Sáng 6/6, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Trước khi bước vào phần tranh luận, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Đại diện VKS xác định, Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) là người có vai trò chỉ đạo quyết định chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm ký chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá tương đương 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thỏa thuận là 52 triệu đồng/m2, để tạo ra chênh lệch giá nhằm chiếm đoạt và chia nhau số tiền 49 tỷ đồng.
Năm 2010, thông qua sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình (Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty cổ phần Minh Ngân) cùng Nguyễn Thị Kim Thoa (Kế toán trưởng) thực hiện việc mua toàn bộ diện tích thuộc dự án Nam Đàn Plaza của công ty Xuyên Thái Bình Dương dưới hình thức mua toàn bộ 24 triệu cổ phần.
Công ty Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập đã thống nhất ký Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần cho Lê Hoà Bình với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.
Lê Hòa Bình sau đó đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với 4 cổ đông khác theo giá thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc là 52 triệu/m2, còn với hơn 50% cổ phần của PVP Land, Lê Hòa Bình chỉ mua với giá 34 triệu đồng/m2.
Như vậy, so với giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng giảm hơn 87 tỷ đồng.
Kết quả điều tra đã xác định được các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đặt cọc 52 triệu/m2 để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.
Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng; Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng; Đào Duy Phong chiếm đoạt 8 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 2 tỷ đồng; Đặng Sỹ Hùng chiếm đoạt 20 tỷ đồng; tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng.
Theo nhận định của VKS, bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo tội tham ô tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
Theo đó, VKS bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy.
Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, VKS nhận định, khi tham gia phạm tội, bị cáo Thắng không biết rõ giá công ty Minh Ngân đặt cọc, không biết rõ giá chuyển nhượng hợp đồng giữa PVP Land và công ty Minh Ngân, nhưng bị cáo nhận thức được số tiền đó là bất hợp pháp.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng khi được Thái Kiều Hương yêu cầu đã trả lại số tiền tham ô cho Hương để khắc phục. Ngoài ra, trong suốt quá trình điều tra, bị cáo hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn. Bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, tặng thưởng nhiều huân huy chương, gia đình có công với cách mạng.
Bởi vậy, VKS cấp cao nhận thấy cần áp dụng chính sách nhân đạo và rộng lượng khoan hồng cho bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Đinh Mạnh Thắng.
Về kháng cáo dân sự, Viện kiểm sát không chấp nhận kháng cáo đề nghị được trả lại số tiền 2 tỷ đồng mà bà Nguyễn Thúy Hoa (vợ bị cáo Đào Duy Phong) đã nộp thừa để khắc phục hậu quả cho chồng trong vụ án vì không thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết trong phiên tòa.
Bình luận