• Zalo

Phút sinh tử của người cắm cờ trên đảo Gạc Ma

Thời sựThứ Năm, 14/03/2013 05:26:00 +07:00Google News

(VTC News)– Bất ngờ gặp cựu binh Lê Hữu Thảo giữa Đà Nẵng vào sáng 13/3, anh đã kể những phút giây nghẹt thở của cuộc chiến bảo vệ Trường Sa.

(VTC News) – Bất ngờ gặp cựu binh Lê Hữu Thảo giữa Đà Nẵng vào sáng 13/3, anh đã kể những phút giây nghẹt thở của cuộc Hải chiến Trường Sa 14/3/1988.

Lê HữuThảo (quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).Tháng 12.1986, anh lên đường nhập ngũ. Hết thời gian huấn luyện tân binh, anh được biên chế vào Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân, sau đó về Tiểu đoàn 3, tiểu đoàn chiến đấu thuộc Lữ đoàn 147. Đầu năm 1988, đơn vị anh nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.

Sau khi vào Cam Ranh, đơn vị anh được được bổ sung vào một đại đội mới được thành lập để đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại Trường Sa. Trần Văn Phương chính là đại đội phó của anh, còn anh được cử làm tiểu đội trưởng.

Anh Thảo kể, rạng sáng 14/3/1988, chúng tôi dậy từ rất sớm. Tôi được anh Phương (Trần Văn Phương) và anh Phong - đại đội trưởng - giao nhiệm vụ xuống bãi đá ngầm để chỉ huy việc cắm cờ. Tôi cùng anh Phương, anh Phong, cậu Tư, cậu Chúc lên xuồng công binh đi vào đảo Gạc Ma.

Sáng 13/3, tại Đà Nẵng, một cuộc gặp gỡ bất ngờ với cựu binh Lê Hữu Thảo, nhân chứng sống trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 

Mấy anh em lội vào đảo, cắm một cây cọc cao chừng 3 m để làm thân buộc cán cờ vào đó. Thủy triều bắt đầu lên, trên tàu, anh em công binh chuẩn bị bốc vật liệu để chở vào đảo xây nhà giàn phục vụ việc đóng quân, khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Lúc đó, cậu Lanh ở đơn vị công binh E83 đang ở trên tàu cũng nhảy xuống bơi vào chỗ mấy anh em đang chuẩn bị cọc cắm cờ. Cùng lúc đó, có 3 chiếc tàu chiến Trung Quốc xuất hiện. Chúng nhanh chóng hạ xuồng, cho quân đổ bộ vào đảo, gần 50 tên lính Trung Quốc chĩa súng đứng thành hình vòng cung bao vây chúng tôi. Khoảng cách giữa chúng tôi và lính Trung Quốc rất gần nhau, chỉ khoảng chừng 1m.

Sau khi đổ bộ, chúng còn cho xuồng máy chạy vòng quanh tàu HQ 604, chĩa súng đại liên lên tàu khiêu khích. Lúc đó, chúng tôi và anh em trên tàu hết sức bình tĩnh, thậm chí còn móc gói thuốc lá Mai chia nhau hút, động viên nhau tiếp tục làm công việc của mình.
 
Mặc cho phía Trung Quốc liên tục khiêu khích, có thái độ trấn áp, các anh em công binh vẫn tiếp tục bốc vật liệu xuống xuồng và chở vào đảo, trên xuồng lúc đó có hơn 10 người. Khi xuồng công binh vào đến bãi cạn, lá cờ Tổ quốc được anh em chuyền tay nhau đưa vào cọc để cắm.

Khi quốc kỳ Việt Nam từ anh Phong trao đến tay anh Phương bắt đầu tung bay thì tên chỉ huy rút súng bắn chỉ thiên, ra lệnh cho quân lính nổ súng. Lúc đó, anh Phương đang cầm lá cờ Tổ quốc nên bị chúng bắn đầu tiên. Anh Phong, anh Phương và nhiều chiến sĩ công binh hy sinh ngay tại chỗ.

Súng AK, súng máy hạng nặng, pháo từ 3 tàu chiến Trung Quốc bắn xối xả vào bộ đội ta trên đảo và tàu HQ 604. Cả tàu HQ 505 tại đảo Cô Lin, tàu HQ 605 tại đảo Len Đao cũng bị pháo kích nặng nề.

Tôi và cậu Tư bị ba tên lính Trung Quốc đứng rất gần chĩa súng vào ngực định bắt sống. Khi một tên vừa nắm lấy Tư thì tôi xông vào cứu, một tên khác dùng lưỡi lê đâm thẳng nhưng tôi may mắn tránh được. Tôi không cứu được Tư và phải lặn sâu xuống nước để tránh được đạn.

Mỗi khi tôi ngoi lên lấy hơi là chúng lại xả súng bắn. Không hiểu sao tôi lại may mắn không bị thương khi khoảng cách giữa tôi và bọn chúng rất gần, súng chúng bắn xối xả mà không trúng. Khi tôi lặn ra phía xa ngoi lên thì thấy lửa đạn bao trùm tàu HQ 604 và chỉ trong chốc lát tàu chìm hẳn.

Sau khi tàu của ta chìm, quân Trung Quốc nhanh chóng rút lên tàu của chúng. Một số ít lính của chúng rút ra xa phía góc đảo và không bắn nữa. Tôi bơi trở lại thì thấy chiếc xuồng công binh bị bắn thủng, hư hỏng nặng. Có khoảng 6 đồng đội sống sót đang bám vào mạn xuồng. Tôi bảo mọi người nhanh chóng tản ra, nếu như quân Trung Quốc tiếp tục pháo kích thì còn đỡ thương vong. Bản thân tôi tiếp tục bơi đi tìm những đồng đội bị thương, bị hy sinh.
Tôi và Chúc cứu được cậu Lanh bị thương nặng và vớt được xác của anh Phương đưa lên xuồng. Tôi tiếp tục bơi lại nơi tàu chìm và tìm thấy anh Hải bị thương nặng (anh Hải hiện nay đang là Phó tham mưu trưởng BCH quân sự tỉnh Thanh Hóa).

Lúc này, thủy triều đã lên cao, nước chảy mạnh, chúng tôi đã rất mệt nên không thể bơi được nữa. Đến quá trưa, nước đã lên quá đầu, chúng tôi bảo nhau xé áo nút những chỗ thủng lại, dùng tay tát nước ra ngoài. Lúc đó, trên xuồng có thương binh và thi thể anh Phương nên một số anh em phải bám vào hai bên mạn xuồng, dùng tay chèo về phía tàu HQ 505.

Bơi được khoảng một tiếng thì chúng tôi tìm được cậu Hưng, quê ở Hải Phòng, là máy trưởng tàu HQ 604 đang bơi trên biển. Cũng lúc đó, tàu HQ 505 phát hiện thấy chúng tôi và cho xuồng máy ra đón về, đến khoảng 4 giờ chiều thì chúng tôi lên được tàu HQ 505.

Tối hôm đó, chúng tôi đưa thi thể anh Phương về đảo Sinh Tồn lớn. Cả đêm hôm đó, tôi và Chúc thức trắng đêm để túc trực bên cạnh xác anh Phương. Sáng hôm sau, đơn vị trên đảo đã tổ chức an táng anh Phương theo nghi thức quân đội.


Nói về cuộc giao lưu cựu chiến binh hôm
14/3/2013 tại Đà Nẵng, Lê Hữu Thảo cho hay, nghe tin Đà Nẵng sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ, tri ân đối với các cựu binh, gia đình liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, đêm qua, tôi đã bắt xe đò từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng với hy vọng sẽ được gặp lại đồng đội xưa”, anh Thảo cho biết.

 

Chúng ta yêu chuộng hòa bình, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực. Chính quân Trung Quốc đã lợi dụng điều này để bất ngờ xả súng vào bộ đội của ta

Cựu binh Lê Hữu Thảo
 
“Xúc động lắm, ý nghĩa lắm! Vì đây là lần đầu tiên, chúng tôi, những người lính trong trận Gạc Ma năm xưa được gặp gỡ nhau, được tri ân trong một chương trình trang trọng như thế này. Tôi mừng không chỉ vì điều đó mà còn mừng vì mình có cơ hội được gặp lại được các đồng đội năm xưa.

 Được thắp nén hương trên bàn thờ các đồng đội ở Đà Nẵng. Thời gian qua, tôi cố tìm từ sau cái ngày ấy, nhưng vì nhiều lý do, cuộc sống mưu sinh khiến tôi có rất ít thông tin về các đồng đội.
Tâm nguyện thứ nhất của tôi là làm được mộ cho anh Trần Văn Phương đã hoàn thành. Nay việc gặp lại anh em đồng đội còn sống rất quan trọng.

Giờ ai còn ai mất, bệnh tật ra sao, cuộc sống anh em thế nào… luôn thôi thúc tôi suốt thời gian qua. Ngày mai, mong ước đó đã phần nào được thỏa mãn. 
Một tâm nguyện cuối cùng của tôi là được một lần trở lại Gạc Ma. Hay chí ít được nhìn thấy Gạc Ma một lần nữa, nơi các đồng đội tôi đã nằm xuống và thắp cho các đồng đội đã hy sinh một nén nhang trên biển.

Mỗi lần đọc được ở đâu một dòng tin, dù rất nhỏ về Gạc Ma, hay nghe đâu đó 2 từ “Gạc Ma” là lòng tôi thắt lại, nước mắt cứ muốn dâng trào.
Trong thời gian qua, trận Gạc Ma năm 1988 không được nhắc nhiều, nhưng tôi không nghĩ là mọi người đã quên chúng tôi mà vì nhiều lý do khác nó chưa được nhắc đến đầy đủ. Bây giờ thì tôi mừng, rất mừng, vì mọi người đã nhớ đến Gạc Ma và nhớ đến chúng tôi”, anh Thảo xúc động nói.

Sau bao năm bôn ba, tìm về đồng đội cùng các mạ của anh em đơn vị, người cựu chiến binh Lê Hữu Thảo đúc kết: “Nếu nói đây không phải là một trận chiến cũng không sai. Chính xác đây là một sự kiện, sự kiện quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ nổ súng sát hại bộ đội ta.

Chúng ta yêu chuộng hòa bình, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực. Chính quân Trung Quốc đã lợi dụng điều này để bất ngờ xả súng vào bộ đội của ta”.

Trong cuộc hội ngộ bất ngờ, cựu binh Lê Văn Thảo đã chia sẻ với chúng tôi vật bất ly thân trong suốt hơn 25 năm qua của anhđó là cuốn lý lịch quân nhân, dấu tích cả một chặng đường phục vụ tổ quốc của người cựu binh dũng cảm.


Anh hùng Gạc Ma - Trường Sa

Sự anh dũng hy sinh và chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma - Trường Sa luôn được những thế hệ sau nhắc đến.

Một năm sau trận hải chiến ngày 14.3.1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho:

Anh hùng Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, TP.Hải Phòng. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ505, lữ đoàn 125 hải quân).

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân)

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi hy sinh anh là thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân.)

Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh là đại úy, thuyền trưởng tàu HQ604 thuộc lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân)

Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông (sinh năm 1944, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khi hy sinh anh là trung tá, Phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 thuộc Quân chủng Hải quân, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

Ngoài ra, tàu HQ-505, với nhiệm vụ vận chuyển vật liệu cho bộ đội xây dựng công trình ở quần đảo Trường Sa, khi ấy đã mở hết tốc độ lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Khi thấy tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma bị địch bắn cháy và chìm, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505 đã dùng xuồng cao su cơ động dưới làn hoả lực của địch đến cứu được 44 thương binh đưa về nơi an toàn. Tàu HQ-505 cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Trích tài liệu của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương)




Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn