Con gái đạt 40,25 điểm trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, chị Trần Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa mừng, vừa lo. Con chị đăng ký nguyện vọng 1 trường THPT Trần Phú và nguyện vọng 2 trường THPT công lập tự chủ tài chính Phan Huy Chú.
Năm 2020 trường Trần Phú lấy 37,75 điểm, tức là 3 môn thi Toán, Ngữ Văn nhân hệ số 2, cộng điểm tiếng Anh, trung bình 7,6 điểm/môn thi. Trong khi đó con gái chị đạt trung bình 8,5 điểm/môn. Dù khả năng đỗ vào trường cao, nhưng vị phụ huynh chưa hoàn toàn yên tâm, lo con trượt nếu trường tăng điểm chuẩn thêm 3 đến 4 điểm do đề dễ.
Cả đêm qua, gia đình anh Lê Hoàng Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không thể chợp mắt vì lo lắng kết quả thi của con. Con trai anh chị năm nay đạt 40 điểm, nguyện vọng 1 đăng ký vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (điểm chuẩn năm 2020 của trường này là 39,75/3 môn thi). Anh Đức nhận định khả năng đỗ của con trai không cao khi theo dự đoán mặt bằng chung các trường THPT năm nay đều sẽ tăng điểm chuẩn.
Anh và gia đình "đặt ngôi sao hy vọng" vào nguyện vọng 2 trường THPT Xuân Đỉnh (năm 2020 điểm chuẩn 35 điểm). Anh hy vọng năm nay trường không tăng quá nhiều điểm, trong trường hợp tăng từ 1 đến 2 điểm thì con anh vẫn còn cơ hội.
Vì vậy, không chỉ gia đình chị Lan hay gia đình anh Đức, mà các phụ huynh khác cũng trong tâm trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên, mong ngóng thông tin điểm chuẩn vào các trường THPT mà con đăng ký nguyện vọng. Dự kiến chiều nay (9/7), Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm trúng tuyển.
Trong khi đó, nhiều gia đình có con đạt điểm thấp hơn so với điểm chuẩn hai năm gần đây đã nhanh chóng tính đến việc nộp hồ sơ cho con vào các trường THPT tư thục, hoặc trung tâm, giáo dục thường xuyên trên địa bàn đang lưu trú.
Chị Hoàng Thị Thanh Tâm (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, dù con nộp nguyện vọng vào lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn và THPT Đống Đa (điểm trúng tuyển các năm trước không cao) nhưng chị vẫn đăng ký thêm vài trường tư thục đề phòng. "Con làm bài thi không tốt như kỳ vọng, chỉ đạt 34 điểm. Trong khi, dự đoán điểm chuẩn năm nay tăng so với năm ngoái nên tôi tìm hiểu và đăng ký thêm nguyện vọng, không may con trượt thì vẫn có thể theo học trường tư top đầu chất lượng tốt", chị Hồng nói.
Với suy nghĩ điểm chuẩn năm nay tăng, cuộc đua tranh suất vào lớp 10 chưa bao giờ giảm nhiệt, chị Đinh Thị Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) cố gắng tìm kiếm thêm thông tin và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào một số trường tư thục. Chị cũng thường xuyên làm công tác tâm lý để tránh trường hợp con bị sốc khi biết điểm chuẩn, không đỗ vào trường công lập như mong muốn.
Khi đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường tư thục, thông thường phụ huynh phải nộp khoản phí ghi danh từ 1 đến 20 triệu đồng tuỳ trường. Chị Tiến chấp nhận "khoản phí giữ chỗ" đó để con có suất học ở trường tư top đầu.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 trên địa bàn thành phố diễn ra vào ngày 18 và 19/6 với gần 107.000 thí sinh đăng ký. Để dự tuyển vào trường công lập, thí sinh phải dự thi đủ 3 bài thi gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Điểm thi = (Điểm môn Toán + Điểm môn Văn)*2 + Điểm môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.
Sở GD&ĐT dự đoán điểm chuẩn của một số trường công lập năm nay tăng nhẹ. Dự đoán này dựa trên căn cứ kết quả bài thi năm học 2022 - 2023 nhìn chung cao hơn năm trước. Năm nay có 1.382 bài thi môn Ngữ văn đạt từ 9,0 đến 9,5 điểm (năm 2021 có 109 bài thi); 3.364 bài thi môn Ngoại ngữ đạt điểm 10 (năm 2021: 4.742 bài thi); 256 bài thi môn Toán đạt điểm 10,0 (năm trước chỉ 63 bài thi).
Bình luận