• Zalo

Quả bom khổng lồ trên núi Chúa: Ly kỳ chuyện xử lý ‘mẹ của các loại bom’

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 16/04/2017 07:30:00 +07:00Google News

Nếu cho gây nổ thì về lý thuyết, sức chấn động và sóng xung kích của nó sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ các công trình xây dựng của thành phố Pleiku cách đó 30km.

Kỳ 2: Tìm phương án xử lý

Như đã nói ở kỳ trước, tháng 9/2004, lãnh đạo Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) giao cho Trung tá Lê Thơm, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và Trung tá Đỗ Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Cụm I đi nghiên cứu quả bom khổng lồ trên đỉnh núi Chúa thuộc xã Ia Hrung thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, rồi lập phương án xử lý, báo cáo Bộ Tư lệnh Công binh và lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Các anh đã phải thuê người địa phương dẫn đường và phải mất một ngày trời luồn rừng, leo dốc mới đến được nơi quả bom nằm.

Trung tá Lê Thơm kể lại: Khi thấy quả bom, chúng tôi đều sững sờ và có cảm giác ớn lạnh... bởi mặc dù đã từng tham gia phá hàng chục loại bom, trong đó có những quả bom loại 3.000 bảng Anh, nhưng quả bom này khổng lồ quá và chúng tôi cũng mới chỉ biết nó qua tài liệu.

Các anh tiến hành đo đạc, nghiên cứu tỉ mỉ quả bom. Đây rõ ràng là loại bom phá bởi trên thân của nó còn 3 vạch vàng (ký hiệu của nhà sản xuất Mỹ cho loại bom phá). Trông bên ngoài, nó cơ bản giống với bom phát quang BLU-82B loại 15.000 bảng mà quân đội Mỹ sản xuất năm 1970 và đã sử dụng ở Việt Nam.

Hinh anh Qua bom khong lo tren nui Chua: Ly ky chuyen xu ly ‘me cua cac loai bom’

"Bom mẹ" do Mỹ sản xuất đã từng ném xuống Gia Lai. (Ảnh: Internet)

Vỏ quả bom trên núi Chúa này sơn màu xanh thẫm, đường kính 1,17m, chiều dài thân bom là 3,1m. Quả bom được lắp hai ngòi nổ. Trên đầu là ngòi nổ chạm, còn dưới đuôi là ngòi nổ quán tính. Quả bom không có đuôi nhưng có các đai để mắc dù. Như vậy, nếu so sánh với loại bom phá 22.000 bảng mà Mỹ và một số nước đã sản xuất xưa kia thì quả bom này ngắn hơn 70cm và đường kính nhỏ hơn 2cm.

Muốn tháo gỡ quả bom thì phải nghiên cứu hiểu được chính xác cơ chế hoạt động của kíp nổ, nếu không sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Sau khi nghiên cứu kỹ quả bom và trở về Hà Nội, các anh bắt tay vào tìm hiểu "lý lịch" của quả bom này.

Để xác định chủng loại bom, Trung tâm đã tra cứu về... 50.000 loại bom mìn đã sản xuất và sử dụng từ gần 100 năm nay; tra cứu trong Hồ sơ dữ liệu bom mìn mà Không quân Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; gặp gỡ nhiều tướng lĩnh, sĩ quan đã có mặt trên chiến trường Tây Nguyên để hỏi về quả bom... Nhưng tất cả đều không có thông tin. Quả bom nằm trên núi Chúa không có trong danh sách các loại bom Mỹ, Anh, Pháp sản xuất mà Trung tâm đã thu thập được.

Tiếp tục mở rộng nghiên cứu, Trung tâm được biết: Trong lịch sử chiến tranh, loại bom khổng lồ này được sản xuất từ những năm 40 của thế kỷ trước và do quân đội Anh, Mỹ hợp tác thiết kế nhằm phá hủy các công trình ngầm của phát xít Đức. Đầu tiên chỉ là những quả bom có khối lượng 10.000 bảng Anh, có khả năng xuyên bêtông dày từ 4,8 đến 7 mét. Chấn động và sóng xung kích do bom nổ gây ra có thể phá hoại các công trình kiến trúc kiên cố nhất thời bấy giờ. Do vậy, loại bom này có tên là “Bom động đất”.

Quân Anh - Mỹ đã sử dụng bom này đánh sập bến tàu ngầm nhiều khoang “Valentin” của Đức ở gần Bremen; phá các cây cầu lớn, phá đập nước và đỉnh cao là dùng “Bom động đất” đánh đắm chiến hạm Turpitz của phát xít Đức năm 1944.

Hinh anh Qua bom khong lo tren nui Chua: Ly ky chuyen xu ly ‘me cua cac loai bom’

Bảo tàng trưng bày các loại bom Mỹ ném xuống Việt Nam. (Ảnh: Internet) 

Mỹ và Anh sản xuất hai loại chủ yếu là bom 12.000 và 22.000 bảng Anh như M123; Gran Slam 22.000LB; AMAZON SAP 22.000LB... Các loại bom này có hình dáng giống hệt nhau và vỏ bom được đúc bằng khuôn đất pha cát sử dụng lõi bêtông.

Loại bom 22.000 bảng dài 6,4m (kể cả đuôi bom), đường kính 1,12m, trong đó nhồi 2,36 tấn thuốc nổ Torpex D1 hoặc Tritonal. Bom 22.000 bảng có chiều dài cả đuôi là 7,75m, thân bom dài 3,81m, đường kính 1,17m, vỏ bom dày 19,7cm và nhồi 4,36 tấn thuốc nổ.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, quân Anh - Mỹ đã sử dụng 41 quả. Cả hai loại bom trên được lắp mũi thép đặc và có ba ngòi nổ, được máy bay B36 thả từ độ cao 6.000m, lao xuống với vận tốc khoảng 1.100m/giây và khi nổ, tạo ra một hố sâu tới 240m, đường kính khoảng 300m, quy ra diện tích mặt hố là 7 hécta.

Năm 1942, Mỹ nghiên cứu chế tạo bom 42.000 bảng và đã chế được 7 quả hoàn chỉnh cùng 50 vỏ bom. Năm 1947, quân đội Anh có nghiên cứu sản xuất loại bom 25.000 bảng, ký hiệu SAP T82E4... Tuy nhiên, khi có bom nguyên tử ra đời thì chương trình chế tạo các loại bom lớn này của Anh và Mỹ bị hủy bỏ.

Theo các tài liệu nước ngoài, số “bom động đất” còn thừa sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã được cải tiến dùng trong chiến tranh Triều Tiên. Trong chiến tranh Việt Nam, số bom thừa này cũng được cải tiến để dọn mặt bằng các khu vực đáp trực thăng trong rừng rậm, trước khi có loại bom phát quang BLU-82B.

Như vậy, đối chiếu với các tài liệu thì quả bom trên núi Chúa có nhiều điểm giống với bom 22.000 bảng của Mỹ, tuy chiều dài bom có ngắn hơn, vỏ bom có mỏng hơn chút ít. Cả việc thay đổi độ dày vỏ bom và lắp ngòi nổ ở đầu bom có thể do mục đích thay đổi từ bom xuyên sang bom phá. Do không cần tốc độ rơi cao và cần hãm chậm để rơi đúng mục tiêu nên bom đã được bỏ đuôi và thêm dù.

Theo nhận định của các sĩ quan BOMICEN thì quả bom trên có thể do Mỹ chế tạo để đáp ứng kịp thời yêu cầu trong chiến tranh Việt Nam tại một thời điểm nhất định nhằm sát thương trên diện rộng, đồng thời phá hủy các công sự chiến đấu của quân ta.

Do đòi hỏi cấp thiết về thời gian nên có khả năng Mỹ sử dụng lại thiết kế của bom 22.000 bảng và có thay đổi chút ít. Mặt khác, vì bom được đúc đơn lẻ nên đường kính có những sai lệch nhất định so với thiết kế ban đầu.

Sau chuyến sang thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, việc hợp tác rà phá bom mìn giữa Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam và Mỹ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam toàn bộ dữ liệu về các cuộc ném bom của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam và bản đồ kỹ thuật số thể hiện các cuộc ném bom đó. Bộ bản đồ kỹ thuật số này đã giúp cho BOMICEN thuận lợi hơn trong công tác tra cứu bom, tên lửa và khả năng bom còn sót lại ở các địa phương.

Hinh anh Qua bom khong lo tren nui Chua: Ly ky chuyen xu ly ‘me cua cac loai bom’ 3

 "Mẹ của bom" mới được Mỹ ném xuống Afghanistan

Tại BOMICEN, các sĩ quan kỹ thuật trình bày cho chúng tôi xem cách tra cứu bom. Chỉ cần đưa con trỏ vào tên một địa phương nào đó (kể cả đơn vị hành chính cấp phường) thì lập tức màn hình vi tính hiện ra bản đồ và trên đó đánh dấu những vị trí nếu có bom đã thả xuống. Và tiếp theo là số liệu như ngày, giờ ném bom, tọa độ bom, chủng loại bom và... giá tiền quả bom.

Cũng phải nói thêm về nguyên lý gây nổ của quả bom để bạn đọc hiểu: Với hầu hết các loại bom phá (trừ bom từ trường hoặc bom nổ chậm, bom có ngòi gây nổ điện tử thế hệ mới) thì chỉ có một cách gây nổ là dùng ngòi nổ chạm và ngòi nổ quán tính.

Ngòi nổ chạm là ngòi nổ lắp ở đầu quả bom, khi chạm đất tạo lực mạnh khiến cho kim hỏa gõ vào hạt nổ, làm nổ khối thuốc dẫn (thường là loại thuốc nổ cực mạnh) và gây cho cả khối thuốc trong thân bom nổ. Ngòi quán tính là ngòi lắp ở đuôi bom. Nguyên lý hoạt động của ngòi này là khi bị chạm đột ngột thì kim hỏa lao lên gõ vào hạt nổ...

Bảo vệ kim hỏa bao giờ cũng có chốt bảo hiểm. Khi quả bom lao xuống với vận tốc lớn và quay theo chiều kim đồng hồ thì bộ phận bảo hiểm mở ra và đẩy kim hỏa vào vị trí sẵn sàng.

Vì thế, hầu hết các loại bom, kể cả bom bi quả dứa, quả ổi, đầu đạn súng phóng lựu M79 khi rơi xuống dù không nổ thì chốt bảo hiểm cũng đã mở. Điều đó lý giải rằng, tại sao đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn chỉ vì người không hiểu biết đã làm xê dịch sai hướng một quả bom hoặc có một lực tác động đột ngột. Bom bi quả ổi chẳng hạn, nó nằm im lìm trên mặt đất hàng chục năm không sao, nhưng có khi chỉ một nhát cuốc bập phải, hoặc trẻ con nhặt lên và đánh rơi xuống là nổ.

Trở lại quả bom khổng lồ trên núi Chúa, các sĩ quan của BOMICEN tin chắc rằng chốt bảo hiểm kim hỏa đã mở, nhưng khi bom rơi xuống (giảm tốc bằng dù) có thể vì thân bom đập xuống đất nên kim hỏa không lao vào hạt nổ, nhưng như vậy cũng có nghĩa là kim hỏa đang nằm trong trạng thái sẵn sàng, cho nên muốn tháo an toàn thì không được tác động vào ngòi nổ theo trục thẳng.

Sau khi nghiên cứu kỹ, Trung tá Lê Văn Thơm, Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Trung tá Đỗ Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Cụm 1 thấy vẫn có nhiều khả năng tháo được bom.

