Phương Tây tính toán sẽ đi xa đến đâu trong hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột sẽ rất khó khăn cho Ukraine. Các nhà phân tích quân sự đánh giá, quân đội Ukraine phải chiến đấu với quân đội Nga đã có nhiều thời gian chuẩn bị và nguồn lực áp đảo.
Những báo cáo gần đây về việc Ukraine thiếu đạn dược nghiêm trọng để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga là minh chứng cho thấy những thách thức mà Kiev phải đối mặt nếu định tiến hành cuộc phản công ở phía Nam cũng như nhu cầu tăng cao về đạn dược.
Trong những tháng qua, đã có nhiều suy đoán về các lằn ranh đỏ của Nga cũng như hành động nào của Ukraine và phương Tây thì sẽ bị coi là vượt qua các lằn ranh đó.
Ngày 3/4, chính phủ Ba Lan xác nhận đã chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, chỉ 11 ngày sau khi lô tiêm kích MiG-29 đầu tiên của Slovakia đến tay Kiev.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine và cảnh báo chúng sẽ bị phá hủy, song ông không đưa ra đe dọa leo thang căng thẳng.
Tương tự, đợt vận chuyển xe tăng Leopard của Đức và Challenger của Anh tới Ukraine vào cuối tháng 3 cũng đối mặt với phản ứng không quá gay gắt từ điện Kremlin.
Theo nhà quan sát Steven Pifer, học giả tại Viện Nghiên cứu Brookings, những rằn ranh đỏ của Nga, vốn chưa bao giờ được tuyên bố rõ ràng, dường như ít nghiêm trọng hơn so với những lo ngại của phương Tây. Đó là lý do sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và đồng minh cho Ukraine vẫn mở rộng mà không vượt qua giới hạn chấp nhận của Nga thời gian qua.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt cách đây 13 tháng, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã vạch ra 2 mục tiêu chính trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine: đầu tiên là hỗ trợ Ukraine giành ưu thế và đánh bại Nga về mặt quân sự và thứ hai là tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. Để cân bằng hai mục tiêu này, chính quyền Tổng thống Biden luôn phải tính toán các bước đi một cách thận trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định sự ủng hộ của Washington cho Ukraine trong một bài phát biểu ngày 21/2 ở Warsaw, 1 ngày sau khi ông có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev. Mức độ hỗ trợ của Mỹ và phương Tây cho Ukraine đã tăng dần qua thời gian.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng làm rõ mục tiêu thứ hai trong một bài phát biểu khác ngày 11/3 rằng: "Chúng tôi không chiến đấu với Nga ở Ukraine. Đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ dẫn đến Thế chiến III, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn cản".
Washington và NATO phải tính toán họ sẽ đi xa đến đâu trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine mà không vượt qua lằn ranh đỏ có thể dẫn đến đối đầu Nga - NATO. Một nhân tố khiến cho tính toán trên trở nên phức tạp, đó là điện Kremlin không đặt ra hành động cụ thể mà họ coi là không thể chấp nhận được. Trong những tuần đầu xung đột, những quy tắc ngầm dường như đã được định hình giữa phương Tây và Nga liên quan đến sự hỗ trợ cho Ukraine.
Những lằn ranh đỏ của Nga
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 2/2023, chuyên gia chính sách an ninh và đối ngoại Nga Alexei Arbatov đã đưa ra nhận định về các lằn ranh đỏ của Nga. Theo ông, lằn ranh đỏ đầu tiên là “các nước NATO không trực tiếp tham gia vào xung đột dù họ cung cấp vũ khí và Nga không tấn công vào các nước NATO".
Tổng thống Biden, Tổng thư ký Jens Stoltenberg và các nhà lãnh đạo NATO đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không đưa các lực lượng của Mỹ và NATO tới chiến đấu ở Ukraine. Điều đó giải thích tại sao ý tưởng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine vấp phải sự phản đối cách đây 1 năm bởi điều này sẽ yêu cầu các phi công NATO chuẩn bị bắn hạ chiến đấu cơ của Nga và tấn công các địa điểm phóng tên lửa đất đối không của Moscow, có thể là bên trong lãnh thổ của Nga.
Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy lập trường của phương Tây về vấn đề này đã thay đổi. Trên thực tế, Ukraine chưa yêu cầu phương Tây hỗ trợ binh lính mà chỉ đề nghị hỗ trợ vũ khí.
Ông Arbatov nhận định, lằn ranh đỏ thứ hai là "các nước NATO không cung cấp tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga". Hồi tháng 2/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết: "Chúng tôi luôn nhấn mạnh với các đối tác phương Tây rằng chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí của họ để tấn công vào lãnh thổ Nga".
Kiev muốn nhận được Hệ thống Tên lửa Lục quân Chiến thuật (ATACMS) có tầm bắn 300km để tấn công vào các mục tiêu của Nga tại bất kỳ nơi nào Moscow kiểm soát ở Ukraine.
Quân đội Ukraine đã nhận được hệ thống pháo phản lực HIMARS từ tháng 6 năm ngoái nhưng chúng đã được điều chỉnh để không thể sử dụng các tên lửa có tầm bắn xa hơn.
Những lằn ranh đỏ mà ông Arbatov nêu ra dường như cũng nhất quán với phản ứng của điện Kremlin tính đến thời điểm hiện tại.
Một số nhà quan sát thậm chí cho rằng Nga không có lằn ranh đỏ và đó là những lằn ranh phương Tây tự đặt ra.
Theo ông Steven Pifer Mỹ và đồng minh có thể cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine mà không vượt qua những lằn ranh đỏ trên, chẳng hạn như xe tăng và phương tiện chiến đấu bộ binh cho cuộc phản công sắp diễn ra của Kiev nhằm đẩy lùi quân đội Nga khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát; tên lửa ATACMS chỉ giới hạn tấn công các mục tiêu ở Ukraine và thậm chí cả chiến đấu cơ.
Gần đây, Đại sứ Nga tại Berlin Sergey Nechaev không loại trừ khả năng Đức sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, bất chấp việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần tuyên bố nước này không có kế hoạch như vậy.
"Tầm bắn của vũ khí Đức cung cấp cho Ukraine liên tục mở rộng. Từ các đợt vận chuyển mũ bảo hiểm, Berlin đã tiến tới cung cấp cho chính quyền Kiev các hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, bao gồm cả xe tăng chiến đấu hạng nặng, lựu pháo, nhiều hệ thống tên lửa và các hệ thống phòng không", ông Nechaev cho hay.
Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng: “Chính phủ Đức từ lâu đã vượt qua tất cả lằn ranh đỏ có thể trong nỗ lực gây ra sự thất bại chiến lược cho Nga”.
Trước đó, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda thậm chí hối thúc các nước phương Tây từ bỏ tất cả hạn chế về hỗ trợ quân sự và nhanh chóng cung cấp cho Kiev các vũ khí mà nước này cần trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin nhận định, phương Tây đã vượt qua tất cả lằn ranh đỏ và thậm chí "đỏ đậm" bằng cách cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, việc cung cấp máy bay chiến đấu của NATO cho Ukraine và bảo trì chúng trên lãnh thổ của các nước trong liên minh này sẽ là sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột với Nga.
Bình luận