Khi giáo viên chủ nhiệm đưa ra bình chọn về việc đăng ký cho con tiêm vaccine hay không trong nhóm chat Zalo, chị Phương Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lựa chọn đồng ý.
“Hai con gái tôi vừa khỏi COVID-19 nhưng hiện tại, số ca F0 vẫn cao, nhiều người tái nhiễm. Hơn nữa, tình hình như thế này, con có thể sắp được đến trường. Nếu con tiêm vaccine, tôi cũng yên tâm hơn”, chị Mai giải thích.
Nhiều luồng ý kiến
Chị Phương Mai cho biết vừa rồi, khi mắc COVID-19, hai con gái của chị trải qua triệu chứng nhẹ, chỉ sốt mấy ngày và ho. Tuy nhiên, bà mẹ 2 con lo lắng hiện có nhiều chủng virus và không biết lần sau còn may mắn vậy không.
Chị hy vọng vaccine sẽ hạn chế nguy cơ tái nhiễm hoặc triệu chứng nặng hay di chứng sau khi mắc COVID-19. Song chị Phương Mai thừa nhận vẫn lo lắng con chịu tác dụng phụ.
“Một cháu của tôi tiêm rồi. Cháu bình thường nên tôi cũng an tâm hơn dù không phải ai cũng giống nhau”, chị Mai nói.
Vợ chồng chị từng tiêm vaccine phòng COVID-19 và có phản ứng phổ biến như sốt, đau chỗ tiêm. Đây cũng là yếu tố giúp chị đỡ lo lắng khi cho 2 con gái (học lớp 3) tiêm. Chị còn nói trước với con, 2 bé sợ tiêm, nhưng khi mẹ động viên, con đồng ý.
“Con cũng biết không tiêm sẽ dễ nhiễm SARS-CoV-2 hơn và lúc đó lại phải lấy mẫu test. Con còn sợ bị ‘chọc mũi’ hơn tiêm. Trong lớp, phần lớn phụ huynh đồng ý tiêm, chỉ khoảng 6 người không đồng ý (tính đến ngày 28/3)”, chị Mai chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho con tiêm ngay khi thành phố mở đợt tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dù con mới khỏi COVID-19 cách đây 2 tháng.
Chị Phương cho hay lúc nhiễm nCoV, con trai chị sốt 2 ngày, nôn, đi ngoài. Triệu chứng không nặng song chị vẫn thấy tiêm phòng sẽ an toàn hơn.
Nữ phụ huynh nói thêm lúc trước, khi bắt đầu tiêm cho người lớn, nhiều người cũng lo sợ. Nhưng khi phủ vaccine, hầu hết đều ổn. Do đó, dù hiện tại, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng không nên tiêm cho trẻ nhỏ, chị vẫn ủng hộ việc tiêm vaccine COVID-19.
Chị Phạm Nhung (Ứng Hòa, Hà Nội) lại có quan điểm ngược lại. Bà mẹ 2 con từng theo dõi tình hình tiêm vaccine trước đây và thấy có trường hợp tử vong không biết chính xác nguyên nhân. Không dám mang tính mạng của con ra cược, chị quyết định không đăng ký tiêm.
Hơn nữa, gia đình chị mắc COVID-19 rồi. Mọi người chỉ mệt mỏi vài ngày. Hai con chưa tiêm cũng không có triệu chứng nặng, chỉ sổ mũi 2-3 hôm, thậm chí nhanh khỏi hơn người lớn. Vì thế, chị thấy không nhất thiết phải tiêm.
Ở góc nhìn khác, chị Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội) không phản đối tiêm vaccine nhưng sẽ chờ, quan sát tình hình tiêm chủng trước rồi mới quyết định có cho 2 cậu con trai sinh đôi 6 tuổi tiêm hay không.
Tương tự, chị Thúy An (Thanh Xuân) cũng theo dõi thêm trước khi quyết định. Chị chia sẻ trước đây, khi tiêm vaccine cho người trưởng thành, bản thân vợ chồng chị cũng đắn đo nhiều mới lựa chọn tiêm.
Chị hiểu vaccine đã thông qua kiểm duyệt mới đưa vào sử dụng song thực tế vẫn tồn tại rủi ro. Đứng trước nguy cơ không lường trước được đó, chị không muốn để con mạo hiểm, đặc biệt sau khi thấy cháu ruột (học lớp 12) phải nhập viện điều trị một tuần vì phản ứng với vaccine.
