Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM chia sẻ thông tin trên tại buổi tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”, tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), ngày 17/3.
Đại úy Thịnh cho hay, mỗi ngày Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP, tiếp nhận từ 20 - 30 đơn tố cáo, phản ánh các vụ việc lừa đảo. Gần đây, tại TP có hiện tượng kẻ gian gọi điện thoại cho phụ huynh nói con của họ bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền.
Kẻ lừa đảo đưa ra thông tin không đúng sự thật, lấy danh học sinh, người thân; mượn danh cơ quan Nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ. Tất cả những chiêu trò này đều có sự chuẩn bị kỹ từ trước.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số, đối tượng lừa đảo dùng nhiều cách như dùng lời nói, hình ảnh... Tội phạm này trước dịch COVID-19 có nhưng ít, sau dịch bệnh càng gia tăng nhanh”, Đại úy Thịnh nói.
Chia sẻ tại tọa đàm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay, ngay từ ngày đầu trường đã gửi thư khẩn cảnh báo phụ huynh và học sinh tránh nguy cơ bị lừa.
"Chúng tôi đã cảnh báo cho phụ huynh thấy được tại sao lại có những cú lừa ngoạn mục và chỉ ra chúng thường gọi cho đối tượng nữ, vì thường rất dễ mất bình tĩnh. Chúng đánh vào tâm lý tình mẫu tử, đặc biệt là nhóm gia đình có kinh tế khá, nhóm học sinh trường tư thục", thầy Phú nói.
Thầy Phú cho biết thêm, khi nhận cuộc điện thoại lừa đảo cần chủ động kết nối video call để xem người gọi có quen hay không, từ đó nhận diện được mức độ chính xác của thông tin ban đầu.
Trên thực tế, tình trạng thiếu thông tin là vấn đề chung các phụ huynh đang gặp phải. Khi học sinh hay bất kỳ công dân nào gặp nạn, không bệnh viện nào bỏ bệnh nhân mà không cứu vì thiếu tiền. “Ở bệnh viện có bác sĩ, ở ngoài đường có công an, tất cả đều có hỗ trợ để giúp bảo vệ sức khỏe mọi người. Phụ huynh không nắm thông tin, không đọc thông tin là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo”, thầy Phú nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho hay, mỗi ngày Trung tâm Athena tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát từ TP.HCM mà có thể gọi đến từ nước ngoài.
Dữ liệu bị lộ lọt rất nhiều xuất phát từ phụ huynh, học sinh. Theo ông Thắng, mạng xã hội, TikTok hoặc các games... là nơi các nhóm chiếm đoạt thông tin sử dụng phổ biến hiện nay.
“Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều. Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát được việc tiếp nhận thông tin. Vì vậy, cần phải có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh, từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro”, ông Võ Đỗ Thắng nói.
Ngày 16/3, Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới Sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng sư phạm, thông báo thủ đoạn lừa đảo phụ huynh học sinh, sinh viên và đề nghị các nhà trường tuyên truyền nâng cao cảnh giác.
Trong văn bản, Bộ GD&ĐT nêu rõ, theo số liệu từ Bộ Công an, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TP.HCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo theo chiêu thức "chuyển tiền gấp, con cấp cứu" tổng số tiền 825.000.000 đồng.
Bình luận