Học sinh mầm non 5 tuổi (lớp lá) ở TP.HCM vừa trở lại trường học hôm 18/5, sau 4 tháng nghỉ vì dịch COVID-19. Trẻ mầm non 4 tuổi (lớp mầm) và 3 tuổi (lớp chồi) sẽ đến trường từ ngày 25/5, riêng các lớp nhà trẻ đón học sinh từ ngày 1/6.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng chục trường tư trên địa bàn TP.HCM buộc phải ngừng hoạt động. Điều này khiến phụ huynh có con theo học tại các cơ sở mầm non này phải vừa “ngược xuôi” nhanh chóng tìm lớp mới, vừa lo lắng trẻ khó hòa nhập khi ở trường mới.
Chị Phan Thu Hà (huyện Nhà Bè) cho biết cả hai mẹ con phải đến trường Mầm non Đồng Xanh từ sớm, tránh tắc đường để đăng ký lớp mới cho con gái 5 tuổi. Nhận xét con hoạt bát, không ngại đám đông và người lạ nên chị yên tâm trong buổi đầu đưa con đến lớp mới.
“Tôi đã giải thích lớp cũ không mở nữa nên khi đưa đến trường mới, lớp mới con không quá lạ lẫm. Chỉ vài tháng nữa con sẽ chuyển cấp, tôi nghĩ rằng việc đổi lớp, đổi trường ở thời điểm này sẽ là bước đệm để con sẵn sàng bước vào lớp 1”, phụ huynh này chia sẻ.
Khi đưa con đến lớp, chị Hà cũng gặp một số gia đình hoàn cảnh tương tự. Trường cũ bị giải thể nên phụ huynh tìm đến trường mới để đăng ký. Vì ở môi trường mới và lâu ngày mới đi học nên rất nhiều bé khóc lóc, không chịu vào lớp.
“Trẻ hòa nhập được lớp mới hay không phụ thuộc nhiều tính nết của bé và việc bố mẹ rèn cho con ra sao. Nếu trước đó gia đình dành thời gian hướng dẫn con cách làm quen với lớp mới, bạn mới thì tôi nghĩ con không gặp khó khăn nhiều”, vị phụ huynh nói.
Có con học mầm non tại quận Bình Thạnh, anh Hoàng Văn Cường cho biết, dù trước đó giải thích cho cậu con trai về việc sẽ học ở lớp mới, nhưng mấy hôm nay đến trường con vẫn sợ sệt, đòi mẹ đưa về nhà.
“Bé nắm chặt tay tôi, khóc nức nở, rồi ngơ ngác hỏi: Bố ơi bạn Thụy Anh, bạn Hồng Quân đến chưa ạ? Cô Lan Anh đâu rồi? Trông vừa thương vừa tội nhưng không còn cách nào khác”, anh Cường kể khi con không thấy cô giáo và bạn cũ đâu.
Phải mất gần nửa tiếng bé mới chịu vào lớp. Trưa nay nhìn qua camera, thấy con chưa chịu chơi cùng các bạn nên anh Cường khá lo lắng, có lẽ phải mất một hai tuần mọi thứ mới vào guồng được.
Anh cũng như nhiều gia đình khác. Do trường mầm non gần nhà không mở nữa nên buộc lòng phải chọn cho con ở trường mới cách nhà 4 – 5km. “Trường cũ cách nhà khoảng 500m nên trước đây bà nội vẫn đưa đón được. Nhưng giờ trường mới xa hơn nên hai vợ chồng luân phiên đưa đi, đón về”, anh chia sẻ.
Gọi con dậy từ 6h sáng, vừa cho con ăn chị Nguyễn Thu Vân (quận Bình Thạnh) vừa “nịnh” nhiều lần bé Bùi Nguyên Bảo mới chịu đến lớp mới. Biết con nhút nhát nên chị rất ngại việc phải chuyển lớp, chuyển trường cho con, đặc biệt là ở thời điểm giữa năm học.
“Tôi lo con không quen được bạn mới vì tính cách rất nhút nhát. Ở lớp cũ vừa mới quen thân được vài bạn thì giờ lớp học tan rã. Chưa kể dịch bệnh này con sẽ phải tập thích nghi lại với các nề nếp, sinh hoạt kỷ luật hơn”, chị Vân băn khoăn.
Báo cáo của Sở Giáo dục TP.HCM cho thấy, hiện trên địa bàn có 51 trường mầm non tư thục buộc phải giải thể do tác động tiêu cực của đại dịch. Bên cạnh đó, 879 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 23.464 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng về lương, bảo hiểm theo quy định.
Đối với giáo viên, có tới 80% giáo viên bị ảnh hưởng việc làm, đặc biệt là đội ngũ giáo viên làm việc tại cơ sở mầm non ngoài công lập. Khoảng 30% các trung tâm ngoài giờ quy mô nhỏ đã trả mặt bằng, chấm dứt giảng dạy. Nếu dịch tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2020, dự đoán 60% trung tâm quy mô nhỏ phải giải thể.
Bình luận