Hơn nữa, con chị đã mắc COVID-19, không có triệu chứng nặng. Chị nhận thấy dịch bệnh còn không nguy hiểm như viêm gan B hay viêm màng não.
“Tôi chỉ trì hoãn thời gian cho con tiêm đến khi nào cảm thấy yên tâm hơn chứ không tiêm vì người khác tiêm hay do COVID-19 đáng sợ”, chị An giải thích thêm.
Chị cho rằng việc phủ vaccine cho người lớn quan trọng hơn tiêm cho trẻ. Như vậy, kể cả số ca mắc cao, ít bệnh nhân trở nặng, y tế không quá tải.
Mong con sớm được đến trường
Chưa cho con tiêm vaccine song chị Thúy An lại muốn Hà Nội sớm mở cửa trường học đối với trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Chị cho rằng hiện tại, số ca mắc vẫn cao song số ca có triệu chứng nặng không lớn. Hơn nữa, sau thời gian dài chống dịch, bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao hơn trong điều trị COVID-19. Do đó, trẻ hoàn toàn có thể trở lại trường.
Con gái chị đang đứng trước ngưỡng cửa vào lớp 1. Trong vài tháng cuối, chị mong con trải nghiệm nốt thời gian học mẫu giáo.
Chị cho rằng đi qua một đợt bùng dịch, người dân đã có thực tế, cách đối phó với bệnh, biết nguy hiểm mà nó để lại. Mọi người không còn sợ hãi khi nghe đến COVID-19 như trước.
Bản thân chị từng không dám cho con đi đâu, tránh các nguy cơ tiếp xúc với người khác. Nhưng trải qua đợt mắc COVID-19 vừa rồi, chị không còn sợ.
Chị Thúy An chia sẻ thêm vừa cho con đi du lịch, di chuyển bằng máy bay. Khi đã để con đi chơi, chị sẵn sàng cho con đến lớp nếu trường học mở cửa thay vì giữ con ở nhà như khi chưa là F0.
Chị Phạm Nhung cũng cảm thấy đây là thời điểm cho trẻ đi học trực tiếp dù trước đây, chị từng ủng hộ việc học online và sợ con ra ngoài, nhiễm nCoV.
Trải qua việc gia đình là F0, chị không còn sợ như trước dù vẫn cảnh giác. Chị nhận thấy trẻ ở nhà lâu ngày, hạn chế tiếp xúc nhưng phần lớn những người xung quanh chị, trong đó có cả trẻ em, vẫn mắc COVID-19.
Trong khi đó, hậu quả của việc học online còn lớn hơn nguy cơ trở thành F0 khi đến trường. Dễ thấy nhất, từ việc ít khi xem TV, hiện tại, cả 2 con của chị đều sa đà vào TV, máy tính. Con khó tập trung học bài.
Vì thế, chị chỉ mong con sớm ngày đến lớp, chấm dứt quãng thời gian học qua màn hình. Sống ở ngoại thành, con từng đi học một tuần nhưng lại phải chuyển sang học online khi số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng ca. Ở nhà quá nhiều, 2 bé ngóng trông được đến trường, gặp cô giáo, các bạn, được chạy nhảy.
Tương tự, chị Nguyễn Phương hy vọng trường học sớm mở cửa. Chị mong việc tiêm vaccine cho trẻ là tín hiệu cho ngày con trở lại lớp.
Chị Phương Mai cũng ủng hộ việc mở cửa trường học dù băn khoăn khi tình hình dịch vẫn còn căng thẳng. Chị xác định trước số ca trẻ em trở thành F0 có thể tăng cao. Điều chị lo nhất không phải con tái nhiễm mà là con đi học, lớp có ca mắc, con lại nghỉ, chuyển sang học trực tuyến.
“Nếu như vậy, cả người lớn lẫn trẻ em đều nản. Tôi mong thay đổi quy định, chỉ F0 nghỉ học, F1 vẫn được đến lớp. Y tế chỉ xét nghiệm đối với trường hợp tiếp xúc gần, có triệu chứng hoặc test sau 2-3 ngày thay vì làm như hiện nay”, chị Phương Mai chia sẻ thêm.
Bình luận