Theo các nhà khoa học, một công nghệ gọi là phun phủ tầng bình lưu (stratospheric aerosol injection - SAI) có thể giảm tỷ lệ ấm lên toàn cầu đến một nửa. Nghiên cứu được các nhà khoa học tại Đại học Havard và Yale thực hiện, xuất bản trên tạp chí Environmental Research Letters.
Về cơ bản ý tưởng này liên quan đến việc xịt một lượng lớn các hạt sulphate vào tầng bình lưu thấp của Trái Đất, ở độ cao khoảng 19 km. “Bình xịt” được sử dụng sẽ là một tên lửa tầm cao được thiết kế chuyên dụng, khí cầu hoặc súng hải quân lớn.
Dù vậy, báo cáo thừa nhận công nghệ này mới được phân tích trên lý thuyết. Hiện chưa có công nghệ sẵn có hoặc thiết bị vận chuyển nào phù hợp để ứng dụng, nhưng hệ thống có thể được xây dựng trong vòng 15 năm tới.
Các nhà khoa học cho biết đang phát triển một phương tiện chứa nhiên liệu mới với tải trọng đáng kể, sẽ không quá khó khăn về công nghệ hay đắt đỏ đến mức không mua được.
Chi phí khởi động hệ thống SAI dự kiến vào tầm 3,5 tỷ USD, trong khi đó chi phí vận hành khoảng 2,25 tỷ USD một năm. “Chúng tôi chưa đánh giá về nhu cầu đối với hệ thống SAI” – báo cáo nói thêm.
Các nhà khoa học cho rằng với lợi ích tiềm năng giảm một nửa lượng bức xạ trung bình từ một ngày cụ thể trở đi, công nghệ không quá lạ lùng này đáng để xem xét.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng thừa nhận còn những nguy cơ liên quan đến hệ thống lý thuyết này, và sự hợp tác giữa các quốc gia ở cả hai bán cầu là rất cần thiết. Các kỹ thuật của SAI có thể gây nguy hiểm cho nông nghiệp, dẫn đến hạn hán hoặc gây ra thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, đề xuất này không giải quyết triệt để vấn đề tăng phát thải khí nhà kính – nguyên nhân chính của nóng lên toàn cầu. Về lâu dài, theo một số chuyên gia chương trình có thể trở nên tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, khi nó chỉ tạm thời ngăn chặn một vấn đề có thể tồn tại vĩnh viễn.
"Những nỗ lực làm sạch hệ thống năng lượng sẽ bị trì hoãn, chúng ta giống như đang cho hành tinh của mình phụ thuộc vào một hệ thống hỗ trợ sự sống. Nếu thế hệ tương lai không đủ khả năng chi trả, họ sẽ phải hứng lấy tất cả hệ quả nóng lên toàn cầu của chúng ta trong một lần” - chuyên gia David Archer tại Đại học Chicago nói.
Video: Indonesia đối mặt với dịch bệnh sau thảm họa kép động đất - sóng thần
Bình luận