Ở Hà Nội, "đình đám" nhất có thể kể đến như hệ THCS của trường THPT Chuyên Hà Nội –Amsterdam, THCS Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN), THCS Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Đoàn Thị Điểm, Archimedes Academy... Năm ngoái, tỉ lệ "chọi" kỉ lục thuộc về THCS Ngoại ngữ với tỉ lệ 1/30.
Còn ở TP.HCM, cuộc đua vào trường Trần Đại Nghĩa cũng khá căng thẳng, bởi đây là trường duy nhất được tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Hàng năm, số hồ sơ đăng ký khoảng từ 4.000-4.500. Tính toán vui thì để có được một chỗ học, 1 học sinh phải "đánh bại" 8 học sinh giỏi khác.
"Một người đi làm, chỉ đủ đóng học cho cháu"
Nhễ nhại mồ hôi trong những ngày nắng nóng kỷ lục ở Hà Nội, chị Hồng (Lạc Trung, Hà Nội) vội vàng phi xe từ cơ quan về, trên xe treo lủng lẳng nào bánh mỳ, nào nước uống để đón cậu con lớp 5 đi học thêm ca tối.
Mong con đậu vào 1 trong các trường cấp 2 được coi là "tốt nhất Hà Nội", trong đó mục tiêu cao nhất là đỗ vào trường Ams, con chị Hồng được bố, mẹ đèo đi học thêm cả 3 môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh ở các 'lò' luyện từ năm lớp 3. Không chỉ thế, vì sẽ thi cả chương trình song bằng, nên từ đầu năm học, chị còn cho con học thêm cả Toán và khoa học bằng tiếng Anh.
"Sơ sơ thì mỗi tháng gần 7-8 triệu tiền học thêm, chưa kể học chính khóa, rồi chưa kể các chi phí khác, ròng rã mấy năm nay như vậy. Ngoài tiền ra thì còn bao nhiêu công sức, thời gian đưa đón, đợi chờ, chăm bẵm chừng ấy năm..." - chị Hồng nói.
Chị Mai Quỳnh, một phụ huynh ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng cho biết, ngoài học trên lớp, chị đăng ký cho con học thêm Tiếng Việt, Toán và tiếng Anh từ hè năm lớp 3 và tăng tốc vào giai đoạn nước rút này.
"Không đầu tư từ sớm, đến giờ mới chạy đi ôn thì có lẽ là không thể được, vì giờ các kiến thức thi cử rất rộng và khó. Bài khảo sát bằng tiếng Anh của Trần Đại Nghĩa có kiến thức ở tất cả các môn khác từ Toán, Tiếng Việt, Sử, Địa, Khoa học, đời sống hằng ngày..." - chị Quỳnh lý giải.
Ngoài ra, chị Quỳnh cũng chịu khó lùng sục trên các diễn đàn, hỏi han kinh nghiệm, sưu tầm, in các đề khảo sát trên mạng về cho con làm thử rồi đối chiếu với đáp án để sửa bài cho con.
Trong khi đó, gia đình anh Tiến Hiếu (TP.HCM) đã thuê giáo viên dạy Tiếng Anh 4 buổi/tuần cho con với mức 300.000 đồng/ca học. Tuy nhiên, không yên tâm, anh Hiếu cũng cho con tới "lò" ôn luyện ở phường 2, Quận Phú Nhuận từ đầu năm học này để tăng cọ sát.
“Quan sát đề thi, tôi thấy trước hết con phải chuẩn bị tiếng Anh thật tốt vì bài khảo sát được thực hiện bằng tiếng Anh” - anh Hiếu nói.
Bên cạnh đó, con anh còn được học cách phản xạ, cách làm bài thi trắc nghiệm. Ngoài các kiến thức về Toán, Lịch sử, Địa lý, Văn học, các địa danh, danh lam thắng cảnh, cháu Minh nhà anh cũng phải nắm được các sự kiện nóng đăng tải trên báo chí, luyện thêm các dạng câu hỏi IQ, EQ…
Anh Hiếu ngại ngần, không trả lời con số cụ thể về chi phí cho con đi học thêm, song theo anh thì... "một người đi làm chỉ đủ đóng học cho cháu".
Học thêm kín tuần nhưng chưa "nhằm nhò" gì?
Chị Thanh Hương (Hà Đông, Hà Nội) tìm lớp cho con ôn thi vào lớp 6 từ trước Tết. Cứ tưởng là sớm, nhưng khi đọc thông tin trên các diễn đàn, chị hoang mang vì hóa ra... "các cháu khác đã ôn từ rất lâu".
Chị Hương chia sẻ, tất nhiên chị cũng mơ con được vào "trường Ams", nhưng nếu không thì mong con vào được trường chất lượng cao Thanh Xuân hoặc THCS &THPT Lương Thế Vinh.
Càng đọc thông tin trên các diễn đàn hoặc hỏi han các phụ huynh khác, chị càng sốt ruột. Nay thấy người này giới thiệu thày này dạy tốt, mai thấy giới thiệu cô giáo kia ôn luyện rất hiệu quả, chị lùng sục, hỏi han khắp nơi rồi đăng ký cho con đi học. Thậm chí, cho rằng mỗi trường có một dạng đề khác nhau, nên với môn Toán và tiếng Anh, chị cho con học ở 2 nơi "cho chắc".
Thế là hàng tuần, chị và chồng thay nhau đèo con đi học thêm tới 7 ca, từ Hà Đông, gần thì sang Thanh Xuân, còn xa thì ra khu Trung Hòa, Cầu Giấy. "Chiều đón con ở trường, cho con ăn cái gì đó rồi mình hoặc anh xã đèo con đến chỗ học thêm, cả đi cả về tới 20 km, đợi con 1 - 2 tiếng đồng hồ ngoài đường là bình thường" - chị Hương kể.
Với lịch học dày đặc, bé Ly con gái chị gần như không có thời gian nghỉ ngơi, tự học hay làm bất cứ việc gì khác ngoài... học. Lịch học của Ly là: Tối thứ 2 - thứ 6 học Toán, thứ 3- thứ 5 học tiếng Anh, sáng thứ 7 học tiếng Việt, chiều thứ 7 ôn tiếng Anh chuyên, sáng chủ nhật học toán tiếng Anh, tối chủ nhật học online Toán..., chưa kể, cháu còn đi thi thử ở khắp các trường và các trung tâm dạy thêm.
Thời gian còn lại, chị Hương tiếp tục "nhồi" con làm các đề thi, sách nâng cao hoặc học online. Để giải quyết hết bài tập trên lớp và ở các lớp học, thường thì ăn cơm xong là Ly vội vàng chạy vào phòng học, hiếm khi ngủ trước 11h đêm.
"Nắng nóng thế này, rồi tắc đường giờ tan tầm nữa, sau 1 ngày đi làm đi học về, cả bố mẹ, cả con đều mệt, nhưng mình động viên con phải cố gắng. Cả nhà tập trung hết cho cháu" - chị Hương nói.
Theo chị Hương, không chỉ gia đình chị, trong lớp của con ở trường, các cháu học khá khá đều đi học thêm, ôn thi không ở chỗ này thì chỗ khác.
“Biết là mang tiếng chạy đua, cũng mệt mỏi nhưng tôi thấy nhà mình chưa nhằm nhò gì. Nhiều phụ huynh cho con đi học khắp nơi, thậm chí từ 4h chiều đến tối mà theo học 2 ca, theo học các thầy cô giáo nổi tiếng lắm nhưng toàn... giấu”, chị Hương kể.
Bình luận