Hành trình của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á không kết thúc trọn vẹn, nhưng đã mang lại cho thầy trò HLV Gong Oh-kyun cả hai khía cạnh quan trọng là kết quả và trải nghiệm.
U23 Việt Nam có những trận đấu đầy cảm hứng trước U23 Hàn Quốc và U23 Thái Lan. Ngay cả khi thất bại trước U23 Ả Rập Xê Út, Phan Tuấn Tài cùng đồng đội cũng có thêm những trải nghiệm quý giá. Trên bước đường trưởng thành, U23 Việt Nam phải chấp nhận những đau đớn và va vấp như thế.
Khoảnh khắc của đẳng cấp
Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Ả Rập Xê Út được chia thành hai nửa diễn biến đối lập.
40 phút đầu tiên, các học trò của HLV Gong Oh-kyun chơi tốt. Chỉ cầm bóng 35%, nhưng U23 Việt Nam vẫn làm chủ diễn biến, công ra công, thủ ra thủ, triển khai lối chơi mạch lạc và rõ ràng. So với U23 Ả Rập Xê Út, đội bóng của HLV Gong có số cơ hội ngang bằng, thậm chí nhỉnh hơn ở mức độ nguy hiểm khi Lê Minh Bình dứt điểm dội xà ngang.
U23 Việt Nam chọn cách tiếp cận cân bằng khi củng cố tuyến giữa với 5 tiền vệ, chú trọng phòng ngự, nhưng sẵn sàng chuyển đội hình sang 4-3-3 để bao vây cầu môn U23 Ả Rập Xê Út khi cần. "U23 Việt Nam có chiến thuật hay và lối chơi phù hợp", HLV Saad Al-Shehri nhấn mạnh.
HLV Gong Oh-kyun đã làm tốt nhất trong khả năng, khi cùng học trò rèn những miếng đánh rõ ràng và sắc sảo. Tình huống chuyền ngược của Khuất Văn Khang cho Minh Bình sút xa, hay đường nhả bóng thuận lợi cũng của cầu thủ CLB Viettel cho Nhâm Mạnh Dũng đá nối cho thấy U23 Việt Nam không ngại chơi theo cách của mình.
Video: Bàn thua của U23 Việt Nam
Tâm thế ấy được HLV Gong củng cố cho học trò sau hơn nửa tháng làm việc, cũng là phẩm chất giá trị nhất U23 Việt Nam thể hiện ở giải này.
Tuy nhiên, tình huống thủng lưới ở phút 41 đã tóm tắt điều còn thiếu trong lối chơi của thầy trò Gong Oh-kyun. Khi tiền đạo U23 Ả Rập Xê Út ngã trong vòng cấm, toàn đội U23 Việt Nam khựng lại. Bùi Hoàng Việt Anh cùng đồng đội lưỡng lự giữa việc dừng lại để chờ đội ngũ y tế vào sân, hay tiếp tục cuốn theo diễn biến trận đấu.
Dù vậy, tiền vệ Moteb Al-Harbi không phân vân như thế. Cầu thủ của U23 Ả Rập Xê Út đi bóng quyết đoán trước sự truy cản tương đối lỏng chân của cầu thủ U23 Việt Nam, bứt tốc vượt qua Việt Anh rồi dứt điểm tung lưới Quan Văn Chuẩn.
Trái với sự lưỡng lự có phần non nớt của U23 Việt Nam, U23 Ả Rập Xê Út tận dụng từng diễn biến trên sân để tạo lợi thế cho mình. Đó là hơn thua về đẳng cấp chỉ trong một tích tắc, nhưng lại mất nhiều thời gian để tích lũy và đắp bồi.
Các học trò của HLV Saad Al-Shehri đã chơi 759 trận ở giải vô địch Ả Rập Xê Út, trung bình mỗi cầu thủ chơi 33 trận. Năm tháng tích lũy ở giải chuyên nghiệp giúp U23 Ả Rập Xê Út có sự tinh quái trong lối chơi, thể hiện trong những khoảnh khắc như bàn thắng của Al-Harbi.
Ngược lại, 19/23 cầu thủ U23 Việt Nam chưa từng, hoặc đã ra sân nhưng không có suất đá chính ở các đội V-League. HLV Gong Oh-kyun chỉ có thể truyền đạt chiến thuật cho học trò, còn kinh nghiệm và sự tỉnh táo đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài, chủ yếu trong màu áo CLB hơn là đội tuyển quốc gia.
Bài học quý giá
Sau bàn thua ở hiệp 1, U23 Việt Nam mất quyền kiểm soát thế trận, rồi thủng lưới thêm 1 bàn trong hiệp 2. Đó là sự khốc liệt của sân chơi châu Á, khi một khoảnh khắc có thể khiến kế hoạch chuẩn bị trước đó "đổ bể". Tuy nhiên, được trải nghiệm sự khắc nghiệt này khi còn trẻ là vận may với các cầu thủ U23 Việt Nam.
3 năm qua, dịch COVID-19 khiến cơ hội ra sân của lứa cầu thủ này trong màu áo CLB vốn đã hẹp, nay bị giảm đến mức tối đa. Nhiều cái tên như Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Phan Tuấn Tài thậm chí chưa từng có tên trên bản đồ V-League.
Cơ hội được thi đấu, được thất bại và tự đúc rút bài học không phải lúc nào cũng đến với cầu thủ trẻ. HLV Gong Oh-kyun có lý khi nói quá trình phát triển của cầu thủ quan trọng hơn thành tích ở giải trẻ.
Nếu các cầu thủ U23 Việt Nam muốn nhìn vào tấm gương, Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình sẽ là những ví dụ điển hình.
2 năm trước, Việt Anh dự giải U23 châu Á với tư cách tân binh. Trung vệ sinh năm 1999 được HLV Park Hang Seo sắp xếp ở vị trí chạy cánh và khó nói Việt Anh chơi tròn vai. Sau thời gian chơi cho CLB Hà Tĩnh và Hà Nội ở V-League, Việt Anh hoàn thiện và trở thành đội trưởng U23 Việt Nam.
Thanh Bình cũng trưởng thành từ khó khăn. Sau sai lầm ở trận tuyển Việt Nam thua Trung Quốc (lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022), Thanh Bình được điều chuyển sang đội U23. Trung vệ của Viettel sau đó trở lại mạnh mẽ.
6 tháng sau sai lầm trước Trung Quốc, Thanh Bình bật cao đánh đầu tung lưới Nhật Bản, giúp Việt Nam có trận hòa lịch sử.
U23 Việt Nam cần những trận đấu như trước U23 Ả Rập Xê Út để thêm cứng cáp và bản lĩnh hơn. Tất nhiên, lĩnh hội thất bại ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào năng lực của từng cầu thủ. Dù vậy, bóng đá Việt Nam đang có tiềm năng lớn để xây dựng lứa cầu thủ tiềm năng, hướng tới tham vọng lâu dài mang tên World Cup 2026.
Bình luận