Kỳ 3: Loài thú bí ẩn
Có một loài thú, dù nửa thực nửa hư, song rất nổi tiếng ở vùng Thất Sơn (Tịnh Biên, An Giang), đó là con dinh rắn.
Đạo sĩ Ba Lưới, người sống 80 năm trên núi Cấm, hiện đã 100 tuổi bảo rằng, Thất Sơn nổi tiếng vì có nhiều rắn độc. Từ loài bé bằng chiếc đũa, đến loài hổ mây đều có khả năng giết người.
Những loài rắn nổi tiếng độc ở Thất Sơn là loài chàm quạp, quạp voi, quạp dây, hổ sơn, hổ chuối, hổ đất, hổ hèo, mai gầm, hổ mây, hổ chúa. Những con rắn này cướp mạng cả voi, chứ chẳng nói gì người.
Xưa kia, các đạo sĩ vào rừng Thất Sơn tu luyện, thường mang theo một chiếc sừng của loài dinh rắn. Có chiếc sừng này trong người, cùng với một số bài thuốc bí truyền mà họ nắm giữ, thì mọi độc dược của rắn sẽ được hóa giải.
Ông Ba Lưới vào căn nhà nhỏ giữa rừng, nơi vách núi Long Hổ Hội, thắp hương trên bàn thờ, rồi mở hòm gỗ lấy cho tôi xem một chiếc sừng màu đen tuyền, cong cong rất lạ, như chiếc lưỡi câu. Núi Cấm
Chiếc sừng này chỉ nhỏ bằng ngón tay cái và dài chưa đầy gang tay. Ông chỉ cho tôi nhìn một lát, rồi lại cất đi ngay.
Với ông, đó là báu vật, là vật thiêng. Chiếc sừng cũng có linh hồn, như thực thể sống. Nó đã cứu mạng cả ngàn người trong suốt cuộc đời hành đạo, trượng nghĩa của đạo sĩ Ba Lưới.
Theo ông Ba Lưới, năm 19 tuổi, lên núi Thất Sơn tầm sư học đạo, ông đã hai lần bị rắn cắn suýt chết trong cùng năm nó. Nếu không học được bài thuốc trị rắn cắn, thì không thể tồn tại được trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, nên ông đã dày công tìm thầy học thuốc rồi mới học võ.
Ông Ba Lưới khẳng định dinh rắn là loài có thật ở Thất Sơn |
Lúc chuẩn bị lâm chung, đạo sĩ Bùi Văn Thân nắm tay đệ tử Ba Lưới dặn dò: “Ta truyền cho con vật quý của tổ tiên để lại. Con phải ra sức tu tâm dưỡng tánh để cứu người. Cầm bảo vật trong tay mà con không cứu được người là có tội với tiền nhân”.
Mặc dù đạo sĩ Ba Lưới hiểu biết rất rõ về các loài vật kỳ dị ở Thiên Cấm Sơn, song loài dinh rắn vẫn là bí ẩn với ông.
Ông bảo, chỉ có duy nhất một lần ông nhìn thấy loài vật kỳ dị, lạ lùng, tưởng như chỉ có trong thần thoại này. Nó là loài thuộc họ bò sát, nhưng ngắn hơn rắn, dài hơn con rít (con rít như mô tả ở kỳ trước, giống con rết, nhưng to bằng cái phích, dài gần 1m).
Đầu nó tù, chứ không dài như đầu trăn và bành như đầu rắn hổ mang. Nó không lớn lắm, chỉ nặng trên dưới 10kg. Trên mũi con vật lạ lùng này có một chiếc sừng cong ra phía sau.
Ông Ba Lưới cất giữ sừng dinh tại bàn thờ một cách trang trọng |
Món ăn của dinh rắn là các loài rắn độc. Các loài rắn độc gặp dinh rắn thì sợ hãi, thân cứng như khúc củi, không di chuyển được nữa, nó chỉ việc bò đến xơi tái.
Các đạo sĩ ở vùng Thất Sơn bắt được dinh rắn thì cắt lấy sừng, rồi thả nó ra. Chỉ một thời gian sau, chiếc sừng lại nhú lên, mọc lại như cũ.
Sừng dinh rắn không những có khả năng hút các loại nọc độc của rắn khi áp vào vết thương, mà mang sừng dinh rắn trong người, các loài rắn độc đều chạy mất.
Chuyện này cũng liêu trai, đồn thổi y như chiếc nanh hổ có khả năng khắc chế loài chó.
Chuyện về chiếc sừng dinh và loài dị thú có tên dinh rắn, có lẽ là chuyện bí ẩn nhất vùng Thất Sơn vốn lắm huyền bí.
Sừng con dinh? |
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đó là sừng hươu, sừng sơn dương, được người xưa hơ lửa uốn cong cho đẹp và không có tác dụng hút nọc độc của rắn.
Thế nhưng, có một sự thật, là người dân vùng Thất Sơn, khi bị rắn độc cắn, thường không đi bệnh viện, mà tìm đến các đạo sĩ, các thầy thuốc có chiếc sừng dinh để nhờ chữa trị.
Ngoài đạo sĩ Ba Lưới nổi danh thiên hạ với cách chữa rắn độc bằng sừng dinh, cây lá, truyền khí công, người dân vùng Thất Sơn đều biết đến ông Tư Tùng (tức Bùi Thanh Tùng) ở ấp Thới Thượng, (Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang).
Nhiều người cho rằng sừng dinh là sừng dê! |
Hễ ai trong vùng bị rắn độc cắn, họ khiêng người trúng độc đến nhà ông Tùng. Ông sẽ rạch một vết nhỏ chỗ rắn cắn cho máu chảy, rồi áp sừng dinh vào.
Sừng dinh như chiếc nam châm hút chặt vào vết thương. Khi rút hết nọc độc, chiếc sừng chuyển màu đen bóng rồi sẽ tự rời ra. Ngâm chiếc sừng trong rượu, nọc độc sẽ thôi ra đen sì.
Sau khi dùng sừng dinh rút độc, nạn nhân sẽ tỉnh táo, khỏe mạnh. Tiếp đó, ông Tùng sẽ điều trị bằng lá cây, để nạn nhân bình phục nhanh chóng.
Đấy là lời kể của ông Tùng, còn sự thực về tính năng hút độc của sừng dinh đến đâu chưa ai rõ. Cũng có thể nó có một chút tác dụng, còn để cứu mạng nạn nhân bị rắn độc cắn, cần đến các bài thuốc khác nữa.
Trong tác phẩm Cây huê xà (loài cây dây leo giống con rắn, mọc trên núi Cấm, dùng để chữa rắn độc), nhà văn Sơn Nam cũng nhắc đến sừng dinh: "Ăn bánh ngải rồi uống nước chanh. Xong xuôi, nằm xuống hút một điếu á phiện với cái dọc tẩu làm bằng sừng con dinh…".
Đường lên Cấm Sơn |
Câu chuyện của nhà văn Sơn Nam cũng cho thấy, sừng dinh chỉ là một vị trong bài thuốc chữa nọc độc của rắn mà thôi.
Không chỉ sừng dinh có công dụng hút nọc rắn từ cơ thể người, mà nhiều dược liệu khác cũng có tác dụng tương đương. Chẳng hạn như hạt đậu Lào cũng có khả năng hút độc rắn rất tốt.
Giới săn rắn thường thủ hạt đậu Lào trong người. Nếu bị rắn cắn, họ chích cho máu chảy, rồi áp hạt đậu Lào bổ miếng vào vết thương. Hạt đậu sẽ dính chặt vào cơ thể như nam châm. Khi hút hết độc, nó tự rơi ra. Thả hạt đậu đó vào chén rượu, nó sẽ thải độc ra. Hạt đậu đó lại dùng được cho những lần tiếp theo.
Dương Thụy Bình
Bình luận