William Rick Singer, chủ mưu bị buộc tội, được cho là đã nói với các khách hàng tiềm năng rằng anh ta đã tạo ra một "cánh cửa phụ" cho các gia đình giàu có để đưa con cái họ vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Người này đã được phụ huynh trả khoảng 25 triệu đô la để giúp con cái họ vào trường, luật sư Mỹ cho biết.
Trong số 33 phụ huynh, 13 người, bao gồm nữ diễn viên Felicity Huffman, đã đồng ý nhận tội trong vụ án. Các công tố viên có kế hoạch đề xuất một bản án từ 4 đến 10 tháng tù cho cô, bên cạnh các bản án khác lên tới khoảng 18 tháng.
Ngoài việc tuyên án thấp hơn, các công tố viên sẽ không đưa thêm cáo buộc, thỏa thuận bào chữa cho biết. Những người nhận tội sẽ quay lại tòa vào tháng 5 để tiếp tục bị xét xử.
19 phụ huynh khác, bao gồm nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng cô, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, chống lại cáo buộc âm mưu phạm tội lừa đảo và âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền. Một người khác chưa đưa ra tuyên bố.
Mỗi cáo buộc có thể đối mặt với mức án 20 năm tù, như vậy các trường hợp phụ huynh không nhận tội có thể đối mặt với tổng mức án lên tới 40 năm.
Những chi tiết gây sốc
Hơn 50 người Mỹ giàu có - bao gồm nữ diễn viên Lori Loughlin và Felicity Huffman - đã bị bắt vì hối lộ các quan chức tại các trường đại học hàng đầu để đổi lấy suất nhập học cho con cái họ.
Vụ việc vô tình tiết lộ một loạt các chi tiết gây sốc. FBI, có được thông tin từ trong một vụ án không liên quan, nhận thấy rằng các bậc cha mẹ đã chuyển tiền thông qua một tổ chức từ thiện lừa đảo để giúp đỡ "những đứa trẻ kém may mắn học đại học", trả tiền cho người lớn để làm bài kiểm tra cho con cái họ và thậm chí đã photoshop khuôn mặt của con cái họ vào cơ thể của các vận động viên.
Phản ứng trên phương tiện truyền thông xã hội nhanh chóng xuất hiện, khốc liệt và thống nhất đến kỳ lạ. Người Mỹ từ cả hai bên chính trị bắt đầu chia sẻ về cuộc đấu tranh của chính họ với việc nhập học đại học và sự thất vọng với một "hệ thống chòng chành".
Tài khoản Clint Smith chia sẻ: "Hãy suy nghĩ về tất cả những sinh viên da đen, da nâu và thu nhập thấp đến trường đại học và những người được tạo cảm giác như thể họ không xứng đáng ở đó, trong khi rất nhiều sinh viên giàu có về cơ bản là có cha mẹ của họ bỏ tiền ra lại hiếm khi trải qua sự hoài nghi tương tự".
Tài khoản NerdWoman44: "Tôi tốt nghiệp đại học với khoản nợ 100.000 USD, vì gia đình tôi không đủ khả năng chu cấp cho tôi vào đại học. Tôi đã làm việc trong suốt năm học và mùa hè, và có một học bổng ban nhạc nhỏ. Tôi có thể mắc nợ, nhưng ít nhất học vấn của tôi là do tôi tự có được".
Tài khoản Margaret Sullivan: "Tại sao bạn lại muốn làm điều này với con của bạn? Và tôi không nói đến phần bị bắt. Ý tôi là cái cách mà những bậc cha mẹ này từ chối nhìn nhận và đánh giá cao con cái họ vì bản thân chúng, và thay vào đó họ muốn 'mặc' chúng như những phụ kiện".
"Ngay cả khi không hối lộ, người giàu có đã là một lợi thế"
"Thực sự khá đúng là nếu bạn vào được một trường đại học tốt và vượt qua, cơ hội trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Vấn đề là, ai thực sự sẽ vượt qua?" – ông Richard Reeves, nghiên cứu sinh tại Viện Brookings, người tìm hiểu về bất bình đẳng trong giáo dục và cơ động xã hội nói.
Đối với nhiều người Mỹ, vụ bê bối xác nhận lo ngại rằng giới thượng lưu của đất nước đang đánh cắp cơ hội từ những thành phần còn lại của dân số.
Công tố viên Mỹ phụ trách vụ án nói rằng "không thể có hệ thống riêng cho người giàu". Nhưng hệ thống riêng biệt đã tồn tại, theo chuyên gia.
Đặt hối lộ hoàn toàn sang một bên, có hai mức độ không công bằng đối với tuyển sinh đại học, ông Reeves giải thích.
