• Zalo

Phương Tây bất ngờ khi Su-25 Belarus bị nghi mang vũ khí hạt nhân

Quân sựThứ Sáu, 21/06/2024 11:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Belarus hiện là đồng minh quan trọng hàng đầu của Nga và hai quốc gia đang có những cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật thời gian qua.

Theo The War Zone, một chiếc máy bay Su-25 Frogfoot của Belarus bất ngờ xuất hiện với trang bị lạ được gắn dưới cánh, thứ mà quân đội Nga gọi là “vũ khí hạt nhân dùng cho huấn luyện”.

Sự xuất hiện của chiếc máy bay trùng với giai đoạn mới nhất của cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật chung giữa Nga và Belarus. Không rõ chiếc Su-25 thực sự mang theo những gì, nhưng đây là tín hiệu hạt nhân mới nhất từ ​​Nga nhằm đến phương Tây, khi các đồng minh NATO tiếp tục ủng hộ Ukraine.

Hình ảnh cắt từ video cho thấy chiếc Su-25 của Nga được trang bị vũ khí được cho là bom hạt nhân huấn luyện.

Hình ảnh cắt từ video cho thấy chiếc Su-25 của Nga được trang bị vũ khí được cho là bom hạt nhân huấn luyện.

Su-25 với loại vũ khí bí mật

Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố đoạn video cho thấy, hai chiếc máy bay Su-25 của Belarus nằm trong nhà chứa máy bay, được canh gác bởi các binh sĩ có vũ trang. Có thể nhìn thấy một phi công đứng gần chiếc máy bay đang mang hai thùng nhiên liệu phụ và trên chiếc máy bay có gắn hai vũ khí lạ dưới cánh, được bọc trong lớp phủ bảo vệ để che giấu chúng. Địa điểm không được tiết lộ nhưng nhiều khả năng là Căn cứ Không quân Lida, nơi có phi đội Su-25 Frogfoot của Belarus.

Thông tin chính xác về loại vũ khí được nhìn thấy trên cánh của Su-25 vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, dựa trên bản chất của các cuộc diễn tập hiện tại giữa Nga - Belarus, cùng các kế hoạch đã công bố trước đó về việc Su-25 của Belarus sẽ được cải tiến để mang vũ khí hạt nhân và đoạn tư liệu phỏng vấn với Trung tướng Nga Igor Kolesnikov, đã dần làm sáng tỏ những thông tin về vũ khí lạ này.

Trung tướng Kolesnikov là người đứng đầu Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga. Đơn vị này chịu trách nhiệm về việc bảo quản an toàn, bảo trì kỹ thuật, vận chuyển, giao hàng, cấp phát, tiêu hủy,... vũ khí hạt nhân của Nga, cả về mặt chiến thuật và chiến lược.

Trung tướng Kolesnikov cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đội hình cơ động của Tổng cục 12 đã đảm bảo việc di chuyển đạn hạt nhân, đến các điểm cất giữ dã chiến của các lữ đoàn tên lửa và các sân bay chiến đấu. Cùng với các đồng nghiệp Belarus, việc chuẩn bị và chuyển giao tên lửa bằng thiết bị đặc biệt cũng như việc trang bị vũ khí cho máy bay tác chiến đã được thực hiện”.

Các chuyên gia suy đoán “đạn hạt nhân huấn luyện” được Quân đội Nga nhắc tới ở trên có thể là bom IAB-500, một loại bom được thiết kế cho nhiệm vụ huấn luyện, để mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nó có thể tạo ra đám mây hình nấm đặc trưng của một vụ nổ hạt nhân. Đặc điểm bên ngoài của IAB-500 tương tự như bom trọng lực hạt nhân đang được quân đội Nga sử dụng.

Vị trí gần đúng của Căn cứ không quân Lida ở Belarus.

Vị trí gần đúng của Căn cứ không quân Lida ở Belarus.

