“Với tình hình này, chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư truyền thống sẽ tiếp tục kinh doanh ở đây. Chính phủ các nước không yêu cầu công ty của nước mình không đầu tư hoặc kinh doanh ở Myanmar. Vì vậy, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư từ các quốc gia này sẽ tiếp tục kinh doanh ở Myanmar”, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ kinh tế đối ngoại Myanmar Aung Naing Oo cho hay.
Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ kinh tế đối ngoại Myanmar cho biết, trước khi nắm quyền tại Myanmar, chính quyền quân sự nước này cũng đã dự báo trước các ảnh hưởng, tác động từ đầu tư nước ngoài.
“Thực ra, chúng tôi đã lường trước được điều đó và từng trải qua áp lực như vậy trong quá khứ. Áp lực quốc tế đã có đối với Myanmar trong các chính phủ trước đây, ngay cả trong chính quyền do đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) lãnh đạo”, ông Aung Naing Oo nói.
Trong khi Mỹ và các nước châu Âu thực hiện các hành động mạnh tay, trừng phạt chính quyền quân sự, cũng như một số công ty trong khu vực đã thu hẹp phạm vi hoạt động kinh doanh ở Myanmar, các nước láng giềng châu Á phần lớn đã kiềm chế quay lưng lại với Myanmar. Chính quyền quân sự của Myanmar hy vọng các đối tác khu vực truyền thống sẽ tiếp tục gắn bó với nước này.
Sự quan tâm vào thị trường Myanmar của các nhà đầu tư từ phương Tây bị giảm sút sau những cáo buộc về tội diệt chủng đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya từ năm 2017, tuy nhiên, Myanmar chuyển trọng tâm, kêu gọi các nước ở châu Á như Singapore và Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào nước này.
Phát biểu của ông Aung Naing Oo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền quân sự Myanmar đang đối mặt với cuộc biểu tình ngày càng gia tăng ở nước này. Biểu tình của người dân và đình công của các công chức đang làm suy yếu các dịch vụ công và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Myanmar.
Tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Nam Á này khiến một số công ty nước ngoài phải dừng hoạt động, nhất là sau vụ việc hơn 30 nhà máy được xây dựng bằng vốn đầu tư của Trung Quốc bị phá hoại.
“Đảm bảo an ninh và bảo vệ cho các dự án đầu tư là ưu tiên của chúng tôi. Đó là lý do tại sao lực lượng cảnh sát đã được triển khai tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng để đảm bảo an ninh tốt hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các nhà máy khỏi bị phá hoại”, ông Aung Naing Oo nói.
Tình hình bất ổn tại Myanmar bắt đầu hôm 1/2 sau khi xảy ra đảo chính quân sự. Kể từ đó các cuộc biểu tình lan rộng trên nhiều địa phương tại quốc gia Đông Nam Á này. Quân đội và cảnh sát nước này áp đặt các biện pháp mạnh tay, ngăn chặn người biểu tình.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị, khoảng 250 người đã thiệt mạng và hơn 2.600 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án tù kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2.
Bình luận