- Chào Vũ Cát Tường, bạn nghĩ gì khi có người cho rằng chương trình The Voice Kids ngày càng nhạt?
Từ lúc đầu tham gia chương trình, tôi không quan tâm lắm những chuyện xung quanh, chỉ quan trọng nhất là những đứa trẻ. Điều tôi muốn là dạy dỗ các bé nhận ra được cốt lõi của âm nhạc, giọng hát và tìm thấy chính mình.
May mắn thay, những em bé của tôi rất thông minh, hiểu chuyện. Nhạt hay không không phải vấn đề mà chuyện quan trọng là mình đào tạo được những lớp nghệ sĩ sau đó như thế nào.
- Việc Vũ Cát Tường loại Chiara vì quá tài năng cũng làm nhiều người suy nghĩ đây là cách để câu view cho chương trình, bạn có chia sẻ gì không?
Tất cả những người trong ban tổ chức, ekip thực hiện và đặc biệt là những nghệ sĩ cùng ngồi ghế nóng với tôi, ai cũng có cái tôi của riêng mình, không dễ gì đánh đổi chỉ để câu view. Mọi quyết định của huấn luyện viên đều là độc lập.
- Cũng có ý kiến cho rằng bạn góp phần làm cho chương trình nhạt hơn, bạn có suy nghĩ gì?
Trong tổng thể, nếu 2 đội còn lại quá dễ thương vì sự hoạt ngôn của họ thì tôi lại là một phần tĩnh, tôi đóng góp vai trò giáo
dục những đứa trẻ khi tham gia chương trình này. Ý kiến này chỉ là 1 chiều suy nghĩ, có nhiều người suy nghĩ khác bạn nên đừng vì một chiều hướng như vậy mà áp đặt cho một tổng thể.
Tôi nghĩ chuyện gì cũng cần phải đến từ bản chất và không cần phải cố gắng tạo ra một cá tính khác biệt với mình khi ngồi ghế nóng chương trình truyền hình thực tế. Sẽ có một lúc nào đó điều bạn cần làm không phải là để chứng minh, chứng tỏ mình mà là để cống hiến.
- Tiêu chí bạn đặt ra cho quán quân của chương trình này là gì?
Khi nhận lời tham gia chương trình này, điều đầu tiên tôi đặt lên hàng đầu là những đứa trẻ. Tôi không lấy một chuẩn mực nào để đặt ra yêu cầu về một quán quân, tôi chỉ quan trọng về sự biến hoá của các thí sinh. Các bạn cũng thấy, 2 đội còn lại có sự biến hoá của riêng họ và khi đặt lên trên tổng thể thì các bé phải đưa ra một “sự biến hoá” thuyết phục.
Riêng với đội của mình, với những đứa trẻ phải dừng cuộc chơi, tôi chưa bao giờ dễ dãi nói câu “Con đã tốt nghiệp” nếu như bé chưa đạt, đây cũng không phải là một lời động viên qua loa. Với những bé đã tốt nghiệp và tôi cho “xuống núi” thì đó là những trường hợp đặc biệt thực sự.
Với tôi sự biến hoá thuyết phục chính là việc các bé học hỏi và cố gắng thực sự, ví dụ như việc bé muốn hát rock thì phải ra được chất rock chứ không phải chỉ cần chọn một ca khúc, mặc đồ đen rồi gào thét thì đó là rocker. Những đứa trẻ đã được tôi dạy bảo, chắc chắn sau này khi đã đủ nhận thức, các bé sẽ biết được mình đã nhận được món quà gì.
- Là một người bước ra từ cuộc thi Giọng hát Việt 2013, chương trình thực tế này đã mang lại điều gì cho bạn và bạn cảm thấy như thế nào khi ngày càng có nhiều những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc?
Vào thời điểm tôi tham gia Giọng hát Việt thì chưa có nhiều cuộc thi như hiện nay. Về phần tôi, khi tham gia một chương trình thực tế như vậy đã cho mình một bài kiểm tra xem sức của mình tới đâu, đã làm được những gì và điều gì còn yếu kém. Đó là một bài kiểm tra lớn trong sự nghiệp của tôi.
Truyền hình thực tế bão hoà, tài năng không thể sinh ra mỗi năm, cần phải có thời gian và sự dung dưỡng
Vũ Cát Tường
Còn nói một cách khách quan dành cho các chương trình thực tế hiện nay, tài năng không thể sinh ra mỗi năm được, cái gì cũng phải có thời gian và sự dung dưỡng.
Tôi tin rằng chuyện gì rồi cũng sẽ phải đến một đỉnh điểm phải dừng lại, mà để đến được “mức báo động” này thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khán giả chán ngán, ekip sản xuất chương trình phải có sự tác động để làm đổi mới chương trình và nhiều nguyên nhân khác nữa thì mới có thể đưa đến đỉnh điểm để dừng lại.
- Thực tế hiện nay, có nhiều chương trình “ăn khách” ở phiên bản người lớn, người ta lại lập tức làm một “phiên bản nhí”, cá nhân bạn cũng đang tham gia vào một chương trình như thế, bạn có chia sẻ điều gì không?
Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất nhạy cảm, với những người làm chương trình, khán giả thậm chí là người trong cuộc như tôi, chúng ta đã biết trước cuộc chơi là như thế nào. Bao giờ cũng vậy, có cung thì có cầu, bạn cần chương trình đó thì nó mới ra đời và có những người muốn dạy trẻ con thì mới có những phiên bản nhí như thế.
Điều gì cũng phải đến từ 2 phía, nếu như khán giả không cầu nữa thì sẽ không có những đơn vị cung cấp chương trình như thế. Đã chấp nhận cuộc chơi thì phải chịu, ngày nào còn có những khán giả có nhu cầu thì vẫn sẽ còn những “cuộc chơi” ở truyền hình thực tế như thế.
Cám ơn Vũ Cát Tường về những chia sẻ trên!
Video Vũ Cát Tường loại thí sinh vì "quá tài năng"
Bình luận