Chiêu gọi điện lừa đảo "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" xuất hiện tại Hà Nội.
Sau TP.HCM và các tỉnh phía Nam, những ngày qua, chiêu trò gọi điện lừa đảo "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" đã xuất hiện tại Hà Nội. Ngày 15/3, đại diện Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang thụ lý điều tra 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo này, trong đó có một vụ bị hại trình báo bị lừa 200 triệu đồng.
Hình thức lừa đảo qua điện thoại đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng các đối tượng xấu thường xuyên thay đổi kịch bản nên vẫn có rất nhiều người dân "sập bẫy". Đáng nói, hình thức lừa đảo rất tinh vi, ít để lại dấu vết do tội phạm sử dụng công nghệ cao, khiến công tác điều tra phát hiện, ngăn chặn gặp không ít khó khăn.
Kẻ lừa đảo gửi số tài khoản để phụ huynh chuyển tiền.
Khó tìm ra kẻ thực hiện hành vi lừa đảo
Đề cập thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, ông Ngô Tuấn Anh - Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh (Smart Cyber Security) cho biết, thông tin được kẻ xấu dùng để tạo số điện thoại và lập tài khoản ngân hàng đều là mạo danh.
“Số điện thoại, tài khoản ngân hàng mà chúng sử dụng đều là tài khoản rác, sử dụng thông tin giả hoặc được mua lại trên mạng”, ông Tuấn Anh nói.
Với số điện thoại, ông Tuấn Anh cho biết, những kẻ lừa đảo thường dùng dịch vụ VoIP (thiết bị hoặc chương trình sử dụng công nghệ truyền giọng nói qua giao thức internet, cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi thoại qua internet băng thông rộng, thay vì thông qua kết nối analog truyền thống), hoặc sim rác để che giấu danh tính, vị trí.
“Việc ứng dụng công nghệ hiện đại hay sử dụng sim rác giúp kẻ xấu có thể gọi điện, nhắn tin, cũng như tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ lừa đảo như tài khoản trên phần mềm chat, tài khoản ví điện tử. Đặc thù của sim di động là vị trí thay đổi liên tục, dễ tiêu hủy sau khi sử dụng, dẫn đến khó khăn khi tìm ra kẻ đứng sau”, ông Tuấn Anh đánh giá đây là công cụ quan trọng dẫn đến tình trạng lừa đảo tràn lan thời gian qua.
Khó tìm ra kẻ đứng sau
Đặc thù của sim di động là vị trí thay đổi liên tục, dễ tiêu hủy sau khi sử dụng, dẫn đến khó khăn khi tìm ra kẻ đứng sau
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Tuấn Anh
Còn về số tài khoản ngân hàng, kẻ gian không bao giờ sử dụng tài khoản chính chủ. Thay vào đó, chúng mua lại hàng loạt tài khoản ngân hàng hoặc lập ra từ thông tin đi thuê, mượn.
“Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng, các đối tượng có thể sử dụng sim rác, căn cước công dân giả hoặc thuê người khác mở tài khoản để nhận tiền lừa đảo. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng lập tức chuyển đổi qua các loại tiền số trên sàn giao dịch để tránh bị lần dấu vết hoặc mua đồ trên các trang thương mại điện tử, sau đó bán lấy tiền”, ông Tuấn Anh cho hay.
Cũng chia sẻ những khó khăn trong hoạt động phòng chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng điện thoại, internet, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia tâm lý tội phạm học nhận định có nhiều vướng mắc ở khâu phối hợp giữa các thiết chế tài chính như ngân hàng với cơ quan chức năng.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, khi nhận được tin báo của người dân về việc bị lừa đảo, nhờ can thiệp, công an sẽ yêu cầu ngân hàng chặn dòng tiền chuyển đến tài khoản đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng với lý do bảo vệ quyền lợi khách hàng, yêu cầu phải có quyết định khởi tố vụ án và công văn kèm theo mới thực hiện yêu cầu.
“Vì vậy trong nhiều trường hợp, dù đã nhận được yêu cầu chặn dòng tiền nhưng tiền vẫn bị chuyển đi. Hầu như thiệt hại trong các vụ án này không thể khắc phục được”, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nói.
Liên quan vấn đề này, trả lời VTC News, đại diện một ngân hàng lớn cho biết, ngân hàng quản lý số tài khoản nhưng không có chức năng cảnh báo lừa đảo. Hoạt động cảnh báo chính dựa vào công an và nhà trường.
