Hôm 20/2, hai người thiệt mạng trong khi tham gia tuần hành ở Mandalay, trong đó có một người trẻ. Khoảnh khắc đó đến giờ vẫn ám ảnh Hla, 23 tuổi, đã trực tiếp chứng kiến cái chết của một trong hai người.
Cảnh sát Myanmar đáng lẽ phải rút lui sau khi người biểu tình giải tán, nhưng họ lại thất hứa và tấn công người dân bằng dùi cui và súng đạn. Hla phải lánh nạn trong một khu phố gần đó do đường phố bị phong tỏa. Tại đây, cô trông thấy một người đàn ông trung niên bị bắn vào bụng và đầu gối.
“Viên đạn găm vào da thịt và tôi có thể nhìn thấy dây chằng của cậu ấy”, Hla cho biết cảnh sát vẫn tấn công dù những người biểu tình tuân theo các hướng dẫn. Lực lượng an ninh thậm chí còn bắn vào xe cứu thương.
“Có rất nhiều máu. Mọi người cầu xin cảnh sát ngừng bắn xe cứu thương nhưng không có tác dụng. Tôi cảm thấy cần phải bỏ chạy để bảo vệ tính mạng của mình”, cô kể lại.
Một nữ nhân viên y tế có mặt tại nơi xảy ra vụ việc chia sẻ một bức ảnh trên Facebook. Trong ảnh, cô đang cố giúp đỡ một người đàn ông bị thương ở đầu trên xe cảnh sát.
“Tôi đã cầu xin (cảnh sát) thả anh ấy, hoặc ít nhất cũng cho tôi 15 phút để khâu vết thương trên đầu anh”, nhưng cảnh sát đã không đáp ứng yêu cầu của cô.
"Tôi chẳng thể làm gì... ngoại trừ khóc than", cô cảm thấy bất lực vì không thể cứu chữa cho những người bị thương trong cuộc đàn áp của lực lượng an ninh.
Có ít nhất 30 người bị thương trong sự kiện ở Mandalay. Cuộc đàn áp bạo lực có sự tham gia của các binh sĩ thuộc sư đoàn bộ binh hạng nhẹ 33 của Myanmar. Đơn vị này từng tham gia vào các các cuộc đàn áp người Rohingya vào năm 2017, dẫn đến thảm họa diệt chủng ở The Hague.
Tại thành phố Yangon của Myanmar có một tấm biển đề: "Bao nhiêu người sẽ phải chết trong lúc chờ Liên hợp quốc hành động”?
Tuần trước, một phụ nữ Myanmar 20 tuổi chết vì bị cảnh sát bắn vào đầu tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw. Hôm 20/1, một người đàn ông 30 tuổi bị giết ở Yangon trong khi đi tuần tra đề phòng cảnh sát đột kích vào ban đêm.
Quân đội nước này cho biết một cảnh sát đã chết vì bị thương trong khi can thiệp vào cuộc biểu tình kêu gọi thả bà Aung Sang Suu Kyi.
“Đây có thể là cuộc cách mạng cuối cùng của chúng tôi. Chiến dịch không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh dân sự mà còn vào sự trợ giúp từ bên ngoài, như Liên hợp quốc và Mỹ”, một người tham gia biểu tình ở Yangon cho biết.
Việc sử dụng bạo lực với người biểu tình ở Myanmar đã bị Liên Hợp Quốc, Pháp, Singapore và Anh lên án. Facebook cũng xóa bỏ trang chính của quân đội Myanmar vì trang này chứa nội dung kích động bạo lực. Thứ Hai (22/2), các Ngoại trưởng thuộc liên minh châu Âu dự định họp mặt thảo luận về các biện pháp đối với Myanmar.
Bình luận