Lý thuyết thì là như vậy, nhưng thực tế nhiều khi lại khác xa.

Phá bom thường có hai cách: Thứ nhất là ốp vào quả bom vài kilôgam bộc phá và cho nổ. Cách thứ hai là... tháo ngòi nổ.

Với phương pháp thứ nhất thì bộ đội ta đã quá quen thuộc trong những năm tháng chiến tranh. Phá kiểu này thì an toàn cho người và chỉ mất công lấp hố bom. Nhưng nay là thời bình, việc gây nổ một quả bom nặng hàng tạ, thậm chí hàng tấn thì lại vô cùng nan giải. Trong khi đó, chúng ta chưa có bãi hủy bom theo đúng tiêu chuẩn an toàn.

Vả lại, việc vận chuyển một quả bom mà khi kim hỏa đã vào vị trí sẵn sàng thì nguy hiểm bội phần. Rồi có khi quả bom đang nằm giữa một vùng dân cư sầm uất, có khi lại nằm gần một công trình kinh tế quan trọng, nếu phá nổ, hậu quả thật khôn lường.

Với quả bom trên núi Chúa, nếu cho gây nổ thì về lý thuyết, sức chấn động và sóng xung kích của nó sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ các công trình xây dựng của thành phố Pleiku (mặc dù cách xa quả bom tới... 30km), còn nhà cửa của dân cách đó dăm mười cây số chắc chắn sẽ hỏng nặng nề và mảnh bom văng xa khoảng 12km có trời mà biết sẽ rơi vào đầu ai?

Chính vì vậy, trong phương án xử lý quả bom trên núi Chúa, các sĩ quan BOMICEN không bàn tới cách gây nổ.

Phương pháp thứ hai là tháo ngòi nổ rồi rút thuốc ra. Cách làm này nếu thành công thì quá tốt về mọi mặt, nhưng rủi ro nó nổ thì người tháo chắc chắn sẽ hy sinh.

Còn một phương pháp hiện đại sử dụng công nghệ mới mà hiện nay đang được quân đội một số nước áp dụng là dùng tia nước áp lực cực mạnh khoét một lỗ trên thân bom rồi dùng hơi nước nóng thổi vào để thuốc nổ chảy ra, sau đó mới xử lý ngòi nổ. Loại dùng để cắt vỏ bom này là tia nước bình thường nhưng được trộn thêm mạt kim cương để tăng sức cắt. Thiết bị này chúng ta cũng đã có và đã xử lý thành công một vài trường hợp khi không tháo được ngòi nổ quả bom.

Ngày 12/12, tại Ninh Bình, BOMICEN cũng đã dùng cách này để xử lý một quả bom 3.000 bảng. Đây là phương pháp rất an toàn nhưng lại chỉ sử dụng được với loại bom có vỏ mỏng. Còn như quả bom trên núi Chúa, vỏ dày đến cả gang tay thì không cắt được. Mặt khác, cũng không thể đưa các trang bị kỹ thuật vượt các dốc cao tới vị trí bom, để sử dụng được.

Sau khi nghiên cứu kỹ về quả bom, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuốc nổ, trong đó đặc biệt quan trọng là ý kiến của Đại tá Ngô Thế Huề, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự và là chuyên gia rất có kinh nghiệm trong xử lý bom mìn, Ban giám đốc BOMICEN quyết định trình phương án xử lý quả bom bằng cách tháo ngòi nổ lên Tư lệnh Binh chủng Công binh và lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh những lý do như đã nêu khiến cho BOMICEN quyết tâm chọn phương án tháo ngòi nổ còn có một lý do nhỏ khác, đó là anh em muốn đưa vỏ quả bom còn nguyên vẹn về trưng bày ở Bảo tàng Binh chủng Công binh. Nhưng sau này, cấp trên đã yêu cầu đưa về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Video: Khoảnh khắc Mỹ thả "bom mẹ"

Còn tiếp...

Nguyễn Như Phong
Bình luận
vtcnews.vn