• Zalo

Politico: Phương Tây ‘âm thầm thay đổi’ chiến lược Ukraine

Thời sự quốc tếThứ Năm, 28/12/2023 11:17:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Mỹ và EU được cho là đã từ bỏ mục tiêu "chiến thắng toàn diện" của Ukraine trước Nga để chuyển sang một giải pháp thương lượng có liên quan đến nhượng bộ lãnh thổ.

Politico hôm 27/12 dẫn lời một số người trong cuộc giấu tên, cho biết về mặt công khai, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều khẳng định không có thay đổi chính thức nào về chính sách với Ukraine. Nhưng các quan chức Mỹ và châu Âu hiện đang thảo luận về việc quân đội Ukraine cần chuyển từ chiến lược phản công đã thất bại sang thế phòng thủ. 

Bài báo cũng nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden từng hứa sẽ hỗ trợ Ukraine “miễn là cần thiết”, nhưng giờ đây thay đổi thành “miễn là chúng tôi có thể”. Với nguồn viện trợ bổ sung bị kẹt ở Quốc hội, Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy việc "hồi sinh nhanh chóng" ngành công nghiệp quân sự của Ukraine.

Người phát ngôn giấu tên của Nhà Trắng nói với Politico rằng các cuộc đàm phán luôn là mục tiêu cuối cùng của Mỹ ở Ukraine và tất cả viện trợ cho Kiev đều nhằm mục đích trao cho nước này “vị thế mạnh nhất có thể khi điều đó xảy ra”.

Theo Politico, ông Biden muốn có lệnh ngừng bắn ở cả Ukraine và Trung Đông, vì việc ông tán thành cuộc tấn công của Israel ở Gaza đang “khiến ông phải trả giá bằng tỷ lệ ủng hộ” và ông muốn “tránh những tin tức xấu trong năm bầu cử”.

Tuy nhiên, một quan chức quốc hội được mô tả là quen thuộc với suy nghĩ của chính quyền cho biết Nhà Trắng “không thể lùi bước một cách công khai vì rủi ro chính trị” đối với ông Biden.

Tuần trước, tờ New York Times đưa tin Moskva có thể sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn đóng băng tiền tuyến hiện tại. Điện Kremlin bác bỏ câu chuyện là "sai sự thật" trong khi Kiev tố cáo tờ báo Mỹ được cho là đang làm việc cho Nga.

Theo Politico, điều mà Nhà Trắng lo ngại hiện nay là Nga có thể không sẵn sàng đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11/2024, trong khi lực lượng của nước này có thể tấn công vào mùa xuân.

Theo thông báo của Nhà Trắng, ngày 22/12, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng trị giá gần 887 tỷ USD cho năm tài khóa 2024.Đạo luật này dài gần 3.100 trang là khoản ngân sách quốc phòng có giá trị lớn nhất lịch sử Mỹ, tăng khoảng 3% so với năm ngoái.

Đáng chú ý, Đạo luật này bao gồm điều khoản cấm Tổng thống Mỹ đơn phương rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc một Đạo luật của Quốc hội. 

Phương Anh (Nguồn: RT, Politico )
Bình luận
vtcnews.vn