Chùa Láng, hay Chiêu Thiền Tự, là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Tọa lạc tại số 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, chùa Láng mang trong mình bề dày lịch sử gần 900 năm và nhiều câu chuyện gắn liền với triều đại nhà Lý.
Chùa Láng được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) để thờ vua Lý Thần Tông và tiền thân của ngài – Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo truyền thuyết, Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sau khi hóa thân, đã đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu (em vua Lý Nhân Tông) và sau này trở thành vua Lý Thần Tông. Đây là sự kiện độc đáo, thể hiện sự giao hòa giữa tín ngưỡng Phật giáo và nền quân chủ thời kỳ đó.
Chữ "Chiêu Thiền Tự" mang ý nghĩa đặc biệt, trong đó "Chiêu" ám chỉ điềm lành, còn "Thiền" thể hiện tinh thần tu tập. Ngôi chùa là nơi lưu giữ tinh thần Thiền học, đồng thời ghi dấu ấn của một triều đại phong kiến rực rỡ.
Chùa Láng nổi tiếng với nhà Bát Giác – một công trình kiến trúc mang đậm triết lý phương Đông. Tòa nhà này có hai tầng, 16 mái ngói vảy cá, chạm khắc tinh xảo. Đỉnh mái chạm hình phượng múa, tầng trên có tám con rồng cuộn biểu trưng cho tám đời vua nhà Lý. Đây không chỉ là nơi đặt tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh mà còn là biểu tượng của sự hài hòa giữa tín ngưỡng và nghệ thuật.
Cổng Tam Quan của chùa, với bốn cột vuông và ba mái vòm, mang đậm nét kiến trúc cung đình thời xưa. Hai bên cổng là tượng voi chầu, tạo nên sự uy nghi, trang nghiêm.
Trước đây, chùa được ghi nhận có 100 gian nhà, xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc – đặc trưng bởi hai hàng lang dài nối nhà Tiền đường và Hậu đường, tạo thành khung chữ nhật kín. Các khu vực như nhà thiêu hương và Thượng điện đều được bố trí hài hòa, toát lên vẻ uy nghi cổ kính.
Một trong những điểm thu hút nhất tại chùa Láng là bộ sưu tập 198 pho tượng lớn nhỏ, trong đó nổi bật là tượng vua Lý Thần Tông và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Các pho tượng đều được chạm khắc tinh tế, thể hiện trình độ điêu khắc xuất sắc của các nghệ nhân xưa.
Đặc biệt, chùa lưu giữ tấm bia đá xanh có niên đại từ năm 1656, cao 1,4m, rộng 0,8m, với hoa văn lưỡng long chầu nguyệt và họa tiết tiên nữ. Tấm bia này được coi là một kiệt tác điêu khắc đá thời Lê, ghi dấu những giá trị văn hóa, lịch sử của chùa. Ngoài ra, chùa còn có 31 câu đối, 39 bức hoành phi, cùng nhiều hiện vật cổ khác.
Chùa Láng không chỉ gây ấn tượng bởi kiến trúc mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên yên bình. Vườn tháp, ao chùa và những hàng cây xanh mát tạo nên không gian tĩnh lặng, thanh tao. Nơi đây từng được mệnh danh là "đệ nhất tùng lâm" bởi rừng thông bạt ngàn và cảnh sắc thơ mộng hiếm có.
Tấm bia đá từ năm 1656 miêu tả chùa Láng là nơi “khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”.
Chùa Láng được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1962, trở thành một trong 12 di sản nổi bật của Hà Nội. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1656, 1901 và 1989, chùa vẫn giữ được nét cổ kính, đặc trưng của kiến trúc thời Lý.
Không chỉ là nơi thờ phụng, chùa Láng còn là điểm đến thu hút du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, và những ai muốn tìm hiểu về lịch sử thời Lý. Các lễ hội, nghi lễ được tổ chức tại đây góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Lần cuối cùng Lễ hội chùa Láng được tổ chức đầy đủ theo tục lệ cổ truyền là năm 1953. Vì nhiều nguyên nhân, có những giai đoạn lễ hội bị gián đoạn trong thực hành tín ngưỡng. Đến năm 1995, Lễ hội chùa Láng được khôi phục, nhưng không tổ chức rước như trước kia mà chỉ là hội lệ, nghĩa là không tổ chức rước kiệu Thánh mà chỉ khiêng kiệu ra nhà Bát giác ngự ở đó để cho nhân dân tấu lễ và chiêm ngưỡng.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân mong muốn được Phục dựng lễ rước kiệu cổ truyền sau gần 70 năm, tới năm 2023, Lễ hội truyền thống chùa Láng đã được tổ chức đầy đủ theo những tục lệ cổ truyền. Sự kiện diễn ra tưng bừng, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương tham dự.
Hội Láng ngày nay diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Ba âm lịch, bắt đầu bằng đám rước bát hương đến chùa Nền, với ý nghĩa Thánh về thăm nơi chôn rau cắt rốn, dâng lễ biểu hiện lòng hiếu thảo, kính trọng người đã sinh ra mình.
Náo nhiệt, hấp dẫn là mùng 7 với những nghi thức trang trọng và đám rước quy mô hoành tráng, kiệu Thánh được rước dọc sông Tô Lịch từ Chùa Láng ra Cầu Cót. Kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông Tô Lịch gọi là nghi thức “Độ hà” và dừng lại trên “Hòn ngọc” để chuyển tiếp sang bờ, đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu".
Tới ngày mùng 8 sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ, dâng hương và hoạt động tín ngưỡng truyền thống, dẫn lục cúng... Trong đó, “Độ hà” và “Đấu thần” là hai nghi thức quan trọng, là điểm nhấn của lễ hội được phụng dựng, tái hiện những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Lễ hội Chùa Láng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự liên kết sâu sắc giữa các cộng đồng tham gia lễ hội. Đó cũng là bức tranh tổng hòa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngữ văn truyền khẩu là các câu chuyện truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, nghệ thuật trình diễn qua các tích trò, tập quán xã hội và tín ngưỡng với các tục hèm… đến tri thức dân gian thể hiện qua nghệ thuật sắp lễ tạo thành biểu tượng của vũ trụ, thiên tử và Phật pháp, qua đó góp phần duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương.
Bình luận