• Zalo

Phong thủy kỳ bí sau cái chết của Khổng Minh Gia Cát Lượng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 24/10/2016 21:20:00 +07:00Google News

Ngay cả với cái chết của vị quân sư Gia Cát Lượng người ta cũng truyền tai nhau đủ chuyện phong thủy thần bí…

 Lâu nay, Gia Cát Lượng vẫn được người dân khắp khu vực Đông Á nhắc tới như một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc nhưng đồng thời cũng là một thầy phong thủy, tướng số có khả năng hô phong hoán vũ, nhìn sao đoán mệnh, dự báo tương lai.

Có lẽ chính vì vậy mà ngay cả với cái chết của vị quân sư họ Gia Cát này người ta cũng truyền tai nhau đủ chuyện phong thủy thần bí…

“Xác giả” đánh lui quân Tư Mã Ý

Năm Kiến Hưng thứ 12 nhà Thục Hán (tức năm 234), Gia Cát Lương dẫn quân Bắc phạt, đóng quân ở Ngũ Trượng Nguyên. Đó là thời điểm vào giữa mùa hạ, trời nóng bức, chiến cuộc lại không có nhiều tiến triển khiến Gia Cát Lượng rất lo lắng, ưu phiền, cứ mở miệng nói là cáu gắt, một ngày chỉ ăn được chút cơm.

Chính vì vậy mà chẳng bao lâu sau, cơ thể suy kiệt nhanh chóng cuối cùng thành bệnh, nằm liệt giường trong doanh trại. Đến tháng 8, vị quân sự lỗi lạc của nhà Thục Hán nôn ra máu mà chết. Năm đó, Gia Cát Lượng mới chỉ 54 tuổi.

Gia Cát Lượng xuống núi theo Lưu Bị năm 27 tuổi, 14 năm sau thì làm tới chức thừa tướng nước Thục, 27 năm sau thì chết vì lo lắng phiền muộn. Người ta nói rằng, tất cả những sự kiện trọng đại xảy ra trong đời Gia Cát Lượng đều liên quan tới con số 7. Đây hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Con số 7 là con số định mệnh đối với Gia Cát Lượng.

phong-thuy-ky-bi-sau-cai-chet-cua-gia-cat-luong-hinh-2

 Tạo hình Gia Cát Lượng trên phim. 

Con trai Lưu Bị là Lưu Thiện nghe tin dữ từ tiền tuyến báo về kinh hoảng vô cùng. Vì lẽ, xưa nay, mọi việc trong triều đình nhà Thục đều trông vào một tay Gia Cát Lượng, nay Lượng vì chuyện Bắc phạt mà chết, ai sẽ là người thay Lưu Thiện lo lắng chuyện quốc gia đại sự. Vì vậy, người ta nói rằng, Lưu Thiện sau khi nghe tin là khóc lóc chạy tới nơi chôn cất của Gia Cát Lượng, tự mình chủ trì nghi lễ chôn cất còn phong cho Gia Cát Lượng là “Trung Vũ hầu”.

Người đời sau vẫn gọi Gia Cát Lượng là “Gia Cát Vũ hầu” cũng là từ tước hàm này mà có. Sách chép, trước khi chết, Gia Cát Lượng biết rằng sau khi mình nằm xuống, quân Thục không thể là đối thủ của quân đội Ngụy dưới sự chỉ huy của Tư Mã Ý. Vì vậy, mặc dù trong tình trạng bệnh tình nguy kịch vẫn cố gắng họp mặt các tướng lĩnh dưới quyền để bố trí thật chu đáo cho việc rút quân.

Các tướng trung thành của Gia Cát Lượng là Dương Nghĩa, Khương Duy theo sự sắp xếp của Gia Cát Lượng, sau khi Lượng chết không phát tang ngay mà chỉnh đốn binh mã, rút quân về Hán Trung thật thần tốc nhưng phải trật tự, không để quân Tư Mã Ý phát hiện.

Tư Mã Ý biết chuyện quân Thục đang rút chạy, lập tức xua quân đuổi theo, quyết một phen tiêu diệt quân của Gia Cát Lượng. Dương Nghĩa ra lệnh cho binh lính rải đinh sắt trên đường rút quân để cản trở quân địch. Tư Mã Ý không phải tay vừa, ra lệnh cho hơn 2000 binh sỹ đi những đôi giày có đế làm bằng gỗ mềm chạy trước đoàn quân khiến đinh sắt do quân Thục rải trên đường găm hết vào đế giày.

phong-thuy-ky-bi-sau-cai-chet-cua-gia-cat-luong-hinh-3

 Tạo hình Tư Mã Ý trong phim.

Quân đội Ngụy cứ theo đoàn quân giày gỗ này thuận lợi truy đuổi quân Thục. Tuy nhiên, khi quân Ngụy đuổi tới gần, quân Thục đột nhiên dựng cờ, gõ trống giống như chuẩn bị phản kích quân Ngụy. Quân Tư Mã Ý thấy vậy không dám truy đuổi nữa. Quân Thục nhờ vậy mà an toàn rút về Hán Trung.

Vì sao một người thông minh như Tư Mã Ý lại không dám truy đuổi quân Thục? Nguyên nhân là vì, trước khi chết, dự liệu rằng khi quân Thục rút lui, Tư Mã Ý tất sẽ đuổi theo vì vậy Gia Cát Lượng đã cho người đẽo một bức tượng của mình rồi đặt lên xe. Đến khi quân của Tư Mã Ý đuổi theo đến gần thì đẩy xe có bức tượng của mình lên phía trước. Tư Mã Ý vốn nghe phong thanh Gia Cát Lượng bị bệnh mà chết, vì thế quân Thục mới rút quân.

Nay khi đuổi sát tới nơi lại thấy Gia Cát Lượng vẫn điềm nhiên ngồi trước xe ra trước ba quân thì sợ rằng cả cái chết lẫn việc rút quân chỉ là kế sách của Gia Cát Lượng nên không dám manh động. Tư Mã Ý quá thông minh do vậy cũng quá sức thận trọng vì thế đánh mất cơ hội tiêu diệt quân Thục. Người đời sau gọi sự kiện này là “Xác giả” Gia Cát Lượng đánh lui Tư Mã Ý.

Quái chiêu “điểm huyệt” định phong thủy

Là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý vì vậy, Gia Cát Lượng đương nhiên rất chỉn chu với việc chọn nơi chôn cất cho chính mình. Theo di nguyện của Gia Cát Lượng, sau khi chết nơi đặt mộ của mình sẽ là núi Định Quân.

Núi Định Quân nay nằm ở phía Nam huyện Miễn, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nó là một nhánh đâm theo hướng Tây Bắc của dãy Hệ Mỹ Thương. Vì trên đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân nên mới có tên là núi Định Quân.

Một truyền thuyết khác nói rằng, khi Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt đã dùng ngọn núi này làm nơi tập Bát trận độ, luyện tập binh lính nên mới có tên là núi Định Quân.Vì sao Gia Cát Lượng lại chọn núi Định Quân mà không chọn chôn cất ngay tại nơi chốn hoặc mang hẳn về kinh đô nước Thục? Người ta đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Người nói Gia Cát Lượng chọn núi Định Quân là vì quan niệm khi sống thì quản lý nước Thục, khi chết thì bảo vệ nước Thục.

Một thuyết khác lại nói rằng, do việc Bắc phạt thất bại nên Gia Cát Lượng không muốn đưa xác mình về chôn tại kinh đô, sợ bị Lưu Thiền trả thù. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân thuyết phục nhất vẫn là Gia Cát Lượng đã tính toán rất kỹ về phong thủy khi lựa chọn ngọn núi Định Quân này.

Địa hình núi Định Quân rất phức tạp, các sườn núi uốn lượn, nhấp nhô được coi là một nơi cực tốt về mặt phong thủy. Tuy nhiên, ngọn núi Định Quân thì quá lớn, vậy nếu như chỉ nói rằng chôn cất ở núi Định Quân thì các tướng lĩnh biết chôn cất Gia Cát Lượng ở đâu? Người ta nói rằng, chuyện này cũng đã được Gia Cát Lượng tính toán rất kỹ.

phong-thuy-ky-bi-sau-cai-chet-cua-gia-cat-luong

 Tranh minh họa chân dung Gia Cát Lượng.

