• Zalo

Học sinh lớp 6 và 10 có thể đi học trước tuổi

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 27/05/2020 21:06:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT quy định học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi, vào học lớp 10 là 15 tuổi, độ tuổi có thể cao hoặc thấp hơn, căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.

Tuổi vào lớp 6 và lớp 10 có thể giảm hoặc tăng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Điều lệ trường trung học cơ sở và trung học phổ thông để xin ý kiến góp ý. Theo dự thảo, độ tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi.

"Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước", dự thảo nêu.

Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau: cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường; hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn. Hội đồng này gồm thành phần cơ bản: đại diện của lãnh đạo trường và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học.

Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét, quyết định. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định.

Học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường trung học cơ sở hoặc trường trung học phổ thông tại nơi cư trú hoặc trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước như: cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường; hiệu trưởng nhà trường tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.

Học sinh lớp 6 và 10 có thể đi học trước tuổi  - 1

Học sinh lớp 6 tại TP.HCM (Ảnh minh hoạ)

Không chỉ đánh giá học sinh bằng điểm số

Theo dự thảo, giáo viên sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo quy chế đánh giá, xếp loại và quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

Việc đánh giá học sinh bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh.

"Thầy cô đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ. Giáo viên không được so sánh học sinh này với học sinh khác và không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh", dự thảo nêu rõ.

Học sinh học tiểu học ở trường phổ thông có nhiều cấp học học hết chương trình tiểu học, đủ điều kiện theo quy định thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận vào học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.

Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở, có đủ điều kiện theo quy định thì được trưởng phòng GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định sẽ được giám đốc sở GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp và thi tốt nghiệp THPT.

Nếu học sinh không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá kết quả học tập, giáo dục học sinh theo lộ trình phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đánh giá vì sự phát triển học sinh, đánh giá thúc đẩy đổi mới dạy học, giáo dục.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn