Nhiều ý kiến cho rằng, việc hiến tạng và dùng lại những bộ phận mà người hiến mất đi, cũng là sự nhạy cảm, liệu người nhận tạng có cảm nhận được sự linh cảm nào đấy từ người hiến đã mất đi hay không? Hoặc nếu hiến giác mạc, liệu có còn nhìn thấy ở kiếp sau?...
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam cho biết, đây là băn khoăn của rất nhiều người, và một khi giải quyết được câu hỏi này sẽ làm cho người ta bớt sợ hãi, mạnh dạn làm nghĩa cử cao thượng, tái tạo sự sống cho cuộc đời.
Linh cảm - Nếu có chỉ là những linh cảm tốt lành
“Về triết học Phật giáo có 2 trường phái: Phật giáo nguyên thủy xuất phát từ Ấn Độ. Thái Lan, Campuchia, Lào... là những quốc gia chịu ảnh hưởng. Theo Phật giáo nguyên thủy và Kinh tạng Bali, qua học thuyết 12 mắt xích sự sống thường được gọi là 12 nhân duyên thì sau khi con người trút hơi thở và cái chết diễn ra, trong vòng tích tắc thôi, sự sống đó đã được tái tiếp nối ở trong bào thai của một người mẹ mới, nếu tổng thể hành vi đạt ở mức độ trung bình.
Ở mức độ tệ hại hơn, nếu hành vi đạo đức của người đó quá tệ hại, quá xấu, khuynh hướng thú tính quá nhiều mà không thay đổi, sự sống người đó sẽ tái sinh vào bào thai của một giống cái. Theo học thuyết này, tâm thức đó sẽ không còn cơ hội trở về để báo mộng, hay tạo nghiệp nối để người nhận mô, tạng cảm thấy về mình. Ngoại trừ người nhận cảm thấy biết ơn quá, xúc động quá, tạo những phản ứng tâm lý, gây mơ mộng. Chứ còn thực tế là không.
Theo Phật giáo Đại thừa, thì quá trình tái sinh nhanh nhất là trong vòng 1 tích tắc và muộn nhất là trong vòng 49 ngày. Tôi cho rằng, đây là trường phái phát triển về sau nhằm lý giải những tình trạng mà theo Phật giáo nguyên thủy cho rằng, người tái sinh và gia đình làm cha, làm mẹ có một mẫu số nghiệp tương thích với nhau, với một biên độ không nhiều lắm để sinh ra mang gene di truyền của gia đình đó, hưởng cái cộng nghiệp của gia đình, môi trường và cộng đồng của gia đình đó.
Vì vậy, cái 49 ngày đó là “phòng hờ” thêm thôi và bản chất 49 ngày này là giúp cho những người thân có cơ hội đến chùa rồi thông qua những tuần thất cúng được hướng dẫn về những triết lý Phật giáo... để sống tốt đẹp hơn.
Đó mới là mục đích chính, còn trong trường hợp người đó chưa có tái sinh, theo Phật giáo Đại thừa, thì tôi cho rằng cái linh cảm mà người tiếp nhận hiến mô, tạng này nhận được đó là bạn hãy vui vẻ đi, đừng lo lắng gì nữa, tôi rất cảm ơn bạn đã tiếp nhận các mô, tạng của tôi, nhờ đó, thi thể của tôi không trở nên vô ích sau khi chết, sự sống của tôi tái hiện trong sự sống của bạn, bạn hãy làm những điều đáng làm, có giá trị để việc tôi hiến tặng cho bạn mang lại niềm vui cho cả bạn lẫn tôi. Bạn hãy tiếp tục đi tới phía trước, ít nhất là 5 năm 10 năm 20 năm hoặc dài hơn nữa…”- Thượng tọa phân tích.
Do đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, linh cảm - theo Phật giáo Đại thừa là những linh cảm tốt đẹp, vì người hiến mô, tạng phát nguyện ngay từ lúc còn sống. Nhận thức đó đã làm cho họ có bản lĩnh, không còn sợ hãi sự chết, tiếc nuối sự sống. Khi họ đã làm việc đó rồi có nghĩa họ không hối hận đâu, tỉ lệ hối hận chỉ là 0%. Do đó, linh cảm, nếu có chỉ là những linh cảm tốt lành.
Vì vậy, người được nhận mô, tạng hiến hãy nên hoan hỉ, sống thêm một đoạn sống trong tương lai thật sự có ý nghĩa, để xứng đáng với cái quyền mà đã được người khác trao tặng cho sự sống.
Hiến giác mạc rồi, liệu có còn nhìn thấy ở kiếp sau?
