• Zalo

Châu Âu càng tăng trừng phạt Nga, bài toán dầu và khí càng khó giải

Tư liệuThứ Năm, 14/04/2022 08:54:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Châu Âu đã tung ra những đòn trừng phạt nặng nề nhất có thể áp đặt lên Nga, song việc cấm dầu và khí đốt được xem là vấn đề nan giải.

Ngày 7/4, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua một gói lệnh trừng phạt mới cấm nhập khẩu than đá từ Nga. Tuy nhiên, 27 quốc gia EU vẫn chưa thể nhất trí một lệnh cấm vận sâu rộng hơn nhắm vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga bởi lẽ lệnh cấm như vậy có nguy cơ đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có.

Mới đây, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell dù nhấn mạnh khối này phải nhanh chóng giảm lệ thuộc vào năng lượng từ Nga, song cũng thừa nhận không thể cắt giảm vào khí đốt của Nga trong "một sớm một chiều".

Châu Âu bị trói chân

Mỹ đã mạnh tay khi cấm vận dầu và khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, các nước châu Âu khó lòng theo Washington để làm điều tương tự. Sự phụ thuộc năng lượng Nga đang khiến các nước châu Âu bị trói chân trong việc tung đòn trừng phạt mạnh mẽ lên lĩnh vực này của Moskva.

Châu Âu càng tăng trừng phạt Nga, bài toán dầu và khí càng khó giải - 1

Sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga khiến EU gặp khó khi đưa ra quyết định trừng phạt.

Nền kinh tế châu Âu sẽ chật vật nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, dù tác động cụ thể sẽ tùy thuộc vào mức độ sử dụng của mỗi nước. Dữ liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), lệnh cấm than đá sẽ khiến Nga thiệt hại 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) mỗi năm. Động thái này đánh dấu phá vỡ điều cấm kỵ về việc cắt đứt quan hệ năng lượng của châu Âu với Nga. Và quyết định này chắc chắn cũng sẽ thúc đẩy lạm phát vốn đã tăng cao kỷ lục.

Thế nhưng, than đá là một trong những nguồn năng lượng dễ dàng cắt bỏ. EU đã và đang trong quá trình loại bỏ loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất thế giới này. Giới phân tích cho rằng, châu Âu có thể thay thế nguồn cung của Nga trong vài tháng tới từ các nước khác, trong đó có cả Mỹ.

Lượng điện sản xuất từ than đá đã giảm đều trên khắp EU trong những năm gần đây, với mức giảm 29% trong giai đoạn từ năm 2017-2019. Và nhu cầu than đá tại châu Âu được dự báo tiếp tục giảm khoảng 6% từ nay đến năm 2024.

Trên thực tế, so với khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, than đá là "loại vũ khí" quá nhỏ và ít gây ra thiệt hại hơn nhiều trong kho "vũ khí chiến lược" của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nền kinh tế châu Âu. EU chỉ trả cho Nga 20 triệu USD mỗi ngày để mua than đá nhưng chi đến 850 triệu USD một ngày cho dầu và khí đốt.

Các nền kinh tế lớn nhất của EU như Đức và Italy phụ thuộc rất lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga, nhất là vào mùa đông lạnh giá. Thủ tướng Italia Mario Draghi cũng thừa nhận, chiến sự tại Ukraine càng trở nên khủng khiếp hơn khi liên minh này dường như đang dần cạn "vũ khí" buộc Nga phải chùn bước ở Ukraine.

Trong khi đó, Đức dù đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga từ 55% xuống còn 40%, song chính phủ nước này cho biết hậu quả của quyết định này sẽ là rất lớn. Nếu bị gián đoạn nguồn cung, kinh tế Đức có thể đối mặt nhiều rủi ro, nguy cơ trượt vào suy thoái với tỷ lệ lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát hiện đã ở mức cao (khoảng 7,3%), khiến giá cả các mặt hàng từ rau quả tới các nguyên liệu thô đều trở nên đắt đó.

Nga chưa từng dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu trong thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh buộc khách hàng nước ngoài thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng euro từ đầu tháng 4 năm nay khiến các nước châu Âu lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung nếu không tuân thủ yêu cầu của Moskva.

Dòng khí đốt Nga hiện vẫn chảy sang châu Âu dù các nước trong châu lục bác tối hậu thư của Nga. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận, Nga chưa dừng cung cấp khí đốt ngay lập tức, do các khoản thanh toán cho lượng khí đốt được cung cấp từ 1/4 phải đến cuối tháng này hoặc đầu tháng 5 mới tới hạn.

Châu Âu được cho sẽ chịu thiệt hại lớn khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đang phải gồng mình gánh chịu giá năng lượng cao kỷ lục. Điều này xuất phát từ nguồn cung bị hạn chế trong nhiều tháng qua, và những lo ngại từ việc tiếp diễn chiến sự ở Ukraine. Các nước đã và đang triển khai hỗ trợ tiền mặt và giảm thuế cho người dân bị ảnh hưởng. Giá năng lượng cao đã đẩy lạm phát tại 19 quốc gia thành viên sử dụng đồng tiền chung euro lên mức kỷ lục 7,5%.

Nội bộ lục đục

EU đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về cách thức áp đặt trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt của Nga. Đặc biệt, tại các cuộc họp này, các thành viên EU cũng nhấn mạnh đến tìm giải pháp căn cơ, có thể cứu cánh cho EU thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng của Moskva. Thế nhưng, đến nay, EU vẫn bế tắc do sự khác biệt về quan điểm, chia rẽ trong nội bộ khối về việc có nên hay không nên cấm dầu và khí đốt từ Nga.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU gần đây diễn ra tại Cung điện Versailles (Pháp), các nước tiêu thụ lượng lớn khí đốt từ Nga như Đức, Áo, Hungary tiếp tục phản đối việc chặn hoàn toàn nguồn cung từ Moskva. Trong khi đó, một số nước Đông Âu như Ba Lan, Latvia kêu gọi EU dừng ngay tức khắc nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Châu Âu càng tăng trừng phạt Nga, bài toán dầu và khí càng khó giải - 2

Nội bộ EU bị chia rẽ trước quyết định trừng phạt dầu và khí đốt với Nga.

Hungary là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất đề xuất cấm hoàn toàn dầu và khí đốt từ Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết khí đốt của Nga là lựa chọn duy nhất của Budapest. Ông khẳng định Hungary không nhượng bộ trước áp lực của EU và sẽ không ủng hộ các hạn chế đối với nguồn cung năng lượng từ Nga vì đây là “ranh giới đỏ” đối với Hungary.

85% nguồn cung cấp khí đốt và 64% dầu của Hungary đến từ Moskva và vị trí địa lý giới hạn khả năng đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

Thậm chí, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 11/4 tuyên bố nước này sẵn sàng chấp nhận cơ chế chi trả bằng đồng rúp cho việc mua khí đốt của Nga để đảm bảo an ninh năng lượng. Quan điểm của Hungary được đưa ra trong bối cảnh các nước EU đang kiên quyết phản đối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Moskva. 

Tương tự, Bulgaria là quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom của Nga. Nước này cho biết có thể tìm cách từ chối tham gia vào vòng trừng phạt của EU. Nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của LUKOIL của Nga và cung cấp hơn 60% nhiên liệu được sử dụng ở quốc gia Balkan này.

Trước sự thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên, EU đã nhất trí từng bước cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga, chứ không cấm nhập khẩu ngay lập tức. Đối sách trước mặt là vậy, song chiến lược lấp đầy khoảng trống nguồn cung của Nga là vấn đề khó khăn, không thể giải quyết trong “một sớm một chiều” đối với EU.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã phát đi thông báo, cho biết các đề xuất về việc loại bỏ sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga trong năm 2027 sẽ chính thức được đệ trình tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 tới. Trước đó, EU cho biết sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ nhu cầu tổng thể về dầu và khí đốt của Nga trước năm 2030.

Có lẽ, giới chức EU hiểu rõ rằng, một lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu năng lượng Nga ngay lập tức không chỉ gây tổn hại đến Moskva mà còn giáng đòn đau vào nền kinh tế châu Âu. Chính các hộ gia đình và doanh nghiệp tại “lục địa già” là đối tượng hiểu rõ nhất về cái giá phải trả cho cơn khát năng lượng vốn đã quá chật vật vì giá nhiên liệu lên cao trong thời gian qua.

Loay hoay tìm lối ra

Khủng hoảng khí đốt hối thúc các nước châu Âu phải ráo riết tìm nguồn cung từ các nơi khác, nhưng vẫn không đủ để bù lại nguồn khí đốt Nga bị gián đoạn bất ngờ. Theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu Bruegel, châu Âu sẽ thiếu 10-15% lượng khí đốt so với nhu cầu để vượt qua mùa sưởi ấm vào mùa đông tới, điều đó có nghĩa là cần phải thực hiện một số biện pháp đặc biệt để giảm nhu cầu sử dụng khí đốt.

Giới chức châu Âu thừa nhận không thể chống đỡ được những hậu quả của việc “tẩy chay” khí đốt Nga ngay lập tức. Thay vào đó, họ có kế hoạch giảm sử dụng khí đốt Nga càng nhanh càng tốt. Theo đó, để giảm "cơn nghiện" khí đốt từ Nga, EU sẽ ưu tiên đa dạng hóa nguồn cung thay thế thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt là từ Mỹ, Qatar.

Châu Âu càng tăng trừng phạt Nga, bài toán dầu và khí càng khó giải - 3

EU đang chật vật tìm kiếm giải pháp thay thế năng lượng từ Nga.

Theo số liệu thống kê, EU đã nhập khẩu 10 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng trong tháng 1/2022, con số kỷ lục từ trước đến nay và đặt mục tiêu sẽ nhập khoảng 50 tỷ m3 khí này trong năm nay. Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất của EU. Khối này đã nhập khẩu hơn 12 tỷ m3 LNG từ Mỹ trong ba tháng đầu năm, tăng so với 4 tỷ m3 cùng kỳ năm 2021.

Hồi tháng 3, Mỹ tuyên bố nước này sẽ tìm cách cung cấp 15 tỷ m3 LNG sang châu Âu trong năm nay. Tuy nhiên, cam kết của Washington là một chuyện, vấn đề còn phụ thuộc lớn vào chính các quốc gia châu Âu, trong đó việc nhanh chóng xây dựng các cảng LNG có ý nghĩa quan trọng.

Khác với khí đốt nhập từ Nga, LNG không vận chuyển qua đường ống. Thay vào đó, nó được làm lạnh để hóa lỏng bằng một quy trình tốn kém tại các cảng, chủ yếu ở các vịnh, bờ biển. Sau đó, LNG được đưa vào các tàu chở dầu chuyên dụng.

Tại cảng tiếp nhận, phải đảo ngược quy trình chuyển LNG thành khí để đưa vào sử dụng. Chính do quy trình phức tạp và tính đặc thù của LNG, các cảng LNG sẽ được xây dựng tại những quốc gia có biển, tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển cung ứng.

Để xây dựng được một cảng phục vụ xuất nhập khẩu LNG có trữ lượng lớn rất tốn kém, ước tính hơn một tỷ USD. Hơn nữa, quy trình từ việc lên kế hoạch, xin giấy phép cho đến khi hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành mất nhiều năm.

Cả Mỹ và châu Âu được cho đang nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển LNG. Washington đang xây dựng một số cảng xuất khẩu, có thể giúp tăng lượng xuất khẩu LNG của nước này thêm khoảng 1/3 vào năm 2026. Còn tại châu Âu, khoảng 10 cảng nhập khẩu LNG đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch ở Italia, Bỉ, Ba Lan, Đức, Síp và Hy Lạp. Thế nhưng, khó khăn về vấn đề tài chính đang là yếu tố khiến cho các dự án này gặp khó để về đích.

Châu Âu càng tăng trừng phạt Nga, bài toán dầu và khí càng khó giải - 4

Dunkirk LNG (Pháp) - một trong những cảng và kho chứa khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu, kinh phí đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD và phải mất 5 năm để xây dựng (từ 2011 -2016). (Ảnh: Dunkirk LNG)

Việc xây dựng các cảng LNG không được xem là ưu tiên của các nước châu Âu, Đức cũng không phải ngoại lệ. Nước này cho rằng, nhập khẩu khí đốt bằng đường ống từ Nga rẻ hơn nhiều so với xây mới cảng LNG. Thế nhưng, tình hình hiện nay buộc Đức phải quay trở lại với kế hoạch xây dựng cảng nhập LNG ở bờ biển phía bắc nước này.

Rõ ràng, vấn đề cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí LNG là thách thức lớn nhất, mà cả Mỹ và châu Âu chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Chừng nào điều này chưa giải quyết được thì giấc mơ thoát lệ thuộc khí đốt Nga của châu Âu khó lòng thực hiện được.

Giới phân tích cho rằng, với tình hình hiện tại, việc xây dựng đủ các bến cảng ở cả hai bờ Đại Tây Dương để mở rộng đáng kể việc xuất khẩu LNG từ Mỹ sang châu Âu có thể mất từ 2 đến 5 năm.

Các nước châu Âu cũng sẽ phải cạnh tranh với châu Á để giành được nguồn LNG từ Qatar hoặc Mỹ, thậm chí cạnh tranh với nhau để có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Na Uy hay Algeria. Hơn nữa, để có thêm nguồn cung LNG ở bất cứ nơi nào khác, giá khí đốt bán buôn của châu Âu sẽ cần phải duy trì ở mức cao hơn so với giá LNG tiêu chuẩn ở châu Á. Giá khí đốt tăng cao đã tác động đến người tiêu dùng và các chính phủ đã phải chi hàng tỷ euro cho các biện pháp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, EU có thể đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine trở thành xung đột quân sự vào tháng 2, EU sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% mức tiêu thụ cuối cùng vào năm 2030. 

Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá chậm nên không thể xóa bỏ ngay sự lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng của nước ngoài. Điều đó một phần là do cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu không được thiết lập để xử lý khả năng gián đoạn năng lượng tái tạo, khó tích trữ năng lượng từ các nguồn tái tạo trong những thời điểm không có ánh nắng mặt trời và không có gió.

Một kịch bản có thể được EU tính đến khi cấm dầu mỏ Nga đó là là giảm dần nguồn cung từ Moskva và sử dụng nguồn dự trữ dầu chiến lược của châu Âu để giảm tác động. EU dự kiến ban hành văn bản luật yêu cầu các quốc gia thành viên phải nâng mức dự trữ trong kho năng lượng chiến lược từ 30% lên 90% trước tháng 10/2022 để phục vụ nhu cầu cho mùa Đông tới.

Song song với việc cố gắng tìm nguồn cung thay thế trên thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã căng thẳng, một số nước châu Âu cũng cho biết có thể sẽ phải sử dụng nhiều than đá hơn, gia hạn vòng đời của các nhà máy điện hạt nhân.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn