Theo đó, cựu Giám đốc Sở Cảnh sát Yongsan Lee Im-jae, Đại úy Ryu Mi-jin phụ trách quản lý tổng đài 112 Sở Cảnh sát thành phố Seoul, cùng 4 quan chức khác có sai sót trong công tác quản lý an toàn và báo cáo lên cấp trên dẫn tới thảm họa tang thương tại Itaewon.
Theo KBS, ngoài ra, cựu Giám đốc Lee Im-jae và Đại úy Ryu Mi-jin còn bị cáo buộc lơ là trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng. Hai quan chức khác thuộc Sở Cảnh sát quận Yongsan bị cáo buộc tội lạm dụng chức quyền và tiêu hủy chứng cứ. Cơ quan Cảnh sát đã phát hiện được rằng Sở Cảnh sát quận Yongsan đã lập và đăng tải báo cáo phân tích về rủi ro xảy ra sự cố an toàn trước khi xảy ra thảm kịch, nhưng sau đó báo cáo này đã bị xóa đi.
Ngoài các cá nhân nói trên, Ủy ban điều tra đặc biệt Cảnh sát quốc gia sẽ điều tra làm rõ với cả Giám đốc cơ quan này, ông Yoon Hee-keun, người chịu trách nhiệm cao nhất về thảm kịch Itaewon.
Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát quốc gia sẽ điều tra làm rõ liệu Sở Cảnh sát quận Yongsan có thiếu sót trong quá trình đề nghị sự phối hợp của các cơ quan hữu quan hay không. Ngoài ra, Cảnh sát cũng sẽ điều tra đối với Cơ quan Phòng cháy chữa cháy về quá trình xử lý các cuộc gọi tới tổng đài 119.
Cảnh sát hiện đã phân tích xong hơn 100 tài liệu thu giữ được, và đang tiếp tục phân tích hơn 6.500 đoạn phim quay tại hiện trường. Lực lượng chức năng cũng đã triệu tập lấy lời khai của tổng cộng 154 người gồm các quan chức Sở Cảnh sát Seoul và quận Yongsan cùng những nhân chứng có mặt tại hiện trường.
Vào chiều ngày 7/11, Cơ quan Cảnh sát sẽ tiến hành giám định bổ sung hiện trường để xác định mật độ đám đông khi xảy ra thảm kịch, tái hiện lại hiện trường bằng công nghệ giả lập 3D, để làm rõ nguyên nhân xảy ra thảm họa.
Bình luận