• Zalo

Quân đội Myanmar càng 'rắn', người biểu tình càng nóng

Thời sự quốc tếThứ Hai, 22/02/2021 14:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh chính quyền quân đội Myanmar cảnh báo có thể sử dụng vũ lực để kiểm soát, người dân nước này vẫn xuống đường, biểu tình phản đối đảo chính.

Hôm 22/2, hàng nghìn người tập trung xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở Yangon bất chấp hàng rào bảo vệ nhiều lớp được dựng sẵn, cũng như 20 xe tải quân sự với cảnh sát chống bạo động được triển khai gần đó. Đám đông đang tụ tập sau khi tổ chức “Phong trào bất tuân dân sự” kêu gọi mọi người đoàn kết vào ngày 22/2, tiến hành cuộc "Cách mạng Mùa xuân".

Trước đó, trên đài truyền hình nhà nước MRTV, chính quyền Myanmar phát cảnh báo ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng vũ lực.

“Những người biểu tình và đám đông vô chính phủ đã kích động bạo loạn vào ngày 22/2. Những người biểu tình hiện đang kích động người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên xuống đường đối đầu. Họ sẽ phải chịu thiệt hại về nhân mạng”, thông báo phát đi từ đài MRTV cho hay.

Quân đội Myanmar càng 'rắn', người biểu tình càng nóng - 1

Biểu tình phản đối đảo chính quân sự vẫn tiếp diễn ở Myanmar. (Ảnh: AP)

Tuyên bố của chính quyền quân đội Myanmar cũng viện dẫn ví dụ về những kẻ tổ chức, kích động bạo lực biểu tình trong quá khứ đã phải hứng chịu sự đáp trả mạnh mẽ từ lực lượng an ninh. Các cuộc biểu tình tại Myanmar về cơ bản diễn ra ôn hòa, thỉnh thoảng có xô xát giữa người tham gia biểu tình với cảnh sát. Đến nay, 3 người đã thiệt mạng.

Tại thành phố Yangon, đêm 21/2, xuất hiện những chiếc xe tải chạy trên đường. Điều này làm dấy lên những lo ngại về việc chính quyền sẽ siết chặt quy định cấm dân tụ tập từ 5 người trở lên. Lệnh cấm này đã được ban hành ngay sau cuộc đảo chính nhưng không được thực thi rộng rãi vì các thành phố diễn ra các cuộc biểu tình lớn hàng ngày.

Cũng trong đêm 21/2, giới chức Myanmar cũng đã cố gắng phong tỏa các tuyến phố trọng điểm bằng việc thiết lập, dựng các rào chắn để ngăn người biểu tình. Tuy nhiên, những rào chắn này sau đó đã bị người biểu tình phá dỡ.

Chính quyền Myanmar cho biết, đến nay, 640 người bị bắt giữ liên quan đến biểu tình ở nước này. Trong số này, bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint vẫn đang bị giam giữ.

Tình hình tại Myanmar nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục các hành động cứng rắn chống lại chính quyền quân sự Myanmar sau cái chết của người biểu tình.

"Mỹ sẽ tiếp tục có các hành động cứng rắn chống lại những người gây ra bạo lực chống lại người dân Myanmar khi họ yêu cầu khôi phục chính phủ được bầu ra một cách dân chủ. Chúng tôi sát cánh cùng người dân Myanmar", ông Blinken viết trên Twitter hôm 21/2. 

Tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi 2 người thiệt mạng ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar, khi cảnh sát nổ súng giải tán đám đông biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội. Trước đó, Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi qua đời sau khi bị trúng đạn vào đầu trong lúc cảnh sát giải tán đám đông biểu tình.

Hôm 1/2, chính biến xảy ra tại Myanmar khi lực lượng quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Động thái này của quân đội châm ngòi những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Myanmar.

Kông Anh(Nguồn: Channel News Asia)
Bình luận
vtcnews.vn