• Zalo

Quan hệ châu Âu - Trung Quốc ở 'ngã ba đường'

Tư liệuThứ Sáu, 15/04/2022 08:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đứng trước khủng hoảng Ukraine, những dấu hỏi quan trọng lại được đặt ra cho mối quan hệ châu Âu - Trung Quốc.

Chiến sự tại Ukraine dường như đang định hình lại các mối quan hệ quốc tế. Trong đó, quan hệ EU - Trung Quốc ở giữa “ngã ba đường” sau những căng thẳng trong thời gian dài.

Thỏa thuận đầu tư “đóng băng”

Đầu năm 2021, Trung Quốc và châu Âu bước vào “cuộc chiến trừng phạt” chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Bắc Kinh trừng phạt 10 nghị sĩ châu Âu, đáp trả việc EU trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Quá trình thông qua thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc trước đó đang đi vào những giai đoạn cuối cùng bỗng trở nên khó khăn hơn khi EU quyết định “đóng băng” tất cả mọi thứ cho đến khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Sự cố ngoại giao đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc vào tình trạng căng thẳng mới. Bên cạnh đó, giữa hai bên còn tồn tại nhiều khác biệt chưa giải quyết trong vấn đề Đài Loan, COVID-19, công nghệ,...

Quan hệ châu Âu - Trung Quốc ở 'ngã ba đường' - 1

Quan hệ châu Âu – Trung Quốc ở "ngã ba đường". (Ảnh minh họa)

Tháng 9/2021, nghị viện châu Âu công bố tầm nhìn về một chiến lược EU mới với Trung Quốc. Trong đó, EU khẳng định nên tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh về các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế, trong khi nêu quan ngại về các vấn đề nhân quyền.

Tuy nhiên, mối quan hệ EU - Trung Quốc từ đó đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn, nhất là khi cả hai phải đối đầu với những khó khăn mới, liên quan đến xung đột ở Ukraine.

“Cuộc đối thoại của người lãng tai”

Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc diễn ra hôm 1/4 khi mối quan hệ giữa hai bên được mô tả là “đang ở trong một giai đoạn phức tạp”. Và cuộc chiến tại Ukraine dường như đã “phủ bóng” hoàn toàn cuộc gặp được mong đợi này.

Đại diện cấp cao EU về đối ngoại, ông Josep Borrell nói cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc giống như “cuộc đối thoại của người lãng tai”, khi các lãnh đạo Bắc Kinh “không muốn nói về Ukraine”.

Nói với nghị viện châu Âu, ông Borrell cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ muốn “tập trung vào những gì tích cực”, mà không bàn đến những khác biệt giữa hai bên về Ukraine hay nhân quyền.

Quan hệ châu Âu - Trung Quốc ở 'ngã ba đường' - 2

Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc diễn ra hôm 1/4.

Một cách chính thức, Trung Quốc thể hiện quan điểm trung lập trong vấn đề Ukraine. Song với châu Âu, họ cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Moskva và chỉ trích Trung Quốc vì không lên án chiến dịch quân sự của Nga. Đầu tháng 2, Trung Quốc và Nga đã ký một tuyên bố chung trong đó có phần chỉ trích sự mở rộng của NATO, điều đã khiến Brussel khó chịu.

EU cũng lo ngại Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Moskva liên quan đến xung đột tại Ukraine. Hiện trong khi một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu thô của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ trở thành hai khách hàng lớn.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, đối với Trung Quốc, những lo ngại an ninh của Nga về việc NATO mở rộng dường như được liên hệ với những lo ngại của Bắc Kinh về Mỹ.

Một số ý kiến so sánh sự mở rộng của NATO ở Đông Âu với hoạt động địa chính trị gần đây của Mỹ và các nước phương Tây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các “liên minh” mới nổi như QUAD và AUKUS.

Tại hội nghị đầu tháng 4, Trung Quốc cho rằng sự mở rộng của NATO là một trong những nhân tố chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.

Quan hệ châu Âu - Trung Quốc ở 'ngã ba đường' - 3

Đại diện cấp cao EU về đối ngoại, ông Josep Borrell.

