TP.HCM đang đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và dần phục hồi kinh tế theo nguyên tắc xuyên suốt là thực hiện linh hoạt theo tín hiệu an toàn của ngành Y tế, làm nền tảng cho việc mở cửa an toàn từng bước tất cả hoạt động sản xuất, kinnh doanh và sinh kế của người dân.
Theo TS Phạm Thị Thanh Xuân, thành viên nhóm nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM" Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), để phục hồi nền kinh tế của TP.HCM, trong giai đoạn đầu nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại, việc kiến tạo giá trị GRDP (chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM phụ thuộc vào vận tải kho bãi, dịch vụ ăn uống và bán lẻ.
Kinh tế TP.HCM bị tổn thương nghiêm trọng
Đánh giá về tác động của dịch bệnh tới kinh tế, TS Xuân cho biết, làn sóng COVID-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Tháng 7/2021, ghi nhận tổn thương nghiêm trọng nhất xảy ra ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ (chiếm lần lượt xấp xỉ 25% và 62% GRDP của TP.HCM). Xuất nhập khẩu dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn còn duy trì được một số tích cực.
Tuy nhiên, tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7/2021, nghiêm trọng nhất ở sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, dệt, sản xuất da.
Xuất nhập khẩu giảm mạnh từng ngày. Chỉ sau 2 tuần đầu tháng 8, doanh số xuất khẩu đã giảm đến 24,2%, nhập khẩu giảm 11,7%, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 so với 2 tuần cuối tháng 7/2021.
"Các tổn thất này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng", TS Xuân nhận định.
Ngoài ra, các cá nhân, hộ gia đình gặp nhiều khó khăn vì phải giãn cách, nghiêm trọng nhất là nhóm đối tượng lao động có thu nhập thấp (mất việc, không thu nhập, không có tiết kiệm tích luỹ).
Cùng với đó, cơ hội việc làm vốn đã suy giảm trong thời gian giãn cách có nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm mạnh hơn nữa sau giãn cách, nhất là cơ hội việc làm đối với lao động tự do, kinh doanh cá thể. Nếu không có biện pháp kịp thời, tỷ lệ thất nghiệp của TP.HCM và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh.
Phục hồi kinh tế TP.HCM thế nào?
Để phục hồi nền kinh tế TP.HCM, TS Xuân cho biết, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, các gói hỗ trợ tập trung vào hai hướng.
Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu (cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội).
Thứ 2, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, hạn chế đóng cửa/phá sản (chia sẻ chi phí, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp. "Để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tức thời, cần đặt mục tiêu ưu tiên tốc độ hỗ trợ, chấp nhận tỷ lệ sai lệch nhất định ở các đối tượng thụ hưởng", TS Xuân nói.
Theo nhóm nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM" do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM thực hiện mới đây, chính sách hỗ trợ cần hướng đến các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và hỗ trợ dài hạn cho hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học gặp tổn thương đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời gia tăng khả năng có việc làm, tự ổn định thu nhập của đối tượng yếu thế.
Về sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả đứt gãy sản xuất, ổn định chuỗi cung ứng, tăng tính liên kết vùng; Hỗ trợ thanh khoản, nợ vay có chi phí thấp; Chia sẻ gánh nặng chi phí của doanh nghiệp; Hạn chế sa thải lao động; Kích cầu, kích đầu tư, ổn định và phát triển thị trường; Gia tăng khả năng tự phục hồi của tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp.
Về ngân sách Nhà nước, kiến tạo nguồn ngân sách kịp thời để đẩy nhanh đầu tư công và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn; Giữ ổn định nhịp tăng trưởng, góp phần cân đối ngân sách theo hướng tích cực trong năm 2022.
"Tổn thương vì COVID-19 của dân chúng và doanh nghiệp là nghiêm trọng, các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế phải mới, có thể đem lại hiệu quả, phải đủ lớn và kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội,...", nhóm nghiên cứu đánh giá.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, hệ thống y tế công cộng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu chưa đảm bảo tính hệ thống ở cấp cơ sở là hạn chế cần sớm khắc phục.
Từ năm 2022, sau giai đoạn phục hồi kinh tế, TP.HCM cần ưu tiên tập trung đầu tư nâng cao năng lực chăm sóc y tế ban đầu và ở tất cả các tuyến điều trị để gia tăng khả năng ứng phó với đại dịch trong tương lai. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư gia tăng số lượng và chất lượng trang thiết bị y tế cơ bản tương ứng với số giường bệnh đang có.
Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng căn hộ dành cho công nhân ở các KCX, KCN cao nhằm cải thiện điều kiện sống của công nhân, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thu thút lao động ngoại tỉnh nhất là lao động có tay nghề sớm quay lại TP.HCM...
"Vai trò và vị trí của nền kinh tế TP.HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước là rất quan trọng, do đó sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách Trung ương cần đóng vai trò then chốt, bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn và các hỗ trợ mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn", TS Xuân đánh giá tổng quát.
Để phục hồi kinh tế TP.HCM, vị tiến sĩ cũng cho rằng, TP.HCM cần đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để kiến tạo động lực cho TP.HCM nhằm giúp quá trình hồi phục kinh tế diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan toả kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam và cả nước.
Ưu tiên trước mắt là việc nhanh chóng bổ sung nguồn từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ TP.HCM chi cho gói hỗ trợ an sinh xã hội, đây là nhu cầu bức thiết, không chỉ mang lại hiệu quả tức thời mà còn giúp làm giảm gánh nặng xã hội trong giai đoạn phục hồi sau giãn cách.
"Song song với chính sách từ trung ương, TP.HCM cần thiết phải kiến tạo động lực thông qua tái cấu trúc ngân sách 2021-2022, thiết lập chương trình kích cầu mới, chú trọng đến tốc độ chuyển đổi số và gia tăng sự bền vững trong liên kết vùng cùng với các chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách", TS Xuân nhấn mạnh.
Bình luận