"Trừ trường hợp các đối tượng giả mạo ngân hàng trên không gian mạng, chẳng hạn như lập Fanpage giả mạo, lập website thì chúng tôi mới có chức năng xử lý. Nhưng với trang web giả mạo chúng tôi cũng phải báo cơ quan chức năng để họ phối hợp xử lý", vị này cho biết.
Mục tiêu lừa đảo được đối tượng xác định trước
Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) nhận định, mấu chốt để thực hiện hành vi lừa đảo là đối tượng phải có số điện thoại của nạn nhân, nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của nạn nhân với học sinh.
Vị chuyên gia tội phạm học khẳng định, danh sách học sinh với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ lọt.
“Nguồn lộ lọt thông tin này đã bị lộ lọt vô tình hoặc cố ý từ các nguồn như: nhà trường, lớp học, ban phụ huynh; các nhóm chat trên các nền tảng Facebook, Zalo… giữa phụ huynh và giáo viên; các lớp dạy thêm, học thêm cũng có danh sách học sinh, phụ huynh kèm số điện thoại, do bộ phận quản lý học viên tại các trung tâm đó nắm giữ”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định.
Nhìn nhận đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện hình thức lừa đảo mạo danh khiến dư luận xôn xao, tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng trước đây như giả danh cơ quan pháp luật, giả danh cơ quan cung cấp dịch vụ thiết yếu (ngân hàng, bưu điện, điện, nước, gas)…, đối tượng thường gọi tới bất kỳ số điện thoại nào, không xác định trước được nạn nhân.
“Còn trò mạo danh "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" mới đây, mục tiêu được đối tượng lừa đảo xác định trước, căn cứ theo thông tin cá nhân của bị hại mà chúng có được theo một cách nào đó”, ông Hiếu phân tích.
Cùng quan điểm, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, cho biết, dữ liệu cá nhân các đối tượng lừa đảo có thể lấy ở nhiều nguồn khác nhau, từ trường học, trung tâm học thêm, trung tâm dạy kỹ năng sống…
“Thêm vào đó, với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều phụ huynh thường chia sẻ thông tin của con như họ tên, trường, lớp... Người dùng thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh của bản thân, con cái dẫn đến lộ thông tin cá nhân một cách tình cờ mà không biết”, ông Thìn thông tin.
Nguy cơ khác làm lộ lọt thông tin cá nhân mà Đại tá Đỗ Cảnh Thìn đưa ra là từ những dịch vụ bản thân hoặc công ty mà người dân đang sử dụng. Ví như dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạch, nghỉ dưỡng, hàng không... Khi phụ huynh, học sinh khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng thì có thể bị bán dữ liệu ra ngoài.
Ông Thìn nêu rõ, nạn mua bán thông tin cá nhân diễn ra rất phức tạp. Chúng ta có thể dễ dàng mua thông tin của ai đó, gồm tên, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí là mức thu nhập... với giá khá rẻ.
Tin nhắn thông báo "con đang cấp cứu" để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Ngày 15/3, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
"Đánh cắp" thông tin cá nhân có thể bị phạt tù 7 năm
Luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín, cho biết, thông tin cá nhân là quyền bất khả xâm phạm, nằm trong nhóm các quyền nhân thân và được pháp luật bảo vệ. Cụ thể nó đã được Quy định tại Điều 38, Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của Bộ Luật dân sự 2015.
Theo ông Huy, bên cạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ của người chủ dữ liệu, người thu thập, xử lý dữ liệu, pháp luật còn quy định những chế tài xử phạt đối với các hành vi phát tán, chia sẻ thông tin cá nhân, tùy theo mức độ, hành vi mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về trách nhiệm hành chính, theo Khoản 5 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: phạt tiền 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi trên có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội 22 - 24 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điểm a, Điểm b Khoản 9 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Về trách nhiệm hình sự, những người có hành vi mua bán thông tin dữ liệu khách hàng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Với chế tài xử phạt như trên, luật sư Trần Văn Huy cho rằng, đã có các chế tài với các đối tượng thu thập, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng mua bán thông tin cá nhân vẫn xảy ra thường xuyên. Điều này cho thấy, các hình phạt cho tội phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe.
Bình luận