Theo lãnh đạo công ty cổ phần Nắng Ban Mai (TP Tuy Hòa) cho biết, hiện đơn vị đang thi công gần 20 công trình cho tỉnh, với nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng lên đến trên 1.000 m3 đất, đá, cát…
Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, Phú Yên luôn rơi vào tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đỉnh điểm kéo dài từ cuối tháng 4/2023 đến nay, khiến cho nguồn cung hạn chế, hiện tại thị trường chỉ cung cấp được khoảng 60 - 70% nhu cầu của đơn vị khiến người lao động không có việc làm, công trình, dự án đều chậm tiến độ.
"Khi đấu thầu các công trình thì giá vật liệu thấp, doanh nghiệp còn tính toán được chi phí. Nhưng hiện tại, giá tăng cao, khan hiếm thì doanh nghiệp phải bù lỗ vào. Nếu dự án chậm tiến độ thì doanh nghiệp bị phạt theo hợp đồng, thậm chí không được tham gia đấu thầu công trình, dự án tiếp theo" - đại diện một doanh nghiệp nói.
Đơn cử như công trình Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) đến nay phải đạt 80% tổng khối lượng nhưng giờ chỉ hoàn thành 60%. Nguyên nhân, do nhiều tháng gần đây, tại bãi tập kết nguyên vật liệu như cát, đá về nhỏ giọt, luôn trong tình trạng khan hiếm, khiến công trình chậm tiến độ.
Theo chỉ huy trưởng công trình Trần Văn Tiển, mỗi ngày trên công trình cần khoảng 80 -100 m3 cát, đá, thế nhưng chỉ được cung cấp 2/3 nhu cầu. Không chỉ khan hiếm, giá vật liệu đang trong tình trạng tăng mất kiểm soát đưa các nhà thầu vào thế khó vì chi phí đầu vào tăng ít nhất 1/3 tổng giá trị xây lắp.
Còn tại công trình khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc xã An Hiệp, huyện Tuy An, đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ bàn giao cho chính quyền địa phương để sớm đưa người dân có đất bàn giao cho dự án sớm về nơi ở mới.
Thế nhưng, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng từ đất đổ nền đến cát, đá… khiến cho nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, phần bê tông phục vụ gần 700m đường cho khu vực tái định cư với giá trị xây lắp trên 1,3 tỷ đồng cũng đội giá lên 10% khi Phú Yên liên tục khan hiếm vật liệu xây dựng.
Theo các đơn vi thi công, nguyên nhân việc khan hiếm và tăng giá vật liệu gấp đôi là do đường cao tốc Bắc – Nam đang triển khai, cùng với đó là thời gian gần đây, các mỏ vật liệu trên địa bàn đều đồng loạt đóng cửa để sữa chữa trang thiết bị.
“Giá vật liệu xây dựng trong tỉnh Phú Yên đang tăng gấp 2 lần các tỉnh lân cận.Nếu tình trạng trên không được tháo gỡ, kịp thời có những giải pháp điều chỉnh phù hợp thực tế thì nhiều dự án trọng điểm của tỉnh khó đạt được như kế hoạch đề ra” - đại diện một đơn vị thi công nói.
Trước tình trạng trên, bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, giá vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá, đất san lấp,.. tỉnh đã đưa vào niêm yết và quản lý giá nên doanh nghiệp nào tự động tăng giá sẽ có biện pháp xử lý.
Bình luận