
Nhạc sĩ Thanh Bùi
Ca sĩ Thanh Lam từng thẳng thắn bày tỏ, cô chỉ thấy buồn cười khi xem các show truyền hình thực tế ở Việt Nam. Diva nhạc Việt cho hay, thông thường các cuộc thi âm nhạc thường có những tiêu chí nhất định, nhưng cô không tìm thấy được điều ấy trong các chương trình đang tồn tại ở Việt Nam.
Thanh Lam còn nghi ngờ, khi mà các HLV là ca sĩ nổi tiếng nhưng kỹ thuật thanh nhạc không có, giọng hát không có gì nổi trội thì sẽ huấn luyện các thí sinh như thế nào.
Chính vì thế, Thanh Lam từng nhiều lần từ chối việc ngồi ghế nóng các gameshow truyền hình thực tế. Tuy nhiên, trước mong muốn, có thể thay đổi những những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực này, Thanh Lam đã "liều lĩnh" nhận lời làm giám khảo X Factor.
Và ngay trong những số đầu tiên, công chúng đã nhận thấy một cách rõ nét sự "lệch pha" giữa giọng ca Chia tay hoàng hôn và chương trình. Người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự bất lực của cô trong guồng quay của truyền hình thực tế. Và có lẽ, ngồi ghế nóng của các gameshow là trải nghiệm mà cô sẽ không bao giờ muốn lặp lại.
Vì đặt nặng vấn đề lợi nhuận nên gameshow Việt mới tạo ra hàng loạt các quán quân "kỳ lạ". Vietnam Idol 2012 tạo nên một cơn sốt mang tên Yasuy. Chàng trai người Tây Nguyên không biết một nốt nhạc, khi đứng trên sân khấu run rẩy, hát quên lời. Tuy nhiên, anh vẫn vượt qua Hoàng Quyên - thí sinh nữ được đánh giá là có chất giọng alto đẹp, cực hiếm trong showbiz Việt, phong cách trình diễn tự tin, luôn làm chủ sân khấu, kỹ thuật ổn định.
Điều khôi hài là Yasuy chiến thắng trong cuộc thi dành cho âm nhạc, không phải bằng giọng hát mà bằng sự hồn nhiên, dễ thương, chân chất, thật thà của một chàng trai dân tộc. Thậm chí Yasuy không mơ ước gì ngoài một đàn lợn. Ca sĩ Mỹ Linh đã phải thẳng thắn thừa nhận rằng, "Yasuy không có tài'.
Bản thân giám đốc âm nhạc của cuộc thi - nhạc sĩ Huy Tuấn, giám khảo đồng thời là đạo diễn của Vietnam Idol Nguyễn Quang Dũng cũng phải thừa nhận, Hoàng Quyên xứng đáng chiến thắng hơn Yasuy.
Không ai "ném đá" sự dễ thương đó của Yasuy nhưng thiết nghĩ, trong một cuộc thi âm nhạc, yếu tố giọng hát, phong cách trình diễn và gu thẩm mỹ mới phải là yếu tố quyết định. Những điều này, hơn ai hết nhà tổ chức biết nhưng họ vẫn nhắm mắt làm ngơ, vì đơn giản, Yasuy đang được lòng công chúng.
Yasuy đang là cái tên khiến chương trình của họ thêm hot, lợi nhuận quảng cáo cao, tiền bình chọn của khán giả đổ về nhiều. Và với những nhà sản xuất, thế là đủ.
Vậy nên, mới có chuyện sau cuộc thi, Yasuy dù được săn đón sau khi rời Vietnam Idol nhưng sau đó nhanh chóng mất hút trên thị trường âm nhạc. Anh chỉ được nhắc tới bằng scandal "có con rơi". Có lẽ, nếu Yasuy mãi là chàng trai người dân tộc, không được hào quang nhất thời của Vietnam Idol chiếu vào, có lẽ, anh sẽ sống cuộc đời đẹp hơn.
"Sự cố Yasuy" tưởng đã góp phần thức tỉnh nhà tổ chức các gameshow truyền hình thực tế nhưng mới đây, Đức Phúc lại đăng quang cuộc thi The Voice. Không ai phủ nhận sự hiền lành, dễ thương của chàng trai người Hà Nội. Anh cũng được đánh giá là giọng hát có cảm xúc, tuy nhiên mỗi lần đứng trên sân khấu là thí sinh này lại khiến những người yêu quý anh "đau tim".
Đức Phúc có thể hát sai lời, chệnh nhịp, chênh phô - những lỗi sơ đẳng nhất của một ca sĩ - bất cứ lúc nào. Hơn nữa, Đức Phúc hoàn toàn không có gu âm nhạc nổi trội. Những phần trình diễn của anh phụ thuộc qua nhiều vào HLV Mỹ Tâm từ việc chọn bài hát nào, cách nhả chữ, phiêu ra sao, tới cả các động tác vũ đạo.
Cũng giống như Yasuy, khi Đức Phúc đăng quang, ngay trong giới chuyên môn và sau đó là khán giả đã nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Ai đó, có thể ủng hộ chàng trai nhút nhát này thành quán quân, nhưng chắc chắn, họ không bao giờ dám lên tiếng khen ngợi chuyên môn, gu âm nhạc của anh.
Video Đức Phúc, Yasuy chiến thắng nhờ Mỹ Tâm
Trước đó, Thảo My - thí sinh trong đội Mr Đàm đăng quang ngôi vị quán quân của The Voice năm 2013. Mặc dù rất hào hứng với chiến thắng của học trò nhưng chủ nhân đêm nhạc Diamond Show phải thừa nhận rằng, cô không phải là giọng ca được anh đánh giá cao nhất trong số các thí sinh trong đội. Anh quyết định giữ lại Thảo My làm "chiến binh cuối cùng" vì đo được độ nóng của cô với khán giả.
Không chỉ Yasuy, Đức Phúc hay Vũ Thảo My, các gameshow truyền hình thực tế ở Việt Nam còn tạo ra hàng loạt
Giá trị của nghệ thuật được định nghĩa lại thật chính xác, bởi nếu chỉ xem nghệ thuật là yếu tố giải trí và kinh doanh thì rất sai lầm
Nhạc sĩ Thanh Bùi
các quán quân mà rời cuộc thi, họ chẳng để lại dấu ấn gì trong lòng khán giả.
Đó là Phạm Quốc Huy - quán quân Học viện Ngôi sao, Trần Hữu Kiên - quán quân Vietnam's Got Talent 2013, Hải Châu – Quán quân Tôi là người chiến thắng 2013, Thanh Tùng - quán quân Ngôi sao Việt 2014.
Chính vì thế, sau khi ngồi ghế nóng của The Voice Kids, nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi đã quyết định không làm giám khảo của bất cứ gameshow nào khác. Qua truyền thông, anh bày tỏ mong muốn: "Giá trị của nghệ thuật được định nghĩa lại thật chính xác, bởi nếu chỉ xem nghệ thuật là yếu tố giải trí và kinh doanh thì rất sai lầm".
Thanh Bùi cũng cho hay, mặc dù trưởng thành từ một gameshow của Úc nhưng anh đã trải qua 15 năm cố gắng lao động miệt mài chứ hoàn toàn không có chuyện từ "zero trở thành hero" như lời quảng cáo của các nhà sản xuất.
Video Vũ Cát Tường loại thí sinh vì "quá tài năng"
Kỳ 2: Gameshow sống nhờ scandal
Bình luận