• Zalo

'Quả bóng' trị giá 3.500 tỷ đồng và những con ruốc tắm mình trong 'máu'

Kinh tếThứ Sáu, 25/03/2016 07:00:00 +07:00Google News

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang đùn đẩy trách nhiệm về 3.500 tỷ đồng "móc túi" người dân, ruốc nhuộm phẩm đỏ như máu ở gành Đỏ, Phú Yên.

(VTC News) - Trong khi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương còn đang đùn đẩy trách nhiệm về 3.500 tỷ đồng "móc túi" người dân thì dư luận còn thêm rúng động vì những con ruốc nhuộm phẩm đỏ như máu.

Bộ Công Thương bất ngờ "phản pháo" Bộ Tài chính


Mới đây, khi ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế  được phóng viên hỏi đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới từ MFN (thuế suất bình đẳng theo nguyên tắc Tối huệ quốc) sang bình quân gia quyền làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu, ông Thi đã phát biểu rằng: “Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định".

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã phản ứng ngay lại câu phát biểu này của ông Thi bằng một công văn gửi thẳng đến Bộ Tài chính, trong đó có nêu rõ: ông Phạm Đình Thi "chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu".
Như một cách để nhấn mạnh, các điều khoản trích trong Nghị định 83 trích dẫn trong công văn đều được tô đậm một cách bất thường, như để cho rằng, chính Bộ Tài chính mới phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu mới, làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành xăng dầu.

Cụ thể, "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu" và "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở (với các mặt hàng xăng dầu)".

Còn về phía Bộ Công Thương, Bộ này chỉ nhận trách nhiệm là "chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu". Do đó Bộ Công Thương cho rằng mình "đã tuân thủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83.

Cuối cùng, trong công văn có ghi: "Đề nghị đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (ông Phạm Đình Thi) tích cực, phối hợp trao đổi thông tin với Tổ Điều hành giá xăng dầu"...để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ đã quy định tại Nghị định 83/NĐ-CP và thông tin cho báo chí hiểu đúng mối quan hệ chủ trì, phối hợp trong xây dựng chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh, việc cơ quan này có công văn gửi Bộ Tài chính không phải là “phản ứng gay gắt mà với tinh thần làm rõ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp hiệu quả hơn trong điều hành”.

2 Bộ đùn đẩy "quả bóng" 3.500 tỷ đồng

Trong khi cả hai Bộ còn đang "đá qua đá lại" quả bóng trách nhiệm trong việc chậm trễ đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới thì người tiêu dùng đã mất "oan" hàng trăm tỷ mỗi tháng trong gần một năm qua mà chưa biết làm thế nào để đòi lại được công bằng.

Đây cũng câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi các đoàn thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại tổ ngày 24/3, khi mà 3.500 tỷ đồng là số tiền quá lớn đã chảy từ túi của người dân vào túi của doanh nghiệp xăng dầu.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga, Chính phủ cần có giải trình về vấn đề này, bởi dù 2 bộ Tài chính và Công Thương đã đưa ra giải pháp xử lý song vẫn cần tiếp tục điều chỉnh.

“Phải xác định hành lang pháp lý sao cho các chủ thể Nhà nước – người dân – doanh nghiệp được đảm bảo hài hòa lợi ích. Bởi có những thời điểm, cả 3 chủ thể này đều kêu”, bà Nga dẫn chứng.

Bình luận về trách nhiệm của các bên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông Bùi Đức Thụ cho rằng, trong trường hợp này doanh nghiệp không có lỗi mà trước tiên thuộc về 2 bộ quản lý là Công Thương và Tài chính.

“Trách nhiệm thuộc về người ban hành. Ai ban hành người đó chịu trách nhiệm. Còn trong trường hợp từng bộ đùn đẩy thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm”, ông bày tỏ.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm này, rằng trong bối cảnh các bộ vẫn chưa thống nhất được vấn đề phân chia trách nhiệm thì Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách lĩnh vực này cần triệu tập các cơ quan này, tìm ra câu trả lời cho công luận.

Khi các bộ còn đang tranh cãi thì phải có Chính phủ, có Thủ tướng đứng ra phân xử. Không nên để nhân dân phải chờ đợi.

Những con ruốc tắm mình trong 'máu'

Ngày 23/3, trên mạng xã hội Facebook của tài khoản có tên My Lê chia sẻ một số hình ảnh ngư dân ở gành Đỏ (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đang nhuộm màu cho các giỏ ruốc (con tép biển hay còn gọi là con moi, là loài động vật giáp xác sống ở vùng nước lợ hay nước mặn ven biển) ngay trên bãi biển.

Sau khi những bức ảnh gây bão trên mạng xã hội, một số PV đã đi tìm hiểu thực hư về việc làm này của bà con ngư dân gành Đỏ. Và theo lời của những người dân địa phương này, thì việc ruốc nhuộm phẩm màu là việc có thật và đã tồn tại trong hàng nhiều năm nay.
Hình ảnh ruốc 'tắm máu' ở Phú Yên được chia sẻ từ Facebook My Lê
Một người dân ở đây cho biết, tùy theo công ty yêu cầu mà dân dùng phẩm màu đỏ pha với nước biển rồi đổ vào những giỏ ruốc. Sau khi được tẩm loại phẩm màu đỏ này, đem phơi khô ruốc có màu rất đẹp, bán được với giá cao.

Loại phẩm màu để nhuộm ruốc này có giá chỉ 17.000 đồng/lạng. Quy trình nhuộm cũng rất dễ, chỉ cần hòa phẩm màu vào thùng nước biển rồi nhúng ruốc vào, sau đó phơi khô, ruốc lên màu đỏ rất đẹp.

Theo như lời của người dân nơi đây, loại phẩm màu này ăn từ xưa tới giờ hoàn toàn... không độc hại gì, ai cũng ăn nhưng không thấy có bệnh tật.

Trong khi đó một chủ quán bán ruốc và nước mắm trên QL1A, ở khu vực gành Đỏ cho biết: “Làm gì có ruốc màu đỏ vậy. Đó là phẩm màu dùng sơn nhà, họ mua tại các cửa hàng vật liệu xây dựng. Ăn độc lắm, mua nó về ngâm nước là ra màu đỏ ngay”.

Cũng theo một số chuyên gia thực phẩm đánh giá, loại thuốc nhuộm ruốc này nhiều khả năng là chất cực độc Rhodamine B.

Rhodamine B là một loại chất nhuộm màu đỏ, thường được dùng trong công nghiệp trang trí, in trên tranh vẽ, trên bảng quảng cáo, pha vào sơn để lên màu đẹp, nhuộm màu quần áo...

Chất này bị cấm do tính chất vô cùng độc hại, có chứa chất này có khả năng gây ung thư rất cao, đặc biệt khi được sử dụng làm chất tạo màu cho thực phẩm.

Điều này đã khiến cho dư luận thực sự phẫn nộ trước cách "tạo màu" cho ruốc của bà con ngư dân của Phú Yên, rằng đó là một sự gian dối và nhẫn tâm đầu độc những người tiêu dùng.

Trong khi đó, tình trạng thực phẩm bẩn đang hoành hành ở khắp mọi nơi với nguy cơ tử vong do ung thư qua đường ăn uống đã và đang tăng lên ở mức báo động.

Vùng núi sinh hoạt đắt đỏ hơn cả Thủ đô

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và quý I/2016. Theo đó, CPI tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng trước. CPI bình quân quý I/2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2015.

Mức tăng này là nhờ do hai nhóm giáo dục và y tế tăng mạnh, và dự báo hai nhóm hàng này sẽ tiếp tục làm tăng chỉ số CPI của các tháng cuối năm, và có thể đẩy chỉ số CPI vượt mức 5%.

Một thông tin đáng chú hơn trong báo cáo lần này của Tổng cục Thống kê, đó là năm 2015, danh hiệu nơi có mức giá "đắt đỏ" nhất cả nước lại thuộc về Lai Châu, ở mức 100,3% so với thành phố Hà Nội
Theo Tổng cục Thống kê, Lai Châu là tỉnh miền núi đi lại khó khăn, sản xuất tại chỗ không nhiều. Hàng hoá đều vận chuyển từ các tỉnh, chi phí vận tải quá cao, chi phí dự trữ hàng hoá kho bãi cũng tăng kéo theo giá thành tăng cao.

Còn vị trí thứ hai về mức giá cả đắt đỏ nhất chính là Hà Nội, bên cạnh đó các tỉnh vùng núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai cũng có mức giá chung khá cao.

Do đó mà năm 2015, vùng Trung du và miền núi phía Bắc từ vị trí thứ hai đã chuyển lên soán ngôi "đắt đỏ" nhất cả nước, những tỉnh vùng núi "càng lên cao" vốn đã khó khăn thì mức giá sinh hoạt lại càng thêm "sang", vượt cả những đô thị sầm uất nhất ở dưới đồng bằng.


Tiệp Tiệp (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn