• Zalo

Phóng viên bị hành hung: Cường 'đô la' có liên quan?

Pháp luậtThứ Hai, 23/12/2013 01:20:00 +07:00Google News

Ngoài việc chỉ đạo nhân viên của mình đối với sự cố, ông Cường chỉ đạo luôn lực lượng của nhà nước.

Hai bảo vệ dùng tay chân đá đấm, giựt máy ảnh, ngăn cản phóng viên tác nghiệp ở khu vực không đụng chạm gì đến sân tòa. Thái độ của họ cho thấy rất quyết liệt, dù chẳng liên quan đến mình…

Chỉ hai ngày sau khi sự cố hố tử thần xuất hiện tại khu vực TAND TP.HCM số 26 Lê Thánh Tôn, ngày 22.12, phóng viên Nghĩa Phạm của Motthegioi.vn lại có mặt tại hiện trường.

Ông Quốc Cường giải quyết vụ việc ở hố tử thần 
Công việc tháo dỡ tòa án được anh và nhiều đồng nghiệp khác quan tâm. Thế nhưng, trong khi đang tác nghiệp bình thường, ngoài khu vực sân tòa thì anh bị hai bảo vệ tòa là ông Nguyễn Thái Huy và ông Trần Văn Chính ngăn cản.

Trước lời giải thích của phóng viên, rằng đây là khu vực công cộng, nhà báo hoạt động đúng pháp luật thì hai bảo vệ trong trang phục áo quần xộc xệch trên vẫn tiếp tục tỏ vẻ hung hăng.

Một trong hai người khi được hỏi biển cấm báo chí tác nghịêp ở đâu, còn mạnh miệng nói: “Tôi là biển cấm”. Điều gì khiến một bảo vệ già nua, hom hem lại nhiệt tình ngăn đuổi báo chí đến thế?

Công việc bảo vệ với thu nhập không cao, lo chu toàn trong phạm vi quản lí của mình đã mệt, hà cớ chi lại nhảy xổ ra đường đuổi phóng viên rồi quyết ăn thua đủ với các chuỗi hành động liên tiếp: Mắng nạt, kéo tay, giựt máy ảnh rồi đuổi đánh phóng viên.
Lẽ ra chỉ bảo vệ khuôn viên tòa án, hai bảo vệ này không cho phóng viên tác nghiệp trên đường phố. Họ xuống tay đánh một phóng viên đi cấp cứu 
Họ hành xử như côn đồ mà quên mất họ là bảo vệ, tức phải bảo vệ an ninh, trật tự và bảo vệ nhiều thứ khác nữa, trong đó có sức khỏe, mạng sống của người khác.

Kết quả: phóng viên Nghĩa Phạm phải nhập viện.

Đây là khu vực công cộng, mọi người dân đều được ghi hình, quay phim. Cấm người dân bình thường đã là phạm pháp, huống hồ chi biết nhà báo, biết có luật báo chí nhưng hai bảo vệ tòa này vẫn ra tay. Dĩ nhiên, không cần đến tư cách nhà báo, Nghĩa Phạm vẫn là một người dân được phép làm những gì luật không cấm.

Khu vực sạt lở thành hố tử thần ở khu vực TAND TP.HCM gần công trình của công ty Quốc Cường Liên Á làm chủ đầu tư. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do việc thi công công trình của bên ông Quốc Cường, thường gọi là Cường "đô la".

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Motthegioi.vn ghi nhận những hình ảnh, thái độ rất lạ của ông Quốc Cường. Đó là ngoài việc chỉ đạo nhân viên của mình đối với sự cố, ông Cường chỉ đạo luôn lực lượng của nhà nước.

Vào thời điểm trên, báo chí tác nghiệp rất thoải mái. Rất nhiều người dân dùng thiết bị di động quay phim, ghi hình.

Hai ngày sau, ngày 22.12, phóng viên Motthegioi và một số đồng nghiệp quay trở lại hiện trường để ghi nhận quá trình tháo dỡ các công trình bị ảnh hưởng thì bảo vệ tòa sấn xổ ngăn cản.

Việc phóng viên tác nghiệp bên ngoài vẫn bị đánh là việc làm rất khó hiểu của hai bảo vệ tòa án và một số người có liên quan.

Hành động trên của hai bảo vệ tòa càng làm phóng viên muốn tìm hiểu sự thật của cái gọi là “nguy hiểm” do công trình bị sạt lở đem lại. Lúc đó biết đâu lại có thêm nhiều hình ảnh và thông tin về một sự liên quan hay giấu ém mà những người như bảo vệ tòa đang cố che đậy.

Theo Motthegioi

Bình luận
vtcnews.vn