Braysen, 4 tuổi theo mẹ lên chuyến bay khởi hành từ San Diego đến Houston. Do Braysen mắc chứng tự kỷ nên mẹ cậu, cô Lori Gabriel lo sợ các hành vi kỳ quái của con trai sẽ làm phiền các hành khách khác.
"Tôi từng nhận được rất nhiều ánh mắt và bình luận dè bỉu", Gabriel tâm sự.
Lo lắng của Gabriel trở thành hiện thực một phần khi chỉ vài phút trước khi máy bay cất cánh, Braysen nói muốn chạy nhảy giữa lối đi.
"Tôi từng nghĩ rằng họ sẽ không cho chúng tôi bay. Tôi đã chờ đợi điều tồi tệ nhất. Tôi cũng hiểu nếu họ yêu cầu chúng tôi xuống máy bay", cô nói.
Nhưng Gabriel đã đoán nhầm, không ai yêu cầu cô và con trai rời đi. Tiếp viên đồng ý để cô đặt con trên đùi. Tuy nhiên, Braysen vẫn không chịu nhượng bộ mà tiếp tục la hét, đấm đá xung quanh.
Ngay khi cơ trưởng tắt biển báo thắt dây an toàn, Gabriel buông tay con trai. Cô kiệt sức vì phải giữ con trong tình cảnh tay chân bầm tím vì những vết trầy xước mà Braysen gây ra.
"Nó thích đá sàn bằng gót chân. Tại một thời điểm nó vô tình đá vào người phụ nữ ở hàng bên cạnh chúng tôi. Nhưng cô ấy lại rất ôn hòa nói rằng "không sao đâu, đừng lo lắng về điều đó"", bà mẹ trẻ chia sẻ.
Các tiếp viên sau đó đề nghị Gabriel đặt con trai xuống sàn máy bay đúng như cậu mong đợi sau khi hỏi ý kiến các hành khách khác và nhận được cái gật đầu của tất cả.
Khi tới giờ phục vụ đồ uống, thay vì xe đẩy, họ sử dụng khay để Braysen có thể nằm vui chơi trên sàn máy bay cùng chiếc chăn của mình.
Gabriel cho biết cô thực sự xúc động vì những gì mà tiếp viên và các hành khách đã làm và chấp nhận trong chuyến bay hôm đó.
"Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi lại được nhiều người hiểu và thông cảm tới vậy", cô nói.
Ngay khi máy bay hạ cánh, một tiếp viên nhét vào tay Gabriel một mảnh giấy. Cô không khỏi xúc động khi chia sẻ về nội dung trong đó.
"Cô xứng đáng được khen ngợi vì sức mạnh của mình. Đừng bao giờ để bất cứ ai làm cô cảm thấy như thể cô là một sự bất tiện hoặc gánh nặng. Đứa nhỏ là một phước lành. Hãy tiếp tục rắn rỏi như hiện tại, cô và gia đình sẽ được yêu thương và hỗ trợ", bức thư viết.
Gabriel chia sẻ câu chuyện lên facebook trước khi nó được truyền tay nhau chóng mặt bởi cộng đồng mạng.
"Tôi cũng có một đứa con trai tăng động. Hầu hết mọi người thường không hiểu về những gì mà các bậc cha mẹ chúng tôi phải trải qua vì cảm giác gây bất tiện cho người xung quanh", một bà mẹ viết.
Clip: Bảo vệ khách sạn đuổi người dân trú nhờ tránh giông lốc khủng khiếp gây phẫn nộ
Hầu hết các ý kiến khác đều ca ngợi hành động đẹp của tiếp viên và các hành khách. Đó là câu chuyện ở nước Mỹ xa xôi khiến chúng ta thêm cảm phục những con người tương thân tương ái, sẵn sàng chấp nhận một chút bất tiện để đổi lấy niềm vui nhỏ nhoi của một đứa trẻ từng bị không ít người kỳ thị.
Nó hoàn toàn đối lập với những gì diễn ra trước cửa khách sạn Grand Plaza, Hà Nội trong một chiều giông bão cách đây vài ngày. Người bảo vệ to tiếng với những người trú mưa, yêu cầu họ rời đi dù mưa gió, giông lốc đang vần vũ bên ngoài. Anh ta lo sợ vài chiếc xe máy đỗ tạm sẽ cản đường khách VIP mà chẳng mảy may quan tâm sẽ nguy hiểm ra sao nếu những người này rời đi lúc đó.
2 hoàn cảnh, 2 cách xử sự nhưng đều là câu chuyện về cách ứng xử giữa người với người khi đối phương rơi vào tình cảnh khốn khó.
Trên độ cao hàng nghìn m, nơi các nguyên tắc yêu cầu phải được đảm bảo tối đa, người ta vui vẻ để một cậu bé được quậy phá trong hàng giờ liền mà chẳng thấy phiền hà. Cách đó xa tít tắp, có người chỉ vì bộ mặt của một khách sạn lại chẳng thể bao dung chừa chỗ trú chân cho những người chỉ muốn lánh tạm vài phút để chống chọi trước cơn giông ập tới bất ngờ.
Bình luận