Bên cạnh đó, đối với Trung Quốc, chiến sự tại Ukraine có thể đã cho thấy châu Âu và EU không độc lập với Mỹ và hướng đến mối quan hệ tự chủ với Trung Quốc. Theo một nhà ngoại giao Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói với những người đồng cấp châu Âu là Trung Quốc "phản đối việc phân chia các khối và chọn phe". Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết ông Lý nhấn mạnh Trung Quốc đang thúc đẩy hòa bình theo "cách riêng của mình".

Dù vậy, cả hai bên đều đồng ý rằng xung đột tại Ukraine đang đe dọa đến an ninh toàn cầu và kinh tế thế giới.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Trong tương lai, diễn biến mối quan hệ EU - Trung Quốc có thể phụ thuộc vào các phản ứng đối với tình hình tại Ukraine, cũng như các động thái trong quan hệ kinh tế.

Theo các chuyên gia, trong những kịch bản lạc quan nhất, khác biệt giữa hai bên được giải quyết, hoặc giải quyết một phần.

Kịch bản này có thể bao gồm việc Trung Quốc và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cam kết thực hiện một số thay đổi để cải thiện môi trường kinh doanh, dẫn đến việc đánh giá lại và khôi phục quá trình thông qua thỏa thuận đầu tư.

Trung Quốc dự kiến sẽ phê chuẩn hai công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về lao động ép buộc vào tuần tới, trong cuộc họp của cơ quan lập pháp hàng đầu nước này - một động thái được coi là bước quan trọng để cải thiện mối quan hệ với châu Âu. Việc phê duyệt cũng diễn ra trước chuyến thăm Trung Quốc của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet.

Quan hệ châu Âu - Trung Quốc ở 'ngã ba đường' - 4

Trung Quốc dự kiến sẽ phê chuẩn hai công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về lao động ép buộc vào tuần tới. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên kịch bản lạc quan được đánh giá là rất khó xảy ra khi hai bên đều duy trì quan điểm cứng rắn liên quan đến các vấn đề cốt lõi, và sẽ không đưa ra nhượng bộ mà không “có đi có lại”.

Xung đột Ukraine cũng tương tự. Trung Quốc đã có lập trường của riêng mình đối với Nga, Ukraine, châu Âu và Mỹ, và sẽ rất khó để châu Âu thuyết phục nước này phải thay đổi.  

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang cũng làm rõ rằng “không có vùng cấm cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, nhưng điểm mấu chốt vẫn là các nguyên tắc và luật được thiết lập trong Hiến chương Liên hợp quốc”.

Kịch bản “trung lập” được cho là có khả năng xảy ra hơn.

Trong kịch bản “trung lập” thứ hai này, EU có thể duy trì mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc, trong đó quá trình cạnh tranh diễn ra một cách từ từ. Sau những gián đoạn kinh tế từ đại dịch, khủng hoảng năng lượng, cộng thêm mục tiêu tăng trưởng và đầu tư xanh phải thực hiện, châu Âu sẽ không muốn có thêm thiệt hại về quan hệ quốc tế nếu để xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc hoặc khiến mối quan hệ với Mỹ xấu đi.

Nói cách khác, EU sẽ cố gắng duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc và Mỹ như hiện nay. Trong trường hợp này, các chính sách về đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Kịch bản thứ ba là quan hệ EU -Trung Quốc xấu đi rõ rệt, các lệnh trừng phạt qua lại tiếp tục, có thể phát sinh thêm lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine và chiến tranh thương mại nổ ra. Khi đó, kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn, và các nước cũng phải đối mặt với khả năng chạy đua vũ trang trở nên căng thẳng nếu tình hình ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.

Dù kịch bản nào xảy ra, theo các chuyên gia, điều quan trọng, với cả châu Âu và Trung Quốc để cải thiện mối quan hệ nói riêng và góp phần làm giảm căng thẳng Ukraine nói chung, là tiếp tục duy trì các kênh đối thoại và xác định lợi ích chung để cùng hợp tác giải quyết những khác biệt.

Phương Anh(Tổng hợp )
Bình luận
vtcnews.vn