Những việc cần làm khi mang thai
Khám thai định kỳ: Mẹ bầu cần nắm chắc lịch trình khám thai định kỳ cho phụ nữ khi mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối.
Theo khuyến cáo chung, lịch khám thai định kỳ đầy đủ cho phụ nữ khi mang thai nên gồm 7 lần: 3 tháng đầu khám thai 1 lần, 3 tháng giữa khám thai 1 lần, 3 tháng cuối khám thai định kỳ 5 lần. Thời gian khám thai định kỳ nếu không phải làm các kỹ thuật như xét nghiệm, siêu âm có thế mất trung bình 10 – 15 phút/ lần.
Tuy nhiên, với những trường hợp thai kỳ có nhiều nguy cơ, số lần khám thai có thể cần nhiều hơn 7 lần. Do đó, việc có nên đi khám thai thường xuyên không, khám thai bao nhiêu lần là đủ cần được bác sĩ chỉ định cho từng trường hợp cụ thể.
Ăn uống đủ chất nhưng không bồi bổ quá mức: Mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng giữ cân nặng vừa phải để có sức khỏe tốt. Quá gầy hay tăng cân nhiều đều khiến cho việc mang thai gặp trở ngại.
Mẹ cần uống bổ sung acid folic hàng ngày trong suốt 9 tháng thai kỳ. Việc này giúp phòng tránh dị tật ống thần kinh (dị tật bẩm sinh ở não và cột sống) cho thai nhi.. Liều lượng khuyến cáo là 400 mcg/ ngày. Bên cạnh đó, sắt và can-xi cũng được tăng cường nhằm tránh thiếu máu (do thiếu sắt) và tránh loãng xương cho mẹ về sau. Bà bầu có thể sử dụng loại vitamin tổng hợp, trong thành phần có chứa axit folic, sắt, can-xi theo chỉ định của bác sĩ.
Tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc xin quan trọng: Một số loại virus khi vào cơ thể mẹ bầu trở nên đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra những dị tật nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho thai nhi. Vì vậy, mẹ nên tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm cần thiết và hoàn tất việc tiêm ngừa trước khi chuẩn bị mang thai 3 tháng. Các mũi tiêm ngừa quan trọng bao gồm sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm mùa, viêm gan siêu vi B, uốn ván.
Còn trong khi mang thai, nếu chưa có đủ kháng thể bảo vệ, mẹ vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa uốn ván, viêm gan B, cúm (bất hoạt).
Những điều cần tránh khi mang thai
- Mẹ cần tránh những tác nhân gây căng thẳng, phải luôn giữ tinh thần thoải mái
- Tránh hóa chất độc hại, hạn chế sử dụng mỹ phẩm
- Tránh làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi
- Không nên bồi bổ quá mức gây tăng cân nhiều khi mang thai, bởi việc này có thể dẫn tới nguy cơ mắc tiểu đường, cao huyết áp trong thai kỳ (không những gây nguy hiểm cho mẹ bầu mà cả thai nhi). Ở tháng thứ 9, mức tăng cân lý tưởng là tăng từ 8 - 12 kg
- Không chỉ mẹ, người cha cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các chất gây nghiện...
Nắm rõ những điều cần biết khi mang thai, mẹ bầu có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi, giảm tối đa các nguy cơ mắc bệnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Bình luận