Ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Chiều 15/8, phát biểu thảo luận, Tổng thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra thực trạng có một số dự án, đường nhà nước đã làm sẵn, nhà đầu tư BOT vào nâng cấp, chỉ có tráng đường một ít, đầu tư thêm một lớp bên trên rồi thu phí.
“Như Tiền Giang, dự án trên Quốc lộ 1A chỉ là như thế (chỉ tráng một lớp trên mặt đường) và cuối cùng thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương. Vì thế nên dân bức xúc là đúng”, ông Phúc dẫn chứng.
Ông Phúc cho rằng thực tế đó không chỉ xảy ra ở Tiền Giang mà còn ở nhiều địa phương khác dẫn tới việc người dân bức xúc.
Tổng thư ký Quốc hội nêu tình trạng thời hạn thu phí đường chính hết rồi nên nghĩ ra việc mở đường tránh cho nhanh hồi vốn. Chính vì vậy nhiều khi nhà đầu tư lợi dụng việc này mở trạm thu phí BOT làm dân bức xúc, phản ứng với BOT là đương nhiên.
“Giám sát phải chỉ rõ địa chỉ, không bắn chỉ thiên đi đâu không hiệu quả. Tôi đề nghị đoàn giám sát bổ sung thêm giám sát dự án BOT Cai Lậy thực hiện ra làm sao, đưa ra kiến nghị giải quyết. Ta làm luôn cho hiệu quả, không chờ đợi gì cả”, Tổng thư ký nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng đặt câu hỏi: "Với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nắm vấn đề này như thế nào? Tôi đề nghị đồng chí báo cáo tình hình Cai Lậy trước thường vụ Quốc hội".
Ông Bình cũng cho rằng đang có sự lệch rất lớn giữa người dân, người sử dụng với các phát ngôn của cơ quan chức năng, cụ thể là lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải. Vì vậy, ông Bình đề nghị rà soát lại các dự án BOT.
"Riêng hệ thống pháp luật, nếu thiếu gì cần bổ sung, từ đó thu hút được nhà đầu tư mạnh ở trong nước", ông Bình đề xuất.
Vị Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục cũng cho rằng cần phải tôn trọng ý kiến của người sử dụng và người dân tại chỗ khi làm BOT. Các dự án BOT nhưng suy nghĩ của người dân ở đó như thế nào thì chúng ta thực sự không biết.
"Đường Cai Lậy tôi đã từng đi qua, hiện chỉ có sửa lại một chút và thu phí. Đây là con đường độc đạo, vậy khi sửa có hỏi ý kiến của người dân hay không?", ông Bình đặt câu hỏi.
Video: Lùm xùm tại trạm thu phí Cai Lậy còn đến bao giờ?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại một số sai phạm từ báo cáo giám sát và tỏ ra băn khoăn, trách nhiệm của thanh tra Bộ GTVT.
Bà Hải cũng đặt câu hỏi về việc thu hồi về cho nhà nước bao nhiêu tiền, xử lý trách nhiệm cá nhân như thế nào.
Vị Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị cung cấp thêm cho đoàn giám sát để lấy căn cứ trả lời cho cử tri cũng như những băn khoăn của cử tri về việc đóng phí BOT nhưng phải quản lý như thế nào cho hợp lý.
“Hiện tôi chưa nhận được đơn thư gì ở chỗ Cai Lậy Tiền Giang nhưng các trạm Bến Thủy, Lương Sơn, Hòa Bình chúng tôi đều nhận được đơn thư. Tuy nhiên tôi rất tán thành ý kiến của Tổng thư ký là trong trường hợp này (trạm Cai Lậy) đoàn giám sát nên giám sát để có thêm thực tiễn trong báo cáo giám sát cũng như đáp ứng mong mỏi của người dân”, Bà Hải nói.
Cũng trong chiều 15/8, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã giải trình về dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Ông Nghĩa cho rằng nói là tuyến tránh Cai Lậy là chưa đầy đủ vì đây là dự án hơn 26 km trên QL 1 và 12 km tuyến tránh. Trên QL 1, nhà đầu tư còn xử lý sửa chữa 14 cây cầu.
“Hiện nay khi xảy ra sự việc, nhiều người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, thực sự tôi đề nghị có cái nhìn công bằng hơn, trước hết phải là địa phương và Bộ GTVT”, Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ.
Bình luận