Sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đề cập đến sự cần thiết sửa đổi, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, luật đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Một số quy định hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ…
Theo Bộ Tài chính, dự thảo luật gồm 8 chương, 156 điều, đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật. Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), dự thảo bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng.
Đáng lưu ý về công khai thông tin, lần sửa đổi này bổ sung yêu cầu “công khai thông tin một cách toàn diện”, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với NHNN Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành. Hồ sơ dự án đã được soạn thảo chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên,Thường trực Uỷ ban cũng lưu ý về một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm thương mại, trong đó giao Bộ Tài chính quản lý toàn diện và có trách nhiệm ứng dụng CNTT để quản lý.
Đối với quy định về phá sản doanh nghiệp, dù đã có quy định trong dự thảo, nhưng chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản. “Đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Bảo đảm bí mật đời tư
Tán thành với việc cần thiết sửa đổi, song Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn khi dự thảo bổ sung một số quy định còn có thể khác nhau giữa các luật liên quan đến bảo hiểm. Do vậy, ông đề nghị phải rà soát cho đảm bảo thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, Bộ Luật dân sự.
Đặc biệt, việc cung cấp thông tin cũng như cơ sở dữ liệu cung cấp ra là vấn đề cần quan tâm. Do vậy, phải làm sao để đảm bảo không trái quy định, đảm bảo bí mật đời tư, thông tin cá nhân, gia đình. “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nếu công khai phải được người đó đồng ý. Cung cấp thông tin gì, cho ai cần phải đảm bảo bí mật đời tư”, ông Tùng cho hay.
Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị rà soát lại các nội dung cho đảm bảo thống nhất với các luật khác. Điển hình như Bộ Luật dân sự, vấn đề hậu quả pháp lý khi đình chỉ hợp đồng, việc áp dụng đang có cách hiểu khác nhau, cần rà soát lại và có sự thống nhất. Bà Thanh cũng lưu ý vấn đề nhân lực, khi người đi bán báo hiểm giải thích, tuyên truyền không rõ ràng, chưa đúng với nội dung của bảo hiểm, dễ dẫn đến tranh chấp, nhiều hợp đồng không được thực hiện.
Từ kinh nghiệm làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị xem lại cho phù hợp với Luật Phá sản. Bởi theo ông Cường, thực tế có trường hợp doanh nghiệp đã phá sản, nhiều người ví “doanh nghiệp chết rồi nhưng chưa được chôn”, nên phải sửa cho đồng bộ.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị bổ sung, làm rõ về việc bán và mua bảo hiểm, bởi trên thị trường hiện nay việc mua bán bảo hiểm rất dễ, nhưng khi có sự việc xảy ra đền bù lại rất khó. Hợp đồng bảo hiểm, mỗi đơn vị lại có hợp đồng riêng mà không có chuẩn nào, nên có sự cố xảy ra, bên mua yêu cầu đền, còn bên bán bảo hiểm không muốn đền, cuối cùng lại đưa ra toà.
Theo ông Cường, Đồng Nai đã có nhiều vụ, khi xảy ra sự cố, bên bán bảo hiểm viện cớ nào đó, không đền bù cho bên mua. Ông Cường đề nghị cần có hợp đồng mẫu chung thế nào đó để không xảy ra tranh chấp. “Đồng Nai có vụ cháy nhà gỗ đã 5 năm rồi mà vẫn chưa đền bù được”, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thị trường bảo hiểm của chúng ta tuy phát triển nhanh, nhưng còn thấp so với tiềm năng và mặt bằng thế giới. Vậy khi sửa luật này có tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn không? Theo Chủ tịch Quốc hội, điều này rất quan trọng, nên phải tư duy như thế nào, và ông lưu ý “tư duy bây giờ là kiến tạo, phát triển”.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, với quy định về CNTT, phải đưa đúng theo quy định Luật An ninh mạng, đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật đời tư. Về vấn đề hợp đồng, ông Phớc tiếp thu các ý kiến và hứa sẽ quy định chặt chẽ, làm sao bảo đảm quyền của cả người bán và người mua, phù hợp với Luật phá sản.
"Chúng tôi sẽ có bản giải trình đầy đủ, đặc biệt chính sách kinh doanh bảo hiểm như ý kiến đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, sẽ phải làm rõ hơn, để có chiến lược, hướng đi đúng đắn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng cho hay.
Bình luận