Sông nước miền Tây vốn được thiên nhiên ưu đãi, nhờ đó mà có nguồn tôm cá dồi dào. Người dân vì thế cũng chuộng những món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu này, đặc biệt là cá lóc với đa dạng các món như cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc, các món gỏi khô cá lóc,…
Dân sành ăn thì không thể bỏ qua món bánh canh cá lóc nức tiếng ở An Giang. Theo nhiều review từ du khách, nổi tiếng nhất phải kể đến quán bánh canh “lò rèn” nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Tri Tôn, An Giang. Chủ quán là cô Đỗ Ngọc Lan (60 tuổi), hay được người dân trong vùng gọi là Năm Hải.
Trước kia, quán nằm cạnh một cái lò rèn, lâu ngày khách quen gọi luôn là quán bánh canh “lò rèn” chứ cô Năm Hải không hề đặt tên. Quán đã bán hơn 30 năm qua và chưa một lần đổi địa chỉ, du khách từ xa cứ theo chỉ dẫn của người dân mà tìm tới thưởng thức. Hiện tại, chị Dương Ngọc Diễn (34 tuổi) – con gái cô Năm Hải duy trì bếp và các công thức nấu nướng.
Khách đến đây ai cũng bị ấn tượng với chiếc lò đã ám muội tro, tỏa hơi nóng hổi. Đông khách, chủ quán phải đốt lửa từ 9 - 18h mỗi ngày.
Nhiều nơi cũng bán bánh canh cá, nhưng quán của cô Năm Hải vẫn đặc biệt hơn cả với sợi bánh canh tự làm từ gạo sóc – một loại gạo có xuất xứ từ Campuchia. Theo lời chị Diễn, gạo phải được ngâm từ tối hôm trước, sau đó khoảng 3h – 4h sáng, nhà chị sẽ bắt đầu làm sợi bánh canh và chỉ bán trong ngày. Mỗi ngày, hơn 50 kg bánh canh được làm ra mà vẫn bán hết sạch.
Sợi bánh canh được xếp riêng, khi có khách thì đem đi trụng. Cá lóc xào được xếp ở trên, rưới thêm nước dùng ngọt thanh và rắc chút hành phi thơm lừng là có ngay một tô bánh canh chất lượng. Nhiều người cũng thích gọi kèm giò heo để tăng khẩu vị.
Quán ăn chẳng cầu kỳ, chỉ gồm mấy bộ bàn ghế nhựa xếp trong khoảng sân rộng trước nhà, thế nhưng chính hương vị đậm đà hơn 30 năm chưa từng thay đổi đã níu chân thực khách. Quán bán rất đông, đặc biệt vào buổi sáng. Nếu có cơ hội đến An Giang, hãy thử ghé vào đây thưởng thức chút hương vị miền Tây ngọt ngào, dân dã.
Bình luận