Đầu tiên, giả sử hai ứng cử viên có tài năng ngang nhau, nhưng cố vấn tuyển sinh vẫn có thể "mù quáng" với nền tảng kinh tế của họ. "Họ vẫn sẽ nghiêng về phía những sinh viên giàu có nhất", ông nói. "Họ đã được đến những ngôi trường tốt hơn, họ đã trả tiền cho gia sư riêng. Họ trông như được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc đua thậm chí trước khi cuộc đua bắt đầu."
Một số trường đại học ưu tú chống lại sự thiên vị này bằng các chương trình hành động khẳng định được thiết kế để ưu tiên những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng không phải tất cả các trường đại học Mỹ đều phải công bố dữ liệu về vấn đề này, vì vậy thật khó để đánh giá liệu nó có hoạt động hay không, theo ABC News.
Mức độ không công bằng thứ hai giống như "hối lộ giữa ban ngày", ông Reeves nói. "Nếu cha mẹ của người nộp đơn đã quyên góp cho trường đại học, họ sẽ được hưởng ưu đãi."
Ngoài ra còn có các ưu tiên theo kiểu "kế thừa", nhà nghiên cứu nói. "Hầu hết các trường hàng đầu có một điểm cộng không tầm thường cho người thân của những người đã học ở trường đó."
Kết hợp lại với nhau, những yếu tố này đã gây ra một sự chia rẽ khổng lồ trong một hệ thống tuyển sinh đại học, vượt khỏi việc dựa trên thành tích, theo ABC News.
Một nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những sinh viên từ 1 phần trăm giàu có nhất có khả năng vào các trường hàng đầu cao hơn 77 lần so với những người ở nhóm dưới 20%.
70 phần trăm người Mỹ đi học đại học biết và hiểu những điều này, theo ABC News, nhưng dù sao họ cũng “chấp nhận vào trong hệ thống vì họ tin rằng bằng đại học hàng đầu đảm bảo thành công”.
Những học sinh “vô tội”
Các trường đại học đang cố gắng ngăn chặn "tai bay vạ gió" từ các cáo buộc về những gia đình giàu có đã hối lộ để con cái họ được nhập học. Họ phải đối mặt với những câu hỏi về số phận của những học sinh liên quan và liệu học sinh có biết về những hành vi bị cáo buộc của cha mẹ họ không.
Ít nhất tám trường đại học được nêu tên trong một bản cáo trạng liên bang và khiếu nại hình sự. Công tố viên cũng nêu ra khả năng sinh viên có thể bị buộc tội.
Đại học Nam California (USC) là tâm điểm của vụ bê bối, với một số tên tuổi lớn nhất vụ việc có liên quan. USC cho biết họ đã sa thải một số người bị buộc tội trong kế hoạch này, không có kế hoạch sử dụng bất kỳ khoản tiền nào nhận được liên quan đến chương trình bị cáo buộc để tài trợ học bổng cho các sinh viên kém may mắn.
Ngoài ra, trường sẽ đánh giá các sinh viên theo học và tất cả các ứng viên liên quan đến lừa đảo gian lận sẽ bị từ chối nhập học.
Video: Phụ huynh rao bán suất 'chạy trường'
Đại học Stanford đã sa thải một huấn luyện viên bị cáo buộc đã chấp nhận đóng góp tài chính để đổi lấy việc giới thiệu hai sinh viên tương lai vào trường. Một sinh viên đã bị từ chối nhập học và người thứ hai không hoàn thành hồ sơ.
Stanford cho biết họ không có bằng chứng cho thấy các cáo buộc liên quan đến bất kỳ ai khác nhưng cho biết họ sẽ đánh giá nội bộ. Họ đang nỗ lực để xác định "cách thích hợp nhất" để chuyển hướng các khoản đóng góp tài chính bị cáo buộc.Người phát ngôn của Yale cho biết trường đại học này là "nạn nhân của một tội ác được gây ra bởi huấn luyện viên bóng đá nữ trước đây". Nhà trường sẽ thực hiện một cuộc điều tra để xác định xem những người khác có tham gia vào các hoạt động đã làm hỏng quá trình tuyển dụng và tuyển sinh thể thao hay không.
Họ cho biết chính sách lâu dài của trường là hủy bỏ việc tiếp nhận các sinh viên làm sai lệch hồ sơ ứng tuyển Đại học Yale của họ. Vào ngày 25 tháng 3, Yale đã hủy bỏ việc nhập học của một sinh viên liên quan đến vụ lừa đảo này.
Các trường đại học khác đang xem xét để xác nhận các trường hợp. Như vậy, dù có biết đến hành vi của bố mẹ hay không, các học sinh nhập học theo con đường vi phạm đều có thể phải gánh chịu hậu quả.
Bình luận