Nhưng đến hiện tại, giá đất khu vực này rơi vào tình trạng “đóng băng” khi những homestay đang chật vật tìm khách.
Trái với bức tranh sôi động của hơn một năm trước, bức tranh du lịch của Tà Xùa lại có phần ảm đạm khi lượng khách lấp đầy trong các homestay giảm mạnh.
Phạm Anh (một khách du lịch ở Hà Nội) vừa đến Tà Xùa đầu tháng 7 kể lại rằng: “Giá phòng cho thuê ở Tà Xùa chỉ bằng một nửa so với thời điểm hơn một năm trước tôi đi. Trước đó, để thuê được căn phòng đẹp, có tầm view ra núi non, ngắm mây trôi, giá trung bình từ 1 triệu-1,5 triệu đồng. Nhưng hiện tại, giá phòng chỉ khoảng 400.000 -500.000 đồng/phòng. Lượng khách du lịch cũng vắng hẳn”.
Chị Phạm Anh cho biết, sau khi tìm hiểu từ một số chủ homestay, hiện tại, Tà Xùa đang rơi vào tình trạng bị thanh tra các công trình trên đất rừng. Đây là lý do mà nhiều homestay không được phép hoạt động, nằm trong diện thanh kiểm tra.
“Có những homestay đón khách chui, bị phát hiện, bên chính quyền còn tháo dỡ một số công trình trên đất. Thế nên mới có tình trạng, một số homestay khá “hoang tàn” do ảnh hưởng bởi hoạt động thanh tra”, chị Phạm Anh nói.
Chỉ vài năm trước, Tà Xùa từng là điểm nóng của thị trường địa ốc, khi giá đất tăng chóng mặt. Khách du lịch nườm nượp đổ về để trải nghiệm, tận hưởng không khí trong lành và "săn mây".
Ở thời điểm 2018-2019, giá đất ở Tà Xùa chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, một số lô đất nằm ở trục đường chính tại trung tâm có giá đắt đỏ hơn lên tới tiền triệu/m2. Nhưng kể từ nửa cuối năm 2019 đến năm 2022, giá đất Tà Xùa tăng mạnh.
Đơn cử, một lô đất mặt đường tại khu trung tâm gần sân mây có chiều ngang khoảng 10m được rao bán với giá khoảng hơn 10 tỷ đồng, tương đương với hơn 1 tỷ đồng mỗi mét ngang mặt đường (đất Tà Xùa thường được rao bán theo mét ngang và kéo dài vào trong). Hay lô đất cách đó vài chục mét, nằm trên trục đường chính, được rao bán với giá khoảng 6 tỷ đồng. Đất Tà Xùa từng được ví đắt ngang đất trung tâm Hà Nội”.
Chị T.T (một nhà đầu tư đất tại Tà Xùa) tiết lộ, đa phần người mua đất Tà Xùa làm ăn kinh doanh, mở homestay hoặc mua đi bán lại chủ yếu là người Hà Nội. Từ năm 2019, làn sóng bỏ phố về rừng làm homestay bùng nổ mới khiến giá đất khu vực này tăng gấp 2, gấp 3, thậm chí nhiều chỗ tăng đến 10 lần do vị trí đẹp.
Đến hiện tại, giá đất Tà Xùa bắt đầu chững lại. Một số chủ đất bắt đầu rao bán cắt lỗ do tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân đến từ hoạt động thanh tra việc vi phạm xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ.
“Trước đây, homestay mọc lên như nấm. Chủ yếu, nhà đầu tư mua đất rừng phòng hộ để xây homestay. Nhiều chủ đấy còn khai hoang thêm, san lấp đất để mở rộng homestay. Nhưng hiện tại, những công trình vi phạm đang bị thanh tra thậm chí tháo gỡ. Một số homestay phải cho thuê chui. Đây là lý do lớn khiến giá đất của Tà Xùa bị giảm. Tuy nhiên, người mua cũng rất cẩn trọng vì hiện tại, dù giá đất Tà Xùa đã giảm, có thể ép giá nhưng nhiều lô đất vẫn thuộc đất rừng phòng hộ. Bỏ tiền tỷ ra mua đất rừng phòng hộ cũng rất rủi ro nếu như xây homestay kinh doanh”, chị T.T nói thêm.
Để kích cầu du lịch, phát triển kinh tế, năm 2018, huyện Bắc Yên đã lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái Tà Xùa, với tổng diện tích trên 17ha. Sau thời gian phát triển, homestay tại Tà Xùa mọc lên như nấm.
Theo báo cáo số 290/BC-UBND ngày 28/4/2022 của UBND huyện Bắc Yên về kết quả kiểm tra, xác minh việc sử dụng đất của các cơ sở homestay trên địa bàn xã Tà Xùa: Qua kiểm tra phát hiện 7 điểm có hành vi xâm lấn đất lâm nghiệp, các vị trí vi phạm là đất quy hoạch lâm nghiệp nhưng không có rừng. Trong đó, 5 hộ đã dựng nhà trên vị trí vi phạm, 2 hộ chưa xây dựng. UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản và ban hành Quyết định đình chỉ đối với các hộ gia đình nhưng một số hộ vẫn lén lút xây dựng.
Đáng e ngại, có hiện tượng chặt phá rừng, xảy ra tại khu vực đỉnh gió thuộc địa phận rừng cộng đồng của bản Chung Trinh, xã Tà Xùa (thuộc tiểu khu 394, khoảnh 11, lô 9) đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái DT2 với diện tích 85m2. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Tà Xùa phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã rà soát, kiểm tra được 6 hộ gia đình, cá nhân và xử lý 2 trường hợp vi phạm.
Liên quan đến tình trạng này, Sở TN&MT đã có công văn đề nghị UBND các huyện kiểm tra, xác minh, thực hiện thống kê, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất với các khu đất hiện đang sử dụng để xây dựng các homestay; làm rõ các nội dung về: Sự phù hợp với quy hoạch của các khu đất (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung…); nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất với thửa đất; thời điểm tạo lập tài sản gắn liền với đất; công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ với khu đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; việc cấp giấy phép với hoạt động kinh doanh lưu trú, cấp phép xây dựng với các homestay; việc phát hiện và ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với hoạt động xây dựng công trình trên đất trái phép…
Bình luận