Video: PSG trả 222 triệu chiêu mộ Neymar bằng cách nào?
Tháng 10/2016, tờ Goal có giật một mẩu tin ngắn gọn như sau: Paris Saint - Germain bày tỏ nguyện vọng chiêu mộ Neymar với mức giá khoảng 210 triệu euro.
Ít ngày sau, Neymar ký vào bản hợp đồng gia hạn với Barcelona đến năm 2021 với điều khoản giải phóng 222 triệu euro. Tin đồn chiêu mộ Neymar của PSG hoặc chìm vào quên lãng, hoặc chỉ xuất hiện trong những câu chuyện... mua vui.
9 tháng sau, PSG, Neymar và Barca đã chứng minh: Trong thời buổi bóng đá hiện đại, không có gì là không thể. Bộ ba nói trên thổi tung cơn bão giá chưa từng có, đủ khiến thị trường chuyển nhượng sụp đổ trong những tuần cuối cùng.
Neymar có mức phí chuyển nhượng 0 euro
Ngay sau khi đại diện luật pháp của Neymar có mặt tại trụ sở của Barcelona, đặt lên bàn tấm séc với trị giá 222 triệu euro và được chấp thuận, thương vụ Neymar chính thức bước sang chương cuối. Tiền đạo người Brazil phá vỡ mọi ràng buộc với Barca, trở thành cầu thủ tự do, có thể tùy ý ký hợp đồng cho PSG hay... kể cả Hoàng Anh Gia Lai.
Tất nhiên, Neymar không thể tự có số tiền 222 triệu euro. Đó là khoản tiền PSG chi ra cho Neymar để cầu thủ này rời Barca trên danh nghĩa tự bỏ tiền phá vỡ hợp đồng, thay vì PSG bỏ tiền để phá vỡ hợp đồng cho Neymar.
Do vậy, PSG mất 222 triệu euro để có được sự phục vụ Neymar, nhưng trên danh chính ngôn thuận, Neymar đã là cầu thủ tự do và sẽ gia nhập PSG dưới dạng chuyển nhượng tự do.
Trang Squawka đã gọi Neymar là cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Không sai. Giá trị thực sự của Neymar là 222 triệu euro, vượt qua khoản tiền xấp xỉ 100 triệu euro mà Manchester United phải trả cho Juventus để mang về Paul Pogba.
Dẫu vậy, con số chính thức của thương vụ Neymar sang PSG vẫn là 0 euro, bởi PSG không trực tiếp trả tiền cho Barca (mà trả tiền gián tiếp để Neymar "đoạn tuyệt" với Barca).
Tại sao PSG phải trả tiền thông qua Neymar?
Đó là cách để đội bóng nước Pháp thoát khỏi sự theo dõi tài chính từ UEFA. PSG từng phải nộp phạt 60 triệu euro vì vi phạm luật công bằng tài chính. Hoạt động thương mại, kinh doanh cầu thủ của PSG không thể sung túc đến mức bỏ ra hơn 200 triệu euro để mang về Neymar. Con số này vô lý với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Real Madrid hay Barca, chứ đừng nói đến PSG.
Do đó, thay vì trả tiền trực tiếp và bị điều tra như đe dọa của Josep Bartomeu (chủ tịch Barca) và Javier Tebas (chủ tịch La Liga), PSG đã "lách luật", đi đường vòng để biến Neymar trở thành cầu thủ miễn phí trên danh nghĩa. Chi tiền cho Neymar để chân sút 25 tuổi tự phá vỡ hợp đồng, PSG sẽ chiêu mộ Neymar với giá 0 euro.
Tính cả chi phí phát sinh, PSG sẽ tốn chưa đến 100 triệu euro và "an toàn" trước sự theo dõi của UEFA.
Tại sao vụ Neymar lại tạo ra tiền lệ xấu?
Trước Neymar, chuyện đội bóng bỏ tiền kích hoạt điều khoản giải phóng hợp đồng cho cầu thủ (hoặc chuyển tiền để cầu thủ tự giải phóng hợp đồng) không hiếm. Tuy nhiên, khi điều khoản giải phóng hợp đồng lên đến hơn 200 triệu euro mà PSG vẫn "lách luật" để phá được, thì liệu đội bóng nào trên thế giới có thể chắc chắn về khả năng giữ chân cầu thủ của mình?
Southampton từng nổi đóa khi Liverpool "đi đêm" với trung vệ Virgil van Dijk, hay Barca bị tố kích động Hector Bellerin và Marco Verratti "làm loạn" tại Arsenal và PSG, để dễ dàng chiêu mộ hai cầu thủ này (tất nhiên là chưa hoặc không thành công).
Các đội bóng ngày càng có xu hướng chiêu mộ cầu thủ mà không thông qua đội bóng chủ quản, dẫn đến trường hợp "hút máu", "cá lớn nuốt cá bé" khiến bóng đá thế giới ngày càng chênh lệch.
Sau vụ chuyển nhượng Neymar, các đội bóng càng có thêm động lực để tác động tâm lý cầu thủ (thuyết phục, hứa hẹn), sau đó chuyển tiền để cầu thủ đơn phương phá vỡ hợp đồng với đội bóng chủ quản. Như vậy, không cần có sự đồng ý của đội bóng, cầu thủ vẫn đường đường chính chính ra đi.
Sau vụ Neymar, giá chuyển nhượng cầu thủ còn đi về đâu?
Năm 2009, Cristiano Ronaldo gia nhập Real Madrid từ Manchester United với mức giá 80 triệu bảng (cao nhất thế giới). Sau 8 năm, kỷ lục chuyển nhượng đã bị phá đến 3 lần, và đến giờ là cao gần gấp 3 so với mức giá Real bỏ ra cho Ronaldo.
Bão giá chuyển nhượng không còn là câu chuyện mới mẻ. Manchester City bỏ ra 30 triệu bảng cho thủ thành với cái tên còn khá lạ lẫm với người hâm mộ: Ederson, chi 50 triệu bảng để mang về Benjamin Mendy - cầu thủ mới dừng ở dạng tiềm năng. Manchester United tốn 75 triệu bảng cho Romelu Lukaku - chân sút là con số 0 ở Champions League. Cầu thủ thường thường bậc trung như Giffy Sirdgusson còn có giá 50 triệu bảng (mà Swansea còn chưa chấp nhận).
Thì sau vụ Neymar, giá chuyển nhượng còn tăng gỡ nào?
Thiếu Neymar, Barca sẽ "ôm" cục tiền và tìm cách tìm phương án thay thế. Đội bóng xứ Catalunya nhắm Coutinho, và mức giá cho tiền vệ người Brazil không thể thấp hơn 100 triệu euro. Real chiêu mộ Kylian Mbappe, và mức giá cho tài năng trẻ người Pháp cũng phải rơi ở mức 160 triệu euro. Real có bao giờ chịu thua kém Barca?
Cứ như thế, thị trường chuyển nhượng chứng kiến màn "độn giá" chưa từng thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Bình luận