Có một thực tế là các bác sĩ đã không biết giải thích thế nào khi vận động người dân hiến giác mạc thì nhận được câu trả lời rằng: “Nếu chết sang thế giới bên kia mà không có giác mạc thì sẽ không nhìn được gì, sẽ phải xuống địa ngục”. Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, đây là một quan điểm đáng tiếc, vừa phản tinh thần khoa học, vừa trái hẳn với triết học tái sinh mà đạo Phật đã chủ trương.
Dĩ nhiên, các tôn giáo khác quan niệm về sự sống khác với đạo Phật. Sự sống trong tôn giáo nhất thời được mô tả giống như một đường thẳng, được bắt đầu từ điểm của Thượng đế và kết thúc ở điểm dầy nhất là sự tận thế, hoặc ngắn nhất là ở thời điểm mà cái chết đang đứng trước họ như một sự thật.
Còn Phật giáo cho rằng, sự sống là một hình tròn, là quy luật tương quan, tương tác, tương duyên, tương thuộc theo công thức cái này có, dẫn tới điều kiện vô vi có, cái này hình thành dẫn tới điều kiện cái kia hình thành, cái này không có dẫn tới cái kia mất và ngược lại.
Vì vậy, theo học thuyết này, sau khi chết, con người tiếp tục có mặt ở trong bào thai của một người mẹ mới, mà thời gian trung bình là 10 tháng, sinh non là 8 tháng rưỡi, sinh muộn là khoảng 11 tháng rưỡi. Sự sống của mầm sống này là phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ, gene di truyền của cả người cha lẫn người mẹ, chứ không lệ thuộc vào thi thể, tình trạng hiến của người đó ở kiếp trước. Hai cái này hoàn toàn khác nhau.
Ở kiếp trước đó 10 tháng, khi hiến mô, ông là Nguyễn Văn A. Nhưng ở kiếp tái sinh, lại là cậu bé Nguyễn Văn C. Về phương diện sinh học thì hai cơ thể này hoàn toàn khác nhau. Tâm thức thì có sự tiếp nối nhưng về mặt thân thể thì không. Nhân quả có sự thay đổi theo hướng tích cực vì có sự hiến, cúng mô, tạng.
Thượng tọa nói: Giả sử khi người đó lùn, xấu, bé nhưng biết phát tâm hiến mô tạng mà nếu may mắn, toàn bộ các mô tạng đó được lắp ghép thành công trong 8 - 12 người, như vậy bản thân người đó đã tạo cơ hội cho 12 đơn vị sự sống, cho 12 con người. Đó là cái phước rất cao.
Tương tự, khi bạn hiến các giác mô để đem lại ánh sáng cho những người bị khiếm thị thì chắc chắn rằng về phương diện nhân quả, con mắt của bạn ở kiếp sau chắc chắn là phải khỏe, người đó sẽ có 2 con mắt trọn vẹn và đầy đủ để thấy những điều đáng thấy, thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống.
Do đó, Thượng tọa tha thiết kêu gọi tất cả mọi người quan tâm tới nghĩa cử hiến tạng sự sống này, ngoài việc nghĩ rằng mình đã để lại một giá trị lớn, chúng ta cần tháo mở những quan điểm về những nỗi sợ hãi (hoặc mê tín dị đoan), đó là sự thiếu hiểu biết về bản chất của sự sống.
Và đó là những rào cản do những người thân của mình do thương mình quá, mà lại không đồng thuận với mình gây trở ngại, thì hãy rũ bỏ hết đi. Hãy mạnh dạn đến các trung tâm y tế, mà ở đây là Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, một đơn vị uy tín nhất nước làm việc này.
Trả lời câu hỏi “Ở góc độ một người sám hối và muốn làm một việc có ích cuối cùng trước khi chết để chuộc lại lỗi lầm, Phật giáo có quan điểm như thế nào?”, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết: Khi người đó thức tỉnh rồi, mình đừng nên tiếp tục đánh giá người đó bằng quá khứ của chính họ vì thế là không công bằng. Bởi chủ trương cuộc sống được đánh giá là ở bây giờ, tại đây, quá khứ cần khép lại đi.
Do đó, việc tiếp nhận mô tạng của những người có quá khứ đen tối, bị luật pháp trừng trị, bằng các bằng chứng cụ thể có tuyên án, thi hành luật hay là họ chưa bị luật pháp sờ gáy thì không ảnh hưởng gì đến cái cá tính của cái người được lắp ghép sau khi thành công. Có chăng chỉ là tác động về mặt sức khỏe mà phần lớn là tác động tốt.
Tóm lại, không có một trở ngại gì về phương diện tâm linh đối với một người có quá khứ đen tối nhưng muốn hiến mô tạng, không ảnh hưởng gì về tâm tính, ngược lại còn có tác động tích cực, bởi người được hiến tặng có lòng biết ơn với người hiến tặng, sống quãng đời còn lại một cách có ý nghĩa và giá trị.
Bình luận