Theo ghi chép, trước khi chết, nói về việc lo hậu sự của mình, Gia Cát Lượng nói với các tướng sỹ rằng, sau khi mình chết thì đem bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sỹ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ.

Truyền thuyết kể rằng, quân sỹ theo lời dặn của Gia Cát Lượng, buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng theo đoàn quân rút lui về phía Hán Trung. Cứ khiêng đi như vậy một thời gian rất lâu nhưng dây vẫn không đứt. Tuy nhiên, khi tới núi Định Quân thì đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn bỗng dưng đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất.

Quân sỹ vội đặt quan tài xuống rồi tìm xẻng để đào huyệt hạ quan tài xuống. Nhưng khi binh lính vừa tản ra đất tại nơi đặt quan tại bỗng sụp xuống, vừa khít lấp trọn quan tài của Gia Cát Lượng.

Thời kỳ Tam Quốc là thời kỳ “mộ tặc” cực kỳ lộng hành. Vì vậy, ngoài việc chọn phong thủy cho ngôi mộ, việc đầu tiên cần nghiên cứu đối với các nhà phong thủy chính là làm cách nào để chống lại bọn mộ tặc này. Tào Tháo vốn là một chuyên gia trộm mộ, vì vậy cũng trở thành một người cực kỳ tài năng trong việc chống lại mộ tặc.

Nghi án về 72 ngôi mộ của Tào Tháo cho tới tận ngày nay vẫn chưa có lời giải và người ta vẫn chưa thể nào tìm thấy ngôi mộ thật của nhà chính trị lừng danh thời Tam Quốc này. Về mặt phong thủy, Gia Cát Lượng có lẽ không thua gì Tào Tháo vì vậy, việc chống mộ tặc của Gia Cát Lượng cũng đặc sắc không kém.

Gia Cát Lượng khi chọn mộ cũng đã nghĩ đến việc sẽ bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ vì vậy đã yêu cầu tướng lĩnh dưới quyền không chôn theo các vật tùy táng, mộ huyệt cũng không cần đào lớn, chỉ vừa đủ để đặt quan tài là được. Khu vực đặt mộ cũng không cần xây kín, cũng không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì có thể bị phát hiện.

Tuy nhiên, những người đời sau để tưởng nhớ công đức của Gia Cát Vũ Hầu đã quyết định xây dựng khu mộ cho ông, lại còn trồng cây để ghi nhớ vị trí đặt mộ. Tuy nhiên, khi quyết định làm điều này, họ cũng tính đến việc giúp ngôi mộ chống lại bọn mộ tặc.

Vì vậy họ đã xây dựng rất nhiều ngôi mộ giả xung quanh ngôi mộ thật. Ngôi mộ mà ngay nay người ta vẫn gọi là “Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu” thực tế không phải là mộ thật. Nhiều người cho rằng, ngôi mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Mộ Vũ Hầu” mới là mộ thật.

Vì vậy mà người Trung Quốc đến nay vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ: “Mộ thật thì không thật mà mộ giả lại không giả”.Ngôi mộ có tên là “Mộ Vũ Hầu” được đặt ở góc Tây Bắc của núi Định Quân, diện tích lên tới hơn 300 mẫu. Trên thực tế, nhiều chuyên gia lại cho rằng, ngay cả ngôi mộ có tên “Mộ Vũ Hầu” này cũng không phải là thực.

Ngôi mộ này được coi là ngôi thật của Gia Cát Lượng chỉ mới bắt đầu từ năm 1799, do Đô đốc tỉnh Thiểm Tây là Tùng Quân khẳng định dựa trên những truyền thuyết lưu truyền trong dân địa phương thời đó. Vì vậy, có thể nói rằng cũng giống như Tào Tháo, cho tới nay người ta vẫn chưa thể xác định được mộ thật của Gia Cát Lượng nằm ở đâu.

Nguồn:Kiến thức

Bình luận
vtcnews.vn