Có rất ít người biết về loại bom hạt nhân chiến thuật phóng từ trên không của Nga, loại vũ khí này được tạo ra từ thời Chiến tranh Lạnh, bao gồm bom RN-40 và RN-41, được phát triển để trang bị trên các máy bay phản lực thời Liên Xô như MiG-29, Su-24 và Su-27.

Máy bay Su-25 của Liên Xô cũng có khả năng mang vũ khí hạt nhân, tuy nhiên chiếc máy bay này không được lựa chọn làm phương tiện sẵn sàng chiến đấu cho vai trò tấn công hạt nhân.

Điều đáng chú ý là truyền thông nhà nước Belarus cũng đăng tải hình ảnh về những chiếc máy bay Su-25 của nước này, tham gia cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật với Nga, trong tình trạng vũ khí dưới cánh bị làm mờ. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích vẫn nhận ra được hình ảnh của những vũ khí này trông rất giống loại bom nổ hoặc bom chùm tiêu chuẩn.

Hợp tác hạt nhân giữa Nga và Belarus

Trước đó, Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko đã từng tuyên bố vào tháng 8/2022 rằng, một số máy bay chiến đấu của nước ông đã được sửa đổi để mang vũ khí hạt nhân. Điều này có phần gây ngạc nhiên vì Belarus cũng vận hành máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30SM Flanker, được đánh giá là có khả năng mạnh hơn Su-25 và có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia quân sự của The War Zone từng nhận định rằng, “với tốc độ chỉ đạt 950 km/h khi mang theo một lượng vũ khí khiêm tốn và tầm hoạt động chỉ khoảng 500 km, bay ở độ cao thấp, Su-25 không phù hợp cho một cuộc tấn công hạt nhân - đặc biệt là phải đối đầu với đối thủ như NATO”.

Tổng thống Putin đã nói trong các cuộc đàm phán tại St. Petersburg với ông Lukashenko rằng, “Lực lượng vũ trang Belarus được trang bị một số lượng khá lớn máy bay Su-25. Chúng có thể được cải tiến. Tuy nhiên quá trình hiện đại hóa này nên được thực hiện tại các nhà máy sản xuất máy bay của Nga (chúng ta sẽ thống nhất về cách thực hiện) và bắt đầu đào tạo phi công cho phù hợp”.

Bên cạnh việc sửa đổi những chiếc Su-25, vào tháng 6/2022, Tổng thống Putin cũng tuyên bố chuyển các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sang lãnh thổ Belarus “trong vài tháng tới”.

Một chiếc Su-30SM của Nga mang theo một quả bom IAB-500.

Một chiếc Su-30SM của Nga mang theo một quả bom IAB-500.

Hiện rõ ràng là các lực lượng Nga và Belarus đang thực hành một số khía cạnh của sứ mệnh hạt nhân bằng cách sử dụng Su-25 của Belarus. Tuy nhiên chưa rõ về mức độ đào tạo cách sử dụng vũ khí hạt nhân cho các nhân viên Belarus, vì đây là một kỹ năng đòi hỏi thời gian và nỗ lực đáng kể để hoàn thiện.

Cấu trúc chỉ huy và kiểm soát hiện tại về kho vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus cũng chưa được xác định. Chúng có khả năng được giữ dưới sự kiểm soát của Nga và sẽ chỉ được chuyển giao cho lực lượng Belarus nếu cần thiết. Điều này tương tự như cách mà Mỹ triển khai bom hạt nhân B61 tại các căn cứ ở Châu Âu .

Việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus đã khuyến khích các quan chức ở nước láng giềng Ba Lan, cân nhắc tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO. Điều này càng khiến tình hình ở khu vực thêm căng thẳng và châu Âu có thể bước vào một thời kỳ khủng hoảng hạt nhân trong tương lai. Trong khi đó, lãnh thổ Belarus đang dần trở thành một tâm điểm căng thẳng, trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng của châu Âu.

Lê Hưng(Nguồn: The War Zone)
Bình luận
vtcnews.vn