Ngày 31/1/1950, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước. Đáng chú ý, Triều Tiên là nước thứ 3 mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao sau Liên Xô và Trung Quốc.
Kể từ đó, 2 nước thường xuyên duy trì quan hệ tốt đẹp thông qua các chuyến thăm hữu nghị giữa lãnh đạo 2 bên như chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6/1961); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (9/9/1988) hay các chuyến công du tới Việt Nam cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (27/11-3/12/1958), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam (7/2001).
Đặc biệt, trong những năm tháng Việt Nam căng mình chống đế quốc Mỹ, Triều Tiên đã hết lòng hỗ trợ cho Việt Nam. Bình Nhưỡng gửi hơn 100 quân nhân sang Việt Nam để học tập kinh nghiệm chiến đấu. Nhiều trong số họ còn trực tiếp tham chiến. 14 phi công Triều Tiên đã hy sinh trong các cuộc chiến đó luôn được người dân Việt Nam kính trọng và lập khu tưởng niệm cho đến ngày nay.
Năm 2010, Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Ma Chol Su từng nói trong khai mạc triển lãm "Một số hình ảnh về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên" rằng: "Tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác anh em giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước chúng ta đã được gắn kết trong cuộc đấu tranh chung, chống chủ nghĩa đế quốc, vì tự chủ và chủ nghĩa xã hội, và không ngừng được củng cố phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cùng với những trang sử vẻ vang của lịch sử đấu tranh của nhân dân hai nước chúng ta”.
Triều Tiên và Việt Nam sau nhiều cuộc chiến chọn đi theo những đường hướng khác nhau, tuy nhiên mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước vẫn luôn khăng khít, bền chặt.
Vào những năm 1990, khi Triều Tiên phải gồng mình chống chịu nạn đói, Việt Nam đã viện trợ cho nước bạn 100 tấn gạo năm 1995 và 13.000 tấn gạo năm 1997. Trong giai đoạn 2000-2012, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu và 50.000 USD.
Song song với quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên luôn được 2 nước thúc đẩy và phát triển mặc dù vẫn còn khá khiêm tốn.
Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên trong năm 2009 đạt gần 16,5 triệu USD. Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu trên 16 triệu USD và năm 2011 là 18 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Triều Tiên chủ yếu là hàng tiêu dùng.
Trong chuyến thăm Triều Tiên của Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu vào năm 2008, hai bên đã ký kết 5 văn bản ghi nhớ, thỏa thuận về hợp tác khai khoáng và trao đổi kỹ thuật liên quan. Các đoàn chuyên gia ngành dầu khí, nông nghiệp hai bên cũng đã qua lại thăm và học tập kinh nghiệm của nhau.
Năm 2010, Triều Tiên cử Đoàn cán bộ thăm và làm việc tại Việt Nam với mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu gen, tế bào gốc, nuôi cấy mô, năng lượng, xây dựng nhà máy thủy điện và đường dây tải điện, sản xuất vật liệu cách điện, xi măng, khai khoáng, tuyển quặng vàng, công nghệ sản xuất dây lưỡng kim, sợi tơ tằm, phim hoạt hình 3D.
Về lĩnh vực văn hóa- giáo dục, 2 nước luôn chú trọng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 bên. Từ những năm 1960 - đầu 1970, Triều Tiên đã giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên. Hàng năm, Bộ Văn hóa của Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Thủ đô Bình Nhưỡng.
Giai đoạn từ năm 2011-2014, 2 bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thể dục thể thao (9/2011) và Kế hoạch hợp tác về Văn hóa giai đoạn 2012-2014, đồng thời phối hợp tổ chức triển lãm ảnh về “Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất” tại Triều Tiên".
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2018 của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống với Triều Tiên, sẵn sàng cùng phía Triều Tiên thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và lợi ích của mỗi nước, luật pháp và trách nhiệm quốc tế, có lợi cho việc duy trì hòa bình, phát triển của khu vực.
Phó thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phù hợp với nhu cầu của Triều Tiên.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Chính phủ Triều Tiên coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, nhất trí phối hợp xem xét các biện pháp thích hợp để củng cố và phát triển quan hệ Triều Tiên - Việt Nam phù hợp với tình hình mới.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, Hội nghị phong trào không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF..., tăng cường trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm như vấn đề duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và bán đảo Triều Tiên.
Mối quan hệ gần gũi, lâu bền tồn tại trong nhiều thập kỷ qua được xem là một trong những lý do để Hà Nội trở thành địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Giới chuyên gia kỳ vọng thủ đô của Việt Nam sẽ là nơi chứng kiến bước tiến lớn trong quan hệ Mỹ-Triều với tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên hoặc một thỏa thuận đột phá về phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Bình luận