Nhắc lại chuyện này bởi mới đây, đã có một vài ý kiến lên tiếng bênh vực ngành thể thao, khi cho rằng, số lượng quan chức, cán bộ tại Thế vận hội Brazil là không nhiều.
Cụ thể, chỉ 11/50 người trong đoàn sang Brazil là cán bộ. Số này gồm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn-Trưởng đoàn; 3 cán bộ quản lý là các ông Nguyễn Mạnh Hùng-Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I, ông Nguyễn Trọng Hổ-Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II và ông Nguyễn Mạnh Hùng-Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội.
Bộ phận này theo giải thích của Tổng cục TDTT, ngoài nhiệm vụ quản lý thì còn đảm trách nghiên cứu xu thế phát triển của thể thao thế giới, giúp việc cho trưởng đoàn.
Đoàn có 3 bác sĩ đi theo chăm sóc VĐV là các ông Nguyễn Trọng Hiền (Trung tâm HLTTQG Hà Nội), Nguyễn Văn Phú, Dương Tiến Cần (Bệnh viện thể thao), ông Đinh Việt Hùng-TTK Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam, 2 cán bộ Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam cùng một tùy viên báo chí.
Dư luận và giới truyền thông bị “trách móc” là đã phán xét vội vàng, thiếu khách quan khi đánh giá về thành phần cán bộ theo đoàn thể thao Việt Nam sang dự Thế vận hội.
Nếu nhìn vào số lượng thì quả không sai, ngành thể thao có thể tự tin cho rằng con số cán bộ như trên là còn ít. Đặc biệt nếu so sánh với các kỳ Thế vận hội trước, con số 11 cán bộ trong đoàn có thể nói đã là tối giản.
Chuyện ít hay nhiều cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi còn phụ thuộc nhiệm vụ từng người, điều kiện kinh tế của từng nước. Báo chí Singapore cho hay khi thi đấu tại Thế vận hội, chỉ riêng kình ngư Joseph Schoolings đã có đội ngũ “tháp tùng” gần 20 người.
Người dân Singapore hẳn không ai bảo như thế là nhiều. Nhưng nhìn vào từng vị trí cán bộ của đoàn thể thao Việt Nam lần này thì chắc chắn là có chuyện để băn khoăn.
Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ít tháng tới sẽ nghỉ hưu. Tương tự là Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng, qua năm cũng đến tuổi hồi viên. Môn bơi lội trong khi đó đã có HLV Đặng Anh Tuấn, nên chuyện cho ông Hùng theo e là có phần lãng phí. Không rõ ngành thể thao chờ đợi điều gì ở những cán bộ sắp nghỉ ngơi, trong khi những người trẻ mất cơ hội mở mang kiến thức.
Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng thì không rõ quan trọng cỡ nào, giải nào cũng góp mặt. Cũng không thấy ngành thể thao tổng kết lại những kiến thức ông Hùng đã học ở nước ngoài và đem về ứng dụng cho Việt Nam ra sao.
Cũng không hiểu do yêu cầu quản lý, chuyên môn hay thiếu người, ngành thể thao trong năm qua liên tục phải để Vụ trưởng Nguyễn Trọng Hổ vất vả công du nước ngoài. Hết châu Âu lại Australia, Mỹ rồi giờ là Brazil. Ông Nguyễn Trọng Hổ xuất thân là dân điền kinh, nhưng mỗi chuyến xuất ngoại lại đi theo một môn và đến Thế vận hội ở Brazil, ông Hổ được giao phụ trách môn… cầu lông của cặp đôi Tiến Minh-Vũ Thị Trang.
Thăm dò ý kiến: Theo bạn, quan chức Việt Nam đi Olympic đông như thế là hợp lý?
Nhắc đến cầu lông, một số thông tin khẳng định do trình độ ở Việt Nam chẳng ai hơn, Tiến Minh đã đề nghị tham dự Thế vận hội không cần HLV theo kèm. Thật tình rất muốn tin chuyện này là thật, bởi hậu trường lại nói tay vợt TP.HCM từng muốn có bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TPHCM đi theo. Bà Liên ảnh hưởng thế nào đối với Tiến Minh, giới thể thao ắt đã rõ. Nếu được chọn giữa bà Liên và ông Nguyễn Trọng Hổ, dễ đoán Tiến Minh sẽ chọn ai.
Chuyện quan chức Việt Nam đi theo đoàn thể thao ở các giải đấu quốc tế đại khái là vậy.
Bình luận