Một trong những sĩ quan chạy trốn khỏi Myanmar và đang ẩn náu tại một ngôi làng ở bang Mizoram, Đông Bắc Ấn Độ cho biết “chúng tôi không muốn trở về Myanmar cho đến khi các vấn đề ở đó được giải quyết”.
AP dẫn nguồn từ một sĩ quan cảnh sát khác cho biết, chính quyền quân sự ra lệnh cho họ bắt giữ, trấn áp người biểu tình và xuất hiện tất cả điểm nóng biểu tình khi được yêu cầu. Viên cảnh sát này cho rằng, họ "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc chạy trốn khỏi Myanmar.
Kể từ khi đảo chính quân sự xảy ra ở Myanmar, hàng chục cảnh sát nước này đã vượt biên sang Mizoram, Ấn Độ. Bên cạnh đó, hàng trăm dân thường Myanmar cũng đào tẩu sang quốc gia láng giềng sau khi chính quyền quân sự mạnh tay trấn áp người biểu tình.
Các nhà chức trách liên bang và bang Mizoram của Ấn Độ chưa đưa ra số liệu cụ thể về các trường hợp Myanmar vượt biên, song một số quan chức bang cho hay số người xin tị nạn có thể lên tới hàng trăm. Một ngôi làng ở Ấn Độ dựng nơi trú ẩn cho 34 nhân viên cảnh sát và một lính cứu hỏa Myanmar trong hai tuần qua.
Những người này hiện đối mặt với nguy cơ bị trục xuất sau khi Bộ Nội vụ Ấn Độ yêu cầu 4 bang giáp biên giới với Myanmar, trong đó có Mizoram, thực hiện các biện pháp ngăn chặn người tị nạn vào Ấn Độ, ngoại trừ các trường hợp vì lý do nhân đạo.
Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, các bang không được cấp quy chế tị nạn cho bất kỳ ai đến từ Myanmar. Lý do được đưa ra là vì Ấn Độ không tham gia Công ước về Người tị nạn năm 1951 cũng như Nghị định thư năm 1967 của Liên hợp quốc.
Chính phủ liên bang Ấn Độ và bang Mizoram đang tranh cãi về cách xử lý người đào tẩu từ Myanmar. Trước đó, chính quyền bang Mizoram đã cho phép người vượt biên nhập cảnh, cung cấp thức ăn và nơi ở.
Hôm 18/3, Thủ hiến bang Mizoram, Zoramthanga, gửi thư lên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cho rằng "Ấn Độ không thể làm ngơ" trước cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra. Ông cũng kêu gọi chính phủ liên bang cân nhắc lại và cho phép người đào tẩu Myanmar tị nạn ở Ấn Độ.
Đầu tháng này, Myanmar yêu cầu Ấn Độ trao trả các sĩ quan cảnh sát đã vượt biên. Ấn Độ có chung đường biên giới dài 1.643 km với Myanmar và nhiều bang nước này đang là nơi sinh sống của hàng nghìn người tị nạn từ Myanmar.
Bình luận