• Zalo

PVtex thua lỗ ngàn tỷ: Ông lớn dệt may Vinatex sớm thoát khỏi 'vũng lầy'

Kinh tếThứ Hai, 07/11/2016 07:34:00 +07:00Google News

Nếu chưa thoát khỏi PVtex, đơn vị được rót vốn 7.000 tỷ nhưng thua lỗ tới 3.000 tỷ, ông lớn dệt may Vinatex đã lỗ thảm.

Trong mấy ngày qua, Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) trở thành cái tên được nhắc đến nhiều. PVtex “nổi tiếng” bất đắc dĩ vì sở hữu nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ – đơn vị được rót vốn 7.000 tỷ đồng nhưng khiến PVtex thua lỗ tới 3.000 tỷ đồng.

Chưa hết, PVtex lại gây xôn xao khi Tổng giám đốc Vũ Đình Duy vắng mặt nhiều ngày qua mà không được sự chấp thuận từ lãnh đạo. Trước đó, ông Duy đã có đơn xin đi nước ngoài chữa bệnh.

Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cũng xin đi nước ngoài chữa bệnh. Điều đáng nói, ông Trịnh Xuân Thanh cũng góp phần khiến PVC thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng.

Thoát lỗ nhờ rời PVtex

PVtex được dư luận quan tâm vì là “đứa con” chung của Tập đoàn Đầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Trong khi PVN vẫn phải nặng gánh với PVtex và chịu âm vốn không nhỏ từ công ty này thì Vinatex – đơn vị có liên quan nhiều hơn tới ngành sơ xợi đã kịp rút chân khỏi “vũng lầy” này.

vinatex 1

Nếu chưa thoát khỏi PVTEX, ông lớn dệt may Vinatex đã lỗ thảm 

Nếu chưa kịp rút chân ra khỏi PVtex thì Vinatex đã thua lỗ thảm. Các số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 của Vinatex cho thấy khoản đầu tư tại PVtex có thể xòa nhòa lợi nhuận tích lũy của Vinatex trong suốt thời gian qua.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 vừa được công bố, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Vinatex đạt 152 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng, tương ứng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 455 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Vinatex tăng mạnh không hẳn từ hoạt động kinh doanh chính mà từ “hoạt động khác”. Hoạt động kinh doanh của Vinatex thậm chí còn đi lùi vì doanh thu chỉ tăng nhẹ trong khi chi phí tăng mạnh hơn, đặc biệt là chi phí lãi vay.

Điều đó khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 3/2016 của Vinatex chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 111 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 415 tỷ đồng. Nhưng “hoạt động khác” đã bù đắp cho sự sụt giảm này.

Cụ thể, thu nhập khác trong quý 3 đạt tới 121 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 11 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Vinatex không giải trình thu nhập khác là khoản nào.

Tại thời điểm cuối quý 3, lợi nhuận chưa phân phối tới cuối kỳ trước của Vinatex là 238 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu chưa thoái vốn khỏi PVtex, với việc nắm giữ tỷ lệ cổ phần 14% như thời điểm mới thành lập PVtex, Vinatex sẽ phải gánh khoản lỗ 420 tỷ đồng. Khoản lỗ này đủ sức “ăn mòn” lợi nhuận lũy kế của Vinatex.

Gánh nặng nợ nần

Giống như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, tại Vinatex cũng có 2 vấn đề về quản lý dòng tiền. Đó là nợ vay lớn trong khi Tập đoàn lại dư dả tiền để gửi ngân hàng.

Tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ vay của Vinatex là 8.396 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu của Tập đoàn chỉ là 5.000 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến Tập đoàn phải chịu gánh nặng lãi vay. 9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của Vinatex là 315 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế là 455 tỷ đồng, không nhiều hơn quá nhiều so với tiền lãi phải trả.

Đi vay nhiều nhưng Vinatex khá dư dả tiền. Cuối quý 3, Vinatex có 2.197 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, tiền mặt chỉ là 28 tỷ đồng. Còn lại hơn 1.700 tỷ đồng còn lại được Tập đoàn gửi ngân hàng.

Số tiền này được gửi ngắn hạn để nhận lãi suất thấp nên dù gửi số tiền tiết kiệm khủng nhưng lãi tiền gửi và cho vay tại Vinatex trong 9 tháng đầu năm chỉ là hơn 95 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số khoản đầu tư của Vinatex cũng tỏ ra kém hiệu quả khi khiến Tập đoàn thua lỗ hàng chục tỷ đồng.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn