(VTC News) – Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nhật - Hàn xoay quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo đang đe dọa tới kế hoạch củng cố “trục đồng minh” của Mỹ ở Châu Á, tờ China Post dẫn nguồn tin từ Washington hôm 15/8.
Nhận định trên được đưa ra sau sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak lần đầu tiên trong lịch sử có chuyến thăm tới quần đảo Dokdo - tâm điểm tranh chấp với Nhật Bản, khuấy động sóng gió trong quan hệ hai nước.
Quần đảo Dokdo được Nhật Bản gọi là Takeshima. Tuy chỉ bao gồm nhiều đảo nhỏ không người nhưng quần đảo này lại có ý nghĩa chiến lược về giao thông hàng hải và hàng không, đồng thời còn được đánh giá là một ngư trường lớn giàu tiềm năng về khoáng sản và khí đốt.
Với vị trí địa lý quan trọng và thuận lợi cho phát triển kinh tế, quần đảo Dokdo/Takeshima từ lâu đã trở thành đối tượng tranh giành của hai nước Nhật Hàn.
Quần đảo Dokdo/ Takeshima là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Nhật - Hàn căng thẳng trong suốt thời gian qua |
Việc nguyên thủ hàng đầu Seoul tới thăm các đảo hôm 10/8 được xem là một hành động "nắn gân" gây khiêu khích làm Nhật Bản vô cùng giận dữ, đồng thời cũng là một cú hích mạnh khiến 2 nước ngày càng xa cách.
Quan hệ Nhật – Hàn, hai đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Á luôn trong tình trạng căng thẳng vì sự căm phẫn dai dẳng của người dân Hàn Quốc đối với chính sách cai trị thuộc địa hà khắc của Nhật Bản trong khoảng những năm 1910 – 1945.
Thậm chí mâu thuẫn này càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết vào tháng 8 – thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng kỷ niệm giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Trong khi đó, theo nhận định của Mỹ, quan hệ Nhật – Hàn đã từng có những chuyển biến tích cực và quan trọng cách đây chưa đầy 2 tháng khi các quan chức Washington bày tỏ hy vọng viễn cảnh hai nước sẽ bước sang một trang mới, cùng Mỹ tạo nên sự gắn kết bền chặt ở Châu Á.
Với vai trò trung gian, Mỹ đã kêu gọi 2 nước đồng minh của mình cùng hợp tác đẩy mạnh quan hệ mà trọng tâm là việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima trên biển Đông Hải hay còn gọi là biển Nhật Bản.
Tổng Mỹ Barack Obama (bên trái) và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak trong một cuộc họp song phương |
“Chúng tôi không liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở khu vực này nhưng chúng tôi mong muốn cả hai bên – hai đồng minh mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể cùng nhau thảo luận để đi tới sự đồng thuận cuối cùng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói hôm 14/8.
Tổng thống Barack Obama gần đây cũng nhấn mạnh vai trò của Châu Á – lục địa có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới – nơi Trung Quốc đang tỏ rõ tham vọng bá chủ trên khu vực Biển Đông và ngày càng có xu hướng đối đầu với Mỹ.
Ngoài ra, ở Châu Á, Mỹ còn có 2 đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc – hiện là nơi đóng quân của hơn 75.000 chiến binh của Lầu Năm Góc trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu lục bên kia bán cầu.
Trong số các nhà lãnh đạo Châu Á, giới chức Mỹ cho rằng ông Lee Myung-Bak là người có mối quan hệ thân thiết nhất với Tổng thống Obama.
Khi mới lên nắm quyền vào năm 2008, ông Lee được Washington đánh giá cao vì nỗ lực tìm kiếm giải pháp trong bức tranh ngoại giao toàn cảnh nhằm củng cố quan hệ với Mỹ và hàn gắn mâu thuẫn với Nhật Bản, theo China Post.
Vào tháng 6/2012, chính quyền Seoul còn đang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận trao đổi thông tin nhạy cảm với Tokyo – văn kiện mang tính quân sự đầu tiên giữa hai nước Nhật – Hàn kể từ năm 1945 trong nỗ lực bình thường hóa và phát triển quan hệ song phương.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (bên trái) đã bày tỏ thất vọng lớn về chuyến thăm của ông Lee tới khu vực đảo tranh chấp giữa hai nước |
Bruce Klingner, một chuyên gia thuộc trung tâm phân tích chính trị hàng đầu của Mỹ có tên là Heritage Foundation nhận định, thỏa thuận trên nếu được thực hiện sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ nhiều thông tin quân sự quan trọng của Trung Quốc và Triều Tiên – là cơ sở giúp phát triển lá chắn tên lửa tầm xa của Mỹ ở Châu Á.
Tuy nhiên, đến phút chót, việc ký kết bản thỏa thuận Nhật – Hàn đã bị trì hoãn do bất đồng giữa đảng cầm quyền Seoul và các đảng đối lập xoay quanh vấn đề chính sách đối ngoại trước thời điểm chuyển giao quyền lực được mong đợi nhất vào tháng 12 năm nay.
“Căng thẳng leo thang không chỉ gây trở ngại cho an ninh quốc gia hai nước (Nhật Bản & Hàn Quốc) mà nó còn khiến các kế hoạch quân sự của Mỹ ở Châu Á bị đình trệ”, ông Klingner nói trong khi nhấn mạnh việc Mỹ cần thận trọng và không nên tỏ ý đứng về bên nào nhằm tìm kiếm giải pháp khác cho mối quan hệ trục 3 chiều Hàn - Mỹ - Nhật.
Cũng theo ông Klinger, để giải quyết vấn đề này, Mỹ có thể tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự chung 3 nước, tổ chức nhiều cuộc họp thường niên giữa các vị ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc song song với các cuộc thảo luận 1-1 như trước đây.
Trong khi đó, Scott Snyder – giám đốc chương trình nghiên cứu chính sách Mỹ - Hàn thuộc Ủy ban Đối ngoại ở Washington nhận định chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-Bak tới đảo tranh chấp với Nhật Bản cho thấy nhiều khả năng ông Lee sắp phải “lui về hậu trường” sau đợt bầu cử tổng thống vào cuối năm.
“Quyền lực bị thu hẹp đồng nghĩa với việc trách nhiệm giảm bớt, hoặc ít nhất người ta (ám chỉ ông Lee) sẽ thiên về các vấn đề chính trị nội địa hơn là hoạt động hướng ngoại vì lợi ích lâu dài”, China Post dẫn lời ông Snyder.
Tổng thống Lee Myung-Bak trên đảo Dokdo/Takeshima hôm 10/8 |
Scott Snyder cũng cho rằng căng thẳng Nhật – Hàn sẽ lại sớm được “xoa dịu” sau khi chính quyền Seoul có tân tổng thống – người tiếp tục tìm kiếm một khởi đầu thuận lợi bằng việc hóa giải mâu thuẫn giữa 2 nước.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng không khỏi nghi ngại về việc “tay chân” của ông Lee cùng các mối quan hệ từ thời đương nhiệm có thể còn ảnh hưởng ít nhiều tới chính sách ngoại giao của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trong tương lai.
Không kể vào năm 2008, Thủ tướng Hàn Quốc Han Seung-soo từng tới thăm các đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Đông Hải thì ông Lee Myung-Bak được xem là vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đặt chân tới khu vực nhạy cảm này.
Hành động được cho là "gây hấn" của ông Lee ngay sau đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía chính quyền Tokyo, làm xói mòn quan hệ song phương Nhật - Hàn, đồng thời đưa ông Lee đứng trước nguy cơ bị "thất sủng" trong cuộc bầu cử sắp tới.
Hạ Giang
Bình luận