• Zalo

Chuyện ly kỳ về người phụ nữ bị hổ ăn thịt biến thành ‘ma trành’ ở Thanh Hóa

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 18/04/2017 07:35:00 +07:00Google News

Theo truyền thuyết của người Mường ở miền tây Thanh Hóa, nếu bị hổ ăn thịt, người đó sẽ biến thành ma trành phục dịch hổ.

Kỳ 1: Ma trành nơi ngôi mộ bà Tổ Mối

Người Mường ở vùng Thạch Thành, phía Tây tỉnh Thanh Hóa tin rằng, khi một người bị hổ ăn thịt, thì sẽ biến thành ma trành.

Ma trành trong quan niệm của người Mường, có hình dạng như con người. Nếu là phụ nữ thì thường là rất đẹp. Ma trành luôn đi theo con hổ và phục dịch nó như kẻ hầu người hạ. Ma trành thường làm công việc dụ dỗ người đi lạc vào rừng sâu, để hổ ăn thịt người đó. Khi nào dụ dỗ được nhiều người, thì con hổ đó mới tha cho, và mới siêu thoát làm người được.

Giờ đây, nhắc đến ma trành, kể cả người dân ở vùng rừng núi nơi xuất hiện những huyền thoại này, cũng không còn biết đến nữa, ngoài những người rất già, một thời sống hãi hùng cùng với loài hổ thích ăn thịt người và được nghe những câu chuyện của tổ tiên bên bếp lửa bập bùng giữa rừng hoang.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh như dải lụa quanh co qua những miền rừng, rẽ vào xứ Mường, với những xã Thành Yên, Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Lâm… chẳng xa lắm. Đường sá cũng đến tận thôn, tận bản, ở những chỗ sâu nhất, xa nhất. Những nếp nhà sàn ở tận chân núi lẫn trong rừng già. Rừng tràn đến tận trụ sở UBND xã Thành Yên.

Cạnh trụ sở xã có cây gạo, là nơi nhiều người bị hổ ăn thịt. Đứng ngay gốc cây gạo ngàn năm khổng lồ, ước chừng 7-8 người ôm mới xuể, chỉ đi bộ vài phút đã đặt chân vào rừng. Những dãy núi bao quanh xã đều um tùm rậm rạp, toàn cây cổ thụ, gỗ quý. Cách đó không xa là động Cong Moong, tầng tầng lớp lớp dấu tích người tiền sử. Nơi đây có thể nói là cái nôi của người Việt.

Tôi đã từng vào tận ngã ba biên giới, đến tận đỉnh U Bò của khu bảo tồn Phù Bắc Yên, rồi lạc giữa đại ngàn pơ-mu ở Văn Bàn, Sapa, những nơi thậm xa xôi, hiểm trở, song chẳng thấy ở đâu mà rừng còn rậm rạp như ở vùng đất này. Những nơi xa xôi, hiểm trở ấy mà người ta còn tha được gỗ ra, đằng này, rừng ngay trước mắt, đường sá thuận tiện thế mà người Mường nơi đây không vào rừng kiếm chác?

Đem chuyện này thắc mắc với chủ tịch UBND xã Thành Yên, ông Trương Văn Gương bảo: “Người Mường ở đây ngoài việc tôn trọng thần rừng, thần núi, thì sợ thần hổ với ma trành lắm, không dám vào rừng lấy que củi, chứ đừng nói chuyện vào đó chặt phá rừng.

Ngoài chuyện sợ hổ, người Mường rất sợ ma trành, là loại ma bị hổ ăn thịt mà biến thành, chuyên dụ dỗ người, khiến người lạc đường vào rừng mà bị hổ ăn thịt. Rừng là chốn chúa sơn lâm với ma trành ở, nên không ai dám kinh động. Chỉ có mấy thợ săn, bất chấp tính mạng mới dám mò vào rừng. Nhưng những người vào rừng ăn cắp của rừng, đều chẳng ra sao, không nghèo đói thì cũng gặp tai họa. Dòng họ nhà tôi có mối thâm thù với hổ, nhưng cũng sợ lắm, phải thờ hổ, thờ cả ma trành, mà bà tổ cô trong họ là một ví dụ”.

Theo chỉ dẫn của anh Gương, tôi tìm gặp ông Đinh Văn Trinh, 85 tuổi, ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, thầy cúng và cũng là người trong dòng họ có mối thâm thù với hổ.

Ông Trinh dẫn tôi lần mò dọc con suối Vó Ấm để đi tìm ngôi miếu mà dòng họ ông cùng dân làng lập ra thờ thần rừng, thần núi và đặc biệt là thần hổ. Ngay đầu con đường quanh co vào núi, là một ngôi mộ to tướng, lùm lùm một đống.

1

 Ông Đinh Văn Trinh kể chuyện bà Tổ Mối bị hổ giết hại.

Chỉ tay vào ngôi mộ cổ khá kỳ lạ đó, ông Đinh Văn Trinh bảo, đó chính là mộ bà tổ cô của ông, mà dân làng tôn kính gọi là bà Tổ Mối. Sở dĩ người ta gọi như vậy, là bởi ngôi mộ mỗi ngày một lớn lên do mối đùn. Người dân qua lại, đều chắp tay thành kính, và không bao giờ dám nói bậy, hoặc làm điều gì càn rỡ khi ở gần ngôi mộ này.

Theo huyền thoại của người Mường, thì bà Tổ Mối bị hổ sát hại, nên bà biến thành ma trành. Ngoài lúc đi theo thần hổ, thì người ta vẫn nhìn thấy bóng trắng nhờ nhờ ở trên ngôi mộ, chính là bà hiển linh.

Câu chuyện về nữ ma trành ở ngôi mộ bà Tổ Mối, được ông Đinh Văn Trinh bắt đầu từ chuyện về thần hổ báo thù gắn với tổ tiên của ông.

Ông bảo: “Các cụ nhà tôi kể nhiều chuyện về ông hổ này lắm. Ông cố tôi vốn là thợ săn siêu hạng, bắn chột một mắt ông hổ. Ông hổ này trốn đi nơi khác dưỡng thương. Ông hổ biết cố tôi là thợ săn thiện xạ, sức mạnh hơn người, nên ông hổ này không dám mon men đến khu vực nhà cố tôi nữa. Nhưng ông hổ này lại đi tàn sát, giết hại người ở nơi khác, mãi trên Cẩm Thủy, Quan Hóa, thậm chí sang tận Ninh Bình, Hòa Bình để bắt người.

Nhà tôi có mối thâm thù với hổ, nên tôi đã bỏ mấy chục năm đi tìm hiểu. Hễ sang bản nọ, làng kia, là tôi đem chuyện ông hổ xám ra hỏi các cụ già. Bốn bề rừng núi Thạch Thành, đến bận biên giới, vòng sang rừng Cúc Phương giáp Hòa Bình, Ninh Bình, cách bản Yên Sơn cả trăm cây số, bản làng nào cũng thấy có người bị hổ xám khổng lồ ăn thịt”.

Theo lời kể của các cụ già mà ông Trinh thu thập được, thì con hổ xám này rất ác. Giống hổ tật nguyền lại thường ác hơn. Nó thường phục ở những con đường mòn gần bản, nơi con người hay đi lại, rồi ào ào chụp lấy, trút mọi oán hờn lên thân thể người vô tội. Cứ vài ngày, nó lại mò về bản vồ một người. Ăn thịt không hết, nó cào cấu, xé nát thân thể, moi lòng xả ruột rất thương tâm.

Thậm chí, ăn thịt người no rồi, gặp người nữa, nó lại tấn công giết chết, hành hạ xác chết cho bấy thịt tan xương, cho hả dạ rồi mới bỏ đi. Các cụ đồn nó làm thế là để lại dấu hiệu cho loài người biết rằng nó đang báo thù loài người.  

3

Ông Trinh chỉ khu vực bà Tổ Mối đánh nhau với hổ. 

Ông Trinh kể rằng, với gia đình ông, hổ xám theo sát nhiều đời và tìm mọi cách sát hại khi những người trong gia đình ông sơ hở. Chính vì biết có mối thâm thù với hổ, nên đời nào nhà ông Trinh cũng chuẩn bị rất cẩn thận, kỹ càng cách đối phó với hổ. Không chỉ đàn ông, mà cả đàn bà cũng được rèn luyện thành thợ săn thiện xạ.

Nhà cửa trong họ nhà ông Đinh Văn Trinh được làm vô cùng kiên cố để chống đỡ hổ tấn công. Ngày đó, gia đình còn ở khe núi có tên Lóng Thục, cách chỗ ở hiện tại chỉ hơn ngàn bước chân. Đó là một thung lũng hẹp, nhưng núi thấp, ruộng nương bằng phẳng, lúa tốt bời bời.

Đại gia đình nhà ông khai hoang được 30 sào ruộng ở thung lũng Làng Thạ. Sau này, chia lại ruộng, dân làng tưởng nhớ tráng sĩ diệt hổ Đinh Văn Riệc, là cha đẻ ông Trinh, bị hổ xám khổng lồ ăn thịt, nên đã đổi tên khu ruộng ấy thành ruộng Ông Riệc.

Đại gia đình, anh em họ mạc gồm 6 hộ, dựng nhà quây quần quanh chân núi. Những ngôi nhà đều được làm bằng gỗ lim. Ngày đó, lim mọc khắp vùng Thạch Thành, những cây lim ngàn tuổi, nên chỉ cần sức người là dựng được nhà, chứ không tốn kém như bây giờ. Sàn nhà phải cao tới 4 mét, có 2 cầu thang lên nhà. Một cầu thang chính để lên phòng khách, một cầu thang phụ dẫn lên chạn (là cái sàn phía chái nhà, cạnh bếp, là nơi rửa ráy, tắm giặt).

Ban ngày, cầu thang hạ xuống để mọi người đi lại, nhưng chiều đến là phải rút cầu thang lên, chốt cửa thật chặt. Cột nhà đều phải to hơn vòng người ôm, mài nhẵn thín, để hổ xám khổng lồ có dùng sức mạnh kinh người cũng không vật đổ được nhà. Vách nhà cũng được ghép bằng những tấm gỗ lim rất dày, bên trong lại được đóng khung mộng chắc chắn, nên dù hổ xám khổng lồ có phi thân cũng mẻ đầu vỡ trán, chứ không thể xâm nhập vào trong nhà được.

Chuồng trâu, chuồng lợn cũng được ghép bằng những súc gỗ lớn, đóng kín như hộp. Bẫy hổ đặt chi chít quanh nhà. Chiều xuống thì vít bẫy, đặt mồi, trên các con đường mòn từ rừng dẫn vào làng, sáng hôm sau lại tháo bẫy cho mọi người đi lại. Quy trình cuộc sống diễn ra một cách cẩn mật như thế, nhưng vẫn có người trong họ Đinh ở Yên Sơn bị hổ sát hại một cách đáng tiếc.

Số là, một người uống rượu say, nằm ngủ, đóng cửa kín, nóng quá, nên hé cửa, gác đầu lên bậc cửa hóng gió. Gió lùa mang sương đêm mát lạnh thổi vào mặt, khiến ông này ngủ quên. Con cọp xám phát hiện sơ hở, đứng dựng lên, gác chân lên sàn nhà, há đầu ngoạm một cái đứt nguyên cái đầu.

Khi gia đình phát hiện, gõ trống khua chiêng, đốt lửa sáng rực, thì con hổ xám lững thững đi vào rừng, vừa đi miệng vừa nhai đầu rau ráu. Nhìn cái xác không đầu chảy máu ròng ròng thành vũng xuống nền đất, xung quanh là những dấu chân khổng lồ, mà ai cũng phải kinh hồn bạt vía, lúc nào cũng tự nhủ có thể mất mạng bất cứ lúc nào với thần hổ xám.

Trong gia đình ông Đinh Văn Trinh, cả đàn ông lẫn đàn bà đều được huấn luyện thành thiện xạ. Người phụ nữ nổi tiếng nhất dòng họ là bà cô của ông Trinh, đến thế hệ ông cả làng cứ gọi là bà Tổ Mối, nên quên luôn tên thật của bà.

Bà cô Tổ Mối là thợ săn giỏi nức tiếng vùng Thạch Thành. Bà vác súng, vác nỏ, đeo lao vào rừng bắn chết vô số hổ, chọc tiết lợn lòi, vật nhau sống mái với gấu ngựa.

Người dân nơi đây vẫn còn ký ức về bà, nhưng mỗi người kể một kiểu. Có người bảo bà to lớn hơn cả đàn ông, dễ đến ngót 2 mét. Bà giỏi võ, leo núi thoăn thoắt, đuổi thú trong rừng, cơ bắp cuồn cuộn. Điều đặc trưng nhất ở bà, là có bộ râu… quai nón.

Cả đại gia đình và dòng họ Đinh ở xứ Mường này sợ thần hổ xám khổng lồ, với đám ma trành theo nó, riêng bà thì không sợ. Nhiều lần bà vác súng hỏa mai vào rừng, chống nạnh chửi hổ xám, cốt để hổ xám giáp mặt để bà đấu tay đôi. Có lẽ, hổ xám biết bà là một cao thủ, không sợ trời, chẳng sợ đất, nên chỉ dám “à uồm” từ xa, chứ không dám xuất hiện trước mặt bà.

Ở vùng Thạch Thành khi đó, không chỉ hổ, mà lợn lòi cũng là loài phá hoại cuộc sống người dân ghê gớm. Nếu hổ ăn thịt người, giết hại trâu, bò, lợn, dê, thì lợn lòi phá hoạt mùa màng, cây cối, và cũng húc chết vô số người.

Đêm người dân Thạch Thành không dám ra khỏi nhà vì sợ hổ, ngày chẳng dám lên nương vì sợ lợn lòi. Giống lợn lòi ở Thạch Thành thân to như trâu nước, nặng đến 3-4 tạ, hai răng nanh cong vút, sắc như kiếm.

Giống lợn lòi độc chiếc lại vô cùng hung dữ. Khi chúng đang đào bới sắn, nhai ngô, con người xuất hiện, không những chúng không chạy, mà xông thẳng vào húc. Nếu không nhanh chân, nhẹ thì toạc da, lòi thịt, nặng thì sổ ruột gan vì cú húc của lợn lòi.

Không chỉ có tài đánh hổ, mà bà Tổ Mối còn can đảm giết hàng loạt lợn lòi. Ở đâu có lợn lòi phá hoại, người dân cầu cứu, bà vác súng, đeo nỏ đến tìm.

Một chiều, con lợn lòi khổng lồ từ rừng mò vào khe Lóng Thục phá ruộng nương, ăn rau lang ở ruộng cạnh cây sú. Bà Tổ Mối vác súng hỏa mai, cung nỏ, rồi dắt thêm con dao găm vào hông. Con lợn lòi đã phá nát cả sào ruộng khoai, sắn. Bà tiến lại gần, ngắm về phía con lợn rồi điểm hỏa. Con lợn không hề sợ hãi, mà giương mắt nhìn, rồi phi về phía bà như máy ủi.

Tiếng nổ phát ra từ súng như tiếng mìn, khiến máu từ thân con lợn lòi phun ra thành tia. Phát đạn không trúng đầu, nên chẳng ăn thua gì với nó. Nó xông đến húc bà. Bà Tổ Mối kéo cung, liên tiếp nhả tên.

4

 Ngôi mộ bà Tổ Mối cứ to dần lên do mối đùn.

Tên độc cắm phầm phậm vào con lợn mà vẫn chưa hạ được nó. Bà phải sử dụng mọi thế võ, phi thân như chớp để tránh những cú húc điên cuồng của lợn độc chiếc. Thêm nhiều nhát dao cắm ngập vào lưng, bụng, đầu, và khi thuốc độc ngấm sâu, con lợn mới chịu nằm vật xuống đất, thở hổn hển.

Chưa kịp định thần, thì một tiếng gầm chấn động rừng già. Con hổ xám khổng lồ từ rừng vọt ra, phi thẳng về phía nữ thợ săn, vả một cú trời giáng. Bà Tổ Mối nhanh chân tránh được cú táp của hổ. Con hổ hụt hơi, vả vào thân cây sú khiến thân cây toác ra.

Tránh cú táp của con hổ, bà Tổ Mối nạp tên bắt liên tiếp. Hổ tiếp tục xông vào, bà lại né được, chích vào thân thể nó vài nhát dao găm. Trận đánh diễn ra một hồi, bất phân thắng bại, con hổ sợ nữ thợ săn dày dặn kinh nghiệm họ Đinh nọ, nên nhảy tót vào rừng, chờ cơ hội khác.

Bấy giờ, nghe tiếng súng nổ, tiếng hổ gầm, thì mọi người mới chạy ra. Nhưng thấy bà đánh nhau với hổ, nên trèo hết lên ngọn cây, chui vào nhà đóng chặt cửa. Khi hổ đi rồi, mọi người mới đến băng bó vết thương cho bà, xẻ thịt con lợn lòi chia nhau.

Khắp người bà Tổ Mối là các thương tích toạc da rách thịt, nhưng bà chẳng hề kêu đau. Xẻ thịt xong, bà khoác súng đi về. Đêm ấy, cả bản xả thịt lợn ăn uống tưng bừng, nhưng chẳng thấy bà Tổ Mối đâu.

Nửa đêm, mọi người đốt đuốc đi tìm, thì phát hiện bà đã chết tự bao giờ. Bà chết trong tư thế ngồi, súng dựa trên vai và chỉ còn hở mỗi khuôn mặt cùng nòng khẩu súng. Hàng triệu con mối đang đùn tổ lấp kín thân thể bà.

Lúc ấy, mọi người mới biết, khi bà lê thân về đến gần nhà, kiệt sức, thì ngồi nghỉ. Tuy nhiên, mất máu nhiều, nên bà lịm đi, rồi chết.

Các cụ thì khẳng định, móng vuốt và răng loài hổ xám thành tinh rất độc, nên chỉ cần cào xước da người, nếu không được giải độc, thì sẽ mất mạng.

Khi bà qua đời, loài mối đã xây mộ cho bà. Nghĩ việc mối xây mộ là linh thiêng, nên gia đình không đưa bà về làm tang, chôn cất như bình thường, mà để mối phủ kín. Chỉ đến sáng hôm sau, tổ mối đã to bằng đống rơm, trùm kín thân thể bà, biến thành ngôi mộ khổng lồ.

Sau này gia đình mời thầy cúng, thì thầy cúng bảo bà muốn được an táng như thế và yêu cầu con cái xây tường quanh tổ mối. Mưa gió mài mòn ngôi mộ, mối lại đùn lên như cũ. Ngôi mộ của bà Tổ Mối tồn tại đã 80 năm nay. Từ đó, người dân và gia đình gọi bà là bà Tổ Mối. Cũng vì thế mà tên thật của bà bị quên lãng. 

Bà Tổ Mối dù có mối thâm thù với hổ, nhưng theo quan niệm của người Mường, khi bà bị thần hổ sát hại, thì bà sẽ biến thành ma trành mà đi theo làm nô lệ cho nó.

Thần hổ xám oai phong lừng lẫy, thoắt ẩn, thoắt hiện trong rừng già, ăn thịt vô số người. Thế nhưng, có những lúc nó lại biến thành cụ già cao lớn phong độ, ngồi bên suối Vó Ấm, và có rất nhiều nữ ma trành xinh đẹp vây quanh, như những chồn tinh mê đắm lòng người trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh.

Ngôi miếu thờ thần hổ bên con suối Vó Ấm ở trong rừng, ít người dám qua lại, trừ một vài người trong gia đình ông Đinh Văn Trinh. Họ vẫn tin có thần hổ và ma trành ngự ở đó. Nhiều người kể rằng, đi làm nương, nghỉ trưa gần ngôi miếu, đang thiu thiu thì đều nghe thấy tiếng khúc khích phát ra từ ngôi miếu bên suối Vó Ấm chảy róc rách. Họ tin rằng, đó chính là tiếng của ma trành.

Video: Hổ khổng lồ dạo chơi trên phố

Còn tiếp...

Dương Phạm
Bình luận
